Nước Pháp sẽ làm gì sau thảm kịch ở Nice?

16/07/2016 19:32

(Baonghean) - Nước Pháp lần nữa lại choáng váng và chao đảo sau một đêm chết chóc cướp đi sinh mạng của hàng chục người vô tội. Thảm kịch xảy đến quá nhanh và bất ngờ khi nước này đang trong lễ mừng Quốc khánh, trước thềm gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ban bố toàn quốc từ cuối năm ngoái.

Đêm đẫm máu

Đêm 14/7, hàng trăm người đang tưng bừng hưởng ứng lễ Quốc khánh Pháp, ngắm pháo hoa, nhảy theo những điệu nhạc sôi động tại thành phố Nice ở miền Nam, một chiếc xe tải bất ngờ trờ tới, và thảm kịch diễn ra chỉ trong tích tắc, trước sự hoảng hốt và bị động của những nạn nhân vô tội.

Người dân sơ tán khỏi hiện trường vụ tấn công đêm 14/7 tại Nice. Ảnh: Reuters.
Người dân sơ tán khỏi hiện trường vụ tấn công đêm 14/7 tại Nice. Ảnh: Reuters.

84 người thiệt mạng, trong đó có cả trẻ em, 18 người hiện đang nguy kịch, rõ ràng vụ đâm xe có chủ đích kia là một cuộc tấn công khủng bố được ủ mưu từ trước. Kẻ gây ra vụ việc đẫm máu đã bị cảnh sát tiêu diệt tại hiện trường, nhưng công tác điều tra đang gấp rút được tiến hành, hòng xác định liệu y còn có kẻ đồng lõa nào khác hay không.

Có nguồn tin khẳng định trên chiếc xe “tử thần” chở theo vũ khí và lựu đạn, song vẫn chưa xác minh được liệu đó có phải súng thật, đạn thật không. Các nhân chứng có mặt kể lại rằng kẻ lái chiếc xe tải đã cố ý cho xe chạy theo đường zíc zắc, mà mục tiêu không gì hơn là giết hại nhiều người nhất có thể.

Chiếc xe tải đã gây ra cái chết của hơn 80 người đêm 14/7 tại Nice. Ảnh: Reuters.
Chiếc xe tải đã gây ra cái chết của hơn 80 người đêm 14/7 tại Nice. Ảnh: Reuters.

Với tốc độ chiếc xe khoảng 50 km/h, hiện trường gây án kéo dài tới 2 km, hàng trăm người như bị dồn vào đường cùng, hoảng loạn và tuyệt vọng tìm đường sống. Thậm chí nhiều cha mẹ buộc phải ném những đứa trẻ qua hàng rào 2 bên đường, đánh cược mạng sống của con cái trong nỗi bất lực khốn cùng.

Hiện vẫn chưa băng nhóm nào lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Một số ý kiến nhận định thủ đoạn gây án bằng cách lao xe vào đám đông mang “dáng dấp” của những phần tử khủng bố al-Qaeda, như nhiều vụ tấn công mà chúng đã tiến hành vài năm qua.

Các nguồn tin từ truyền thông Pháp cho biết đã phát hiện thẻ căn cước của 1 cư dân Nice 31 tuổi mang 2 quốc tịch Pháp và Tunisia trên chiếc xe tải. Song vẫn còn quá sớm để đưa ra phỏng đoán về động cơ, nhân thân hay khả năng có đồng phạm của kẻ tấn công. Dù vậy, đến giờ phút này, có thể nhận định rằng đây là vụ việc mới nhất trong chuỗi tấn công khủng bố đẫm máu kể từ thảm kịch xả súng vào tòa soạn báo Charlie Hebdo vào tháng 1/2015.

2 năm đen tối

Hơn 80 người thiệt mạng tại Nice - con số khủng khiếp nhân lên gấp bội nỗi đau của nước Pháp sau những vụ tấn công trước đó, một lần nữa khiến chúng ta nhớ về những nạn nhân trong loạt tấn công Paris tháng 11/2015, trong vụ xả súng tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo đầu năm ngoái, và cả vụ tấn công sau đó không lâu tại một siêu thị Do Thái.

Sau vụ việc hồi cuối năm ngoái tại Paris, chính phủ Pháp đã ban bố tình trạng khẩn cấp, hạn chế đáng kể các quyền tự do của công dân. Cảnh sát được phép tiến hành lục soát kể cả khi không có trát của tòa, và có thể quản thúc tại gia các đối tượng tình nghi không theo thủ tục pháp lý thông thường.

Quốc hội nước này cũng đã thành lập ủy ban điều tra các vụ tấn công khủng bố trong năm 2015 khiến 147 người thiệt mạng, và phát hiện ra nhiều sai sót trong các cơ quan tình báo của mình. Khi chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt nào trong bộ máy của các cơ quan này, thì lại xảy ra vụ việc đêm 14/7.

Kẻ tấn công đã chọn thời điểm gây án là ngày Quốc khánh - một trong những ngày lễ quan trọng nhất năm của Pháp, là dịp tụ họp của nhiều người trên các đường phố lớn. Về góc độ này, có thể nhận thấy điểm tương đồng trong vụ việc tại Nice với những vụ tấn công trước đó trong 2 năm đen tối nhất của Pháp kể từ thời phát xít chiếm đóng.

Giữa thủ đô Paris, ngoài sân vận động quốc gia chật ních người hâm mộ, các mục tiêu “ưa thích” của bọn khủng bố là những địa điểm thu hút nhiều người. Còn trong vụ Charlie Hebdo, mục tiêu nhắm đến là quyền tự do ngôn luận - điều mà Pháp cùng nhiều nước khác luôn lấy làm tự hào và kiêu hãnh, nhưng lại rơi vào tầm ngắm của những tay súng khủng bố.

Trước những đau thương, người Pháp vẫn luôn kề vai sát cánh. Họ tập trung tại quảng trường Place de la République ở phía Đông Paris, ôm theo những biểu tượng lớn tượng trưng cho tinh thần dân tộc. Họ cũng mở rộng cửa cho những ai tìm chỗ trú ẩn tai họa đang rập rình. Và đêm 14/7, người ta thấy rằng nhân dân Pháp vẫn một lòng đoàn kết, cùng vực nhau bước qua nỗi đau của 1 đêm dài bạo lực và chết chóc.

Nhiệm kỳ thất bại?

Hay tin tấn thảm kịch đêm Quốc khánh, Tổng thống François Hollande đã lên án vụ tấn công và cho biết sẽ triển khai binh lính để hỗ trợ lực lượng cảnh sát, đặc biệt là tại các khu vực biên giới của nước này. Ông cũng nhấn mạnh vụ tấn công “về bản chất là khủng bố” và thề rằng nước Pháp sẽ luôn mạnh mẽ hơn những kẻ cuồng tín âm mưu tấn công vào đây.

Tổng thống Pháp phát biểu sau vụ tấn công. Ảnh: AFP.
Tổng thống Pháp phát biểu sau vụ tấn công. Ảnh: AFP.

Trước đó chỉ vài giờ đồng hồ, vị chính khách hàng đầu Paris có khả năng tiếp tục chạy đua để tái cử trong nhiệm kỳ tới đã có cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình nhân ngày lễ Quốc khánh. Trong buổi ghi hình, ông Hollande một lần nữa nhắc lại câu khẩu hiệu mới của mình, rằng “mọi việc đang tiến triển tốt lên”.

Vị Tổng thống đương nhiệm của nước Pháp cũng quả quyết trong cuộc trao đổi trên sóng truyền hình rằng ông sẽ không kéo dài thêm tình trạng khẩn cấp hết hạn vào ngày 26/7 tới. Thế nhưng, khi thảm kịch ập đến với Nice, ông buộc phải rút lại lời nói của mình, và tình trạng khẩn cấp trên toàn nước Pháp sẽ kéo dài thêm 3 tháng nữa.

Binh lính Pháp làm nhiệm vụ sau khi phong tỏa hiện trường. Ảnh: AP.
Binh lính Pháp làm nhiệm vụ sau khi phong tỏa hiện trường. Ảnh: AP.

Sau 3 ngày quốc tang, nước Pháp sẽ phải đối diện với cuộc tranh luận chính trị nảy lửa về chính sách tình báo và an ninh. Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017 sẽ diễn ra sau 9 tháng nữa, và sau những vụ việc đã qua, giờ đây không có mối lo nào lớn hơn từ khóa “an ninh” trong tâm trí các cử tri.

Ông Hollande trong tháng này đang tuột dốc xuống tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục, trong khi những cái tên đối thủ tiềm năng trong mùa bầu cử tới lại đang trên đà được lòng công chúng. Liệu đây sẽ là nhiệm kỳ thất bại của ông Hollande? Chính sách an ninh của Pháp và vai trò lãnh đạo của Tổng thống có điểm gì chưa ổn sau những vụ tấn công khủng bố trong 2 năm qua? Đó chính là điều mà người dân nước Pháp cùng toàn thể thế giới quan tâm trong thời gian tới.

Thu Giang

(Theo Guardian)

TIN LIÊN QUAN