Thắng lợi hụt của thủ tướng Anh trong cuộc bỏ phiếu rời EU

25/06/2016 20:02

22h ngày 23/6, đội ngũ của Thủ tướng Anh David Cameron vẫn tin là họ sẽ là bên thắng lợi trong cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

thang-loi-hut-cua-thu-tuong-anh-trong-cuoc-bo-phieu-roi-eu

Thủ tướng Anh David Cameron. Ảnh: Reuters

22h ngày 23/6, đội ngũ cố vấn của Thủ tướng Anh David Cameron vẫn tin là họ sẽ giành thắng lợi trong cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời bỏ Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Ông Cameron khi ấy đang ngồi ăn tối với vợ, bà Samantha, tại văn phòng thủ tướng ở số 10 phố Downing, cùng những cố vấn thân cận và xem diễn biến cuộc trưng cầu dân ý được phát sóng trên truyền hình. Thủ tướng Anh là người có lập trường thân EU và ủng hộ phương án ở lại liên minh, theo Guardian.

Nhóm cố vấn bên cạnh ông Cameron lúc bấy giờ gồm Craig Oliver, lãnh đạo ban truyền thông, Liz Sugg, người đứng đầu ban điều hành, Graeme Wilson và Giles Kenningham, phát ngôn viên báo chí, cùng Ameet Gill, giám đốc chiến lược.

Họ đã lên kế hoạch hành động chi tiết, cụ thể sau khi giành chiến thắng. Ông Cameron dự kiến thông báo về một chiến lược mang đến "cơ hội đổi đời" nhằm củng cố hình ảnh bản thân là người tiên phong hiện đại hóa, chứ không phải là người gây chia rẽ đất nước và chính đảng của mình vì vấn đề châu Âu

Thời gian bỏ phiếu kết thúc, công ty nghiên cứu thị trường YouGov tiếp thêm niềm hứng khởi cho cả nhóm khi dự đoán chiến thắng nghiêng về phe ủng hộ ở lại với tỷ lệ 52 - 48. Thượng nghị sĩ Nigel Farage, thủ lĩnh đảng Độc lập Anh (UKIP), người dẫn đầu phong trào Brexit, tỏ vẻ bi quan khi nói rằng "những người bạn của ông trong thành phố" đều đặt cược vào phương án ở lại. Phe ở lại từ Công đảng và đảng Bảo thủ liên tiếp nhắn tin cho các phóng viên chia sẻ họ rất tự tin vào chiến thắng nhưng vẫn còn quá sớm để kết luận bất cứ điều gì.

"Linh cảm mách bảo rằng chúng tôi sẽ giành thắng lợi", một nhà vận động thuộc tổ chức Britain Stronger ủng hộ ở lại cho hay.

Trong khi đó, một số lãnh đạo cấp cao từ tổ chức Vote Leave (Bỏ phiếu Rời đi) cũng tỏ ra khá bi quan và dường như sẵn sàng chấp nhận thất bại.

thang-loi-hut-cua-thu-tuong-anh-trong-cuoc-bo-phieu-roi-eu-1

Những chồng phiếu ủng hộ phương án Anh rời EU chất cao tại điểm kiểm phiếu Cardiff. Ảnh: AFP

Song mọi chuyện bắt đầu thay đổi, cán cân dần nghiêng sang phe ủng hộ nước Anh chia tay EU.

Chiến thắng của phe rời đi tại Sunderland cùng với thắng lợi sít sao đến với phe ở lại tại Newcastle là những dấu hiệu đầu tiên. Mọi chuyện từng bước trở nên rõ ràng hơn khi kết quả từ Wales được công bố. Họ muốn rời EU.

3h sáng ngày 24/6, một nhà vận động nhắn tin về văn phòng thủ tướng cho hay "các cử tri Công đảng đã bỏ phiếu rời đi. Một số không đến bầu".

Không khí ở số 10 phố Downing bỗng chùng xuống. Ngược lại, bữa tiệc của phe rời EU tổ chức ở Millbank có sự tham gia của thượng nghị sĩ Farage thì nóng lên từng phút. Ông Farage đưa ra một bài diễn văn chiến thắng sớm nhưng chính xác, ca ngợi thành công của chiến dịch ủng hộ rời đi vì bảo vệ được nền độc lập "mà không phải chiến đấu hay tốn một viên đạn nào".

4h25, nhiều nguồn tin từ phố Downing cho biết đã đến lúc tính đến phương án phe rời đi sẽ giành chiến thắng. Nửa tiếng sau, đại diện chiến dịch Stronger In (Mạnh mẽ hơn nếu ở lại) tuyên bố: "Cử tri Anh đã lên tiếng và chúng tôi tôn trọng quyết định của họ. Mọi việc bây giờ thuộc về chính phủ. Vai trò của chúng tôi chấm dứt tại đây".

Từ 6h trở đi, các khu vực xung quanh tòa nhà Quốc hội dần đông đúc, nhộn nhịp hẳn lên. Hàng trăm phóng viên từ các tờ báo, hãng thông tấn lớn nhỏ ở Anh và trên khắp thế giới tập trung tại đây, chờ đợi kết quả cuối cùng được công bố. Người đầu tiên tiến đến là ông Farage. Ngay sau đó, nghị sĩ tất cả các đảng lần lượt đi vào.

Đại diện phe rời đi từ Công đảng John Mann khẳng định chính các cử tri từ đảng này đã làm nên chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý. Cựu bộ trưởng thứ nhất Scotland Alex Salmond tuyên bố một cuộc trưng cầu dân ý độc lập tương tự sẽ diễn ra ở Scotland. Bộ trưởng phụ trách Bắc Ireland Theresa Villiers thì cố gắng trấn an dư luận sau khi đảng Sinn Fein kêu gọi một cuộc bỏ phiếu về vấn đề biên giới.

Kết quả cuối cùng được công bố. 51,9% người Anh chọn ra đi. "Tôi không thể giả vờ rằng chúng tôi nhìn thấy trước viễn cảnh này", một nguồn tin từ văn phòng thủ tướng nói.

thang-loi-hut-cua-thu-tuong-anh-trong-cuoc-bo-phieu-roi-eu-2

Ông Cameron nắm tay vợ xuất hiện trước tòa nhà số 10 phố Downing để thông báo về quyết định từ chức. Ảnh: AFP

Hơn 8h, ông Cameron nắm tay vợ xuất hiện trước tòa nhà số 10 phố Downing. Thủ tướng Anh thông báo từ chức vì cảm thấy "không còn phù hợp để làm thuyền trưởng cầm lái con thuyền Anh đến bến bờ tiếp theo".

Theo một số nguồn tin am hiểu vấn đề, Thủ tướng Cameron đã không nói chuyện với Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove và cựu thị trưởng Boris Johnson, hai lãnh đạo cấp cao chủ trương Anh rời EU, trước khi đưa ra quyết định từ chức.

Tuần tới, ông Cameron sẽ phải thực hiện một nhiệm vụ khó khăn khi đối mặt với các nhà lãnh đạo EU tại một hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, Bỉ. Những người đứng đầu chính phủ của 27 quốc gia sẽ thảo luận về quan điểm chung đối với "cuộc ly dị lịch sử" giữa Anh với liên minh. Dù tuyên bố từ chức, Thủ tướng Cameron vẫn sẽ phải nhận trách nhiệm xử lý những hậu quả mà Brexit gây ra trong khoảng ba tháng nữa.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN