Vang mãi chân lý: 'Không có gì quý hơn độc lập tự do'
(Baonghean.vn) - Cách đây 50 năm, ngày 17/7/1966, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam truyền đi “Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế khắp năm châu. Trong lời kêu gọi lịch sử ấy, có câu nói nổi tiếng và đã trở thành chân lý của mọi thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là sự thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam đã được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đó là một chân lý bất hủ, có ý nghĩa lý luận, thực tiễn và giá trị thời đại sâu sắc. Đó cũng là mục tiêu chiến đấu, là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vĩ đại vì độc lập tự do, vì sự tồn tại và phát triển của dân tộc. Đồng thời tư tưởng đó cũng là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với nhân loại tiến bộ, đặc biệt đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, tự do, hạnh phúc.
Ngày 19/8/1945, nhân dân Hà Nội đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của Chính quyền tay sai Pháp - Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN) |
“Không có gì quý hơn độc lập tự do” không phải tư tưởng riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà đó chính là tư tưởng, lẽ sống của cả dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là đại biểu tiêu biểu cho khát vọng của cả dân tộc. Nghiên cứu tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” cần đặt nó trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng cứu nước, cứu dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn 30 năm bôn ba khắp các châu lục, Người đã trở về nước, trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công.
Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và lập luận, khẳng định quyền con người, đó là quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, một quyền đã được “tạo hóa” sinh ra, một giá trị được thừa nhận và đề cao trong Bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776, trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791, và khẳng định đó là những quyền không thể chối cãi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. |
Thay mặt cho dân tộc Người đã tuyên bố trước quốc dân và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và sự thật đã trở thành nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”.
Trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, quan điểm “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, lại được củng cố, động viên khích lệ toàn dân tộc ta vững bước tiến lên.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang ở thời kỳ ác liệt. Đế quốc Mỹ liên tiếp bị thất bại ở cả hai miền Nam-Bắc, chúng liều lĩnh, ồ ạt đưa quân vào miềnNam nước ta. Trước tình hình đó, tháng 7/1966 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký “sắc lệnh động viên cục bộ”, kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.
“Không có gì quý hơn độc lập tự do” là mệnh đề đấu tranh, đấu tranh cho chân lý. Mệnh đề đấu tranh này của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra 4 nội dung cơ bản, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Hàng chục vạn đồng bào tập trung tại Quảng trường Ba Đình, nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. |
Thứ nhất, có độc lập tự do thì sẽ có tất cả. Đất nước không thể phồn vinh, dân tộc không thể phát triển, nhân dân không thể có cơm ăn, áo mặc và cuộc sống hạnh phúc nếu không có độc lập tự do của dân tộc; quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc trong một nước độc lập tự do là vô cùng quý giá và thiêng liêng, không ai có thể tự cho mình cái quyền can thiệp, có quyền xâm hại độc lập dân tộc của một quốc gia, dân tộc khác, càng không thể có quyền can thiệp đó bằng vũ lực.
Thứ hai, muốn có độc lập tự do thì các dân tộc bị áp bức không thể ngồi yên chờ đợi, càng không thể trông chờ vào sự “ban ơn” của các thế lực đế quốc, thực dân. Muốn có cuộc sống ấm no hạnh phúc thực sự thì vấn đề quyết định trước hết phải giành cho được độc lập tự do, phải vùng lên xóa bỏ mọi xiềng gông, xóa bỏ mọi áp bức, nô dịch…
Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã vùng lên đấu tranh giành thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, lập ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tiếp đó, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và tiến hành công cuộc đổi mới thành công, tiếp tục sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhân dân đón chào Bộ đội ta sau chiến thắng Điện Biên Phủ. |
Thứ ba, khi độc lập tự do bị xâm phạm, thì cả dân tộc phải kiên quyết đứng lên chiến đấu đến cùng để giữ vững, bảo vệ nền độc lập ấy. Thể hiện ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập tự do trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “… Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Để bảo vệ độc lập tự do của dân tộc, nhân dân Việt Nam đã chiến đấu kiên cường, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng với tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.
Ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã thực sự là động lực tinh thần to lớn thôi thúc lớp lớp thế hệ người Việt Nam lên đường chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Hình ảnh Sài Gòn trong ngày toàn thắng 30/4/1975, non sông thu về một mối. |
Thứ tư, khi đã có độc lập tự do thì phải quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Làm cách mạng để giành độc lập cho Tổ quốc, đồng thời phải đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đất nước được độc lập tự do mà nhân dân không được hưởng quyền tự do độc lập ấy thì độc lập tự do chẳng có nghĩa lý gì. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Ham muốn tột bậc của Người là làm sao cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, nhân dân Việt Nam hoàn toàn được tự do, “đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Trong Di chúc, trước lúc đi xa Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tiếp tục nhắc nhở Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
Ý nghĩa thực tiễn to lớn của “không có gì quý hơn độc lập tự do” không chỉ thể hiện trong cuộc đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ tổ quốc, mà còn thể hiện rất sâu sắc trong quá trình xây dựng xã hội mới. Khi đã có độc lập tự do thì điều quan trọng là phải làm cho giá trị của độc lập tự do trở nên có ý nghĩa hơn, mỗi người dân phải có cơm ăn, áo mặc, học hành, việc làm, quyền làm chủ, quyền con người. Đó chính là ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn, giá trị thời đại sâu sắc và lâu dài của tư tưởng “không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thái Bình (Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN |
---|