Anh-EU: Lục đục nhưng khó chia tay

22/06/2016 09:54

(Baonghean) - Chính trường nước Anh đang ở trong giai đoạn nóng bỏng nhất ngay trước cuộc trưng cầu dân ý về chuyện rút khỏi Liên minh châu Âu, được gọi tắt là Brexit. Cử tri Anh sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 23/6/2016 và hiện một số thăm dò dư luận cho thấy số người ủng hộ Brexit nhiều hơn vài phần trăm. Để hiểu rõ về cuộc trưng cầu dân ý này, Báo Nghệ An đã có cuộc trò chuyện với GS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Chiến lược Bộ Công an.

P.V: Dư luận quốc tế vài tháng nay đã quan tâm nhiều đến việc Anh tổ chức trưng cầu dân ý cho việc đi hay ở lại EU. Trước khi bàn đến nguyên nhân và hậu quả, Thiếu tướng có thể khái quát mối bất hòa của Anh và EU?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Mối quan hệ giữa Anh và EU là mối quan hệ “cơm không lành, canh chẳng ngọt” suốt hơn nửa thế kỷ nay. Năm 1957, 6 nước châu Âu là Liên bang Đức, Italia, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg đã ký hiệp định Roma thành lập cộng đồng châu Âu, Anh không tham gia. Mãi đến năm 1973, Đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh quyết định gia nhập cộng đồng châu Âu.

Anh và Eu liệu có hàn gắn được? Ảnh: Internet
Anh và Eu liệu có hàn gắn được? Ảnh: Internet

Nhưng ngay sau đó, năm 1975, vì những bất đồng trong vấn đề đóng phí thành viên mỗi năm 6 tỷ bảng, công đảng cầm quyền Anh đã tổ chức trưng cầu dân ý lần đầu tiên về việc rời khỏi cộng đồng châu Âu. Kết quả 67,23% người dân Anh tán thành ở lại châu Âu.

Cuộc trưng cầu này đã giành chiến thắng với việc Anh tiếp tục ở lại châu Âu nhưng đã gây nên tiền lệ không hay ngay trong lòng xã hội nước Anh. Đó là việc hình thành 2 luồng tư tưởng, một là ở lại, hai là rời khỏi châu Âu.

Năm 2002, khi đồng euro ra đời, khu vực đồng tiền chung eurozone được thiết lập, Anh cũng không tham gia mà vẫn dùng đồng bảng Anh. Kể cả với hiệp ước Schengen về bãi bỏ việc kiểm soát biên giới giữa các nước châu Âu đã có 26 thành viên, và trong 22 quốc gia châu Âu tham gia cũng không có tên nước Anh.

Về lịch sử, Anh là quốc gia có bề bày truyền thống ở châu Âu nhưng tư tưởng lại không nằm ở châu Âu. Là một quốc đảo có truyền thống gần 200 năm thống trị thế giới, người Anh từng nhận “mặt trời không bao giờ lặn trên đất Anh”, từng tự hào văn minh trước châu Âu, tự hào đã sinh ra những gã khổng lồ như Newton, Shakespeare, tự hào đã chiến thắng Hitler.

Là một quốc gia hoàn toàn hướng tới thương mại quốc tế, trước năm 1973, trao đổi thương mại của Anh với EU ít hơn phần còn lại của thế giới. Tất cả những điều đó tạo nên một tính cách của Anh khác hẳn với các quốc gia còn lại của “lục địa già”. 50 năm nay, người Anh luôn có tâm trạng hoài nghi châu Âu, thậm chí cá biệt có những cá nhân còn xem thường châu Âu và đòi nước Anh phải rời khỏi châu Âu.

P.V: Theo Thiếu tướng, nhân tố nào trực tiếp thúc đẩy tư tưởng hoài nghi châu Âu, tư tưởng ra khỏi châu Âu đối với cử tri Anh trong thời gian qua?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong những năm gần đây, có nhiều nhân tố quan trọng thúc đẩy các lực lượng đòi rời khỏi châu Âu. Thứ nhất, vấn đề người nhập cư, nhất là người nhập cư từ các nước Đông Âu. Từ năm 1998 đến 2010, dưới sức ép của Mỹ, NATO đã mở rộng về phía Đông sát biên giới phía Tây và Bắc của Nga, thu hẹp không gian chiến lược của Nga. Cũng dưới sức ép của Mỹ, EU đã kết nạp thêm 10 nước Đông Âu và Baltic vào cộng đồng châu Âu.

Theo quan điểm người Anh, việc kết nạp này không đem lại lợi lộc gì, mà chỉ dẫn đến hậu quả người Đông Âu và Baltic tràn vào Anh. Một mặt họ là nguồn lao động thúc đẩy phát triển kinh tế Anh, nhưng mặt khác họ làm nảy sinh những khó khăn về y tế, an sinh xã hội, đặc biệt là vấn đề nhà ở. Cuộc khủng hoảng nhập cư năm 2015 -2016 từ các cuộc xung đột ở Lybia, Afghanistan, Yemen, Lybia đã làm cho nước Anh luôn bất an và lo sợ.

Người Anh cho rằng trong dòng người nhập cư ấy chắc chắn có các phần tử Hồi giáo thánh chiến và bởi họ luôn cảm thấy bị đe dọa bởi các cuộc khủng bố. Thứ 2, cuộc khủng hoảng của khu vực đồng tiền chung eurozone từ 2008 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Các ông lớn trong khối như Đức, Pháp đang gồng mình để cứu Hy Lạp - một trong những quốc gia nhỏ nhất chưa nổi, còn nữa các nền kinh tế Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha tiếp tục khó khăn. Cuộc khủng hoảng này khiến nước Anh cho rằng, sẽ bất lợi nếu tiếp tục gắn bó với EU, thậm chí còn bị vạ lây.

P.V: Vậy, tại sao Thủ tướng David Cameron lại đưa việc trưng cầu dân ý vào đúng thời điểm này, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Có 2 nguyên nhân thúc đẩy Thủ tướng Anh Cameron quyết định đưa việc trưng cầu dân ý vào thời điểm này. Trước tiên xuất phát từ những sai lầm của chính sách kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 do Đảng Bảo thủ cầm quyền, đứng đầu là Thủ tướng Cameron.

Thủ tướng Anh.
Cuộc trưng cầu dân ý chỉ là con bài chính trị của Thủ tướng Anh? Ảnh: Internet

Những sai lầm đó đã tác động xấu đến lợi ích của tầng lớp trung lưu và hạ lưu trong xã hội chiếm khoảng 68% người dân Anh, do đó đa số người Anh phản đối với Đảng Bảo thủ, bất bình với Thủ tướng Cameron. Trước tình hình đó, trong cuộc bầu cử năm 2015, trong cuộc vận động tranh cử 2013 - 2014, Đảng Bảo thủ đã đưa ra một chiêu bài trưng cầu ý dân người Anh xem có nên ở lại hay rời khỏi châu Âu.

Thực chất, ngay trong quá trình bầu cử, Đảng Bảo thủ đã trương lên ngọn cờ Brexit mang đậm màu sắc chủ nghĩa dân tuý đánh lạc hướng dư luận xã hội để giành lấy phiếu bầu cử của cánh hữu, của người dân. Chính vì vậy, đối với nội bộ nước Anh, việc trưng cầu dân ý chỉ là công cụ tranh cử nhằm giành thắng lợi trong năm 2015.

Về đối ngoại, trong quan hệ với EU, Cameron đã dùng việc trưng cầu dân ý để “mặc cả” với châu Âu. Việc trưng cầu diễn ra trong 2 năm 2015, 2016 - thời điểm châu Âu đang phải gồng mình chống chọi với 3 cuộc khủng hoảng đồng thời là người nhập cư, kinh tế eurozone và hiệp ước Schengen.

Cùng với việc gồng mình chống lại 3 cuộc khủng hoảng, châu Âu còn phải đối mặt với các cuộc khủng bố đẫm máu do IS và Al Queda gây ra tại Pháp tháng 11/2015 và Bỉ hồi tháng 3/2016. Thủ tướng Anh cho rằng với những khó khăn ấy, EU sẽ không chịu nổi nếu Anh rời khỏi châu Âu và ông ta đưa trưng cầu dân ý để buộc châu Âu phải nhượng bộ, thỏa hiệp và đem lại lợi ích cho quốc gia sương mù này. Và đúng như kịch bản Cameron nêu ra, ngày 20/2/2016, EU đã buộc phải nhượng bộ Anh trong việc giảm bớt và chấm dứt trợ cấp cho người nhập cư.

Sau khi giành được thắng lợi, Cameron quay lại tập trung vận động cử tri Anh bỏ phiếu ở lại châu Âu. Việc trưng cầu dân ý được xem là một thủ đoạn chính trị để Thủ tướng Anh duy trì ngôi vị lãnh đạo của mình.

P.V: Thiếu tướng có thể đưa ra những dự báo hậu quả của việc nước Anh rời khỏi châu Âu?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đối với Anh nếu ra khỏi châu Âu, về mặt kinh tế sẽ gặp muôn vàn khó khăn, và chắc chắn rơi vào suy thoái kéo dài. EU là một đối tác thương mại hàng đầu, chiếm 50% ngoại thương của Anh. Khi ra khỏi EU, Anh sẽ mất đi nhiều ưu đãi thương mại. Mỹ đã tuyên bố sẽ không đàm phán với Anh, Anh sẽ mất đi tư cách người đại diện của EU tại Mỹ. Khi ra khỏi châu Âu, Anh sẽ không dễ dàng tìm thị trường khỏa lấp sự trống vắng của châu Âu. Ngoài ra, sẽ là tổn thất cho tài chính Anh.

Hơn một nửa thương mại của nước Anh là với EU, trong khi đó thương mại với các nước còn lại căn cứ vào những hiệp định của khối. Tác động đầu tiên với khả năng cao sẽ là những bất ổn từ thị trường tài chính khi rủi ro gia tăng, cùng với đấy là sự suy giảm đầu tư, và tiêu dùng - Minh họa: Newstateman.
Hơn một nửa thương mại của nước Anh là với EU, trong khi đó thương mại với các nước còn lại căn cứ vào những hiệp định của khối. Nếu Anh rời EU, tác động đầu tiên với khả năng cao sẽ là những bất ổn từ thị trường tài chính khi rủi ro gia tăng, cùng với đấy là sự suy giảm đầu tư, và tiêu dùng - Minh họa: Newstateman.

Hiện nay, Trung tâm giao dịch London thực hiện 74% giao dịch ngoại hối với EU, 40% giao dịch đồng euro trên toàn cầu. Ngoài ra, còn có 240 trụ sở chính và tập đoàn tài chính toàn cầu nằm ở London. Trên 80% tập đoàn tài chính ủng hộ Anh ở lại Châu Âu và các tập đoàn tài chính tuyên bố nếu Anh ra khỏi châu Âu, họ sẽ chuyển trụ sở từ London về Paris.

Trong những điều kiện nhất định, có thể xem Anh là trụ cột kinh tế của châu Âu, nên nếu Anh rời khỏi châu Âu chắc chắn ảnh hưởng kinh tế châu Âu. Về mặt chính trị, nguy cơ tạo nên hiệu ứng domino, khi nước Anh ra khỏi châu Âu, có thể nay mai sẽ là Hy Lạp, Bồ Đào Nha, và cả Italia cũng có thể trưng cầu ý dân rời khỏi châu Âu. Vấn đề hiệu ứng này có xảy ra hay không tuỳ thuộc vào sự chèo lái, điều hành, thiết kế lại của các cường quốc trụ cột như Pháp, Đức. Khả năng tan rã châu Âu là không loại trừ, nhưng không phải là ngày một ngày hai.

P.V: Ngày 23/6, cử tri Anh sẽ đi bỏ phiếu quyết định việc đi hay ở lại châu Âu. Thiếu tướng có thể đưa ra nhận định về kết quả của việc trưng cầu dân ý lần này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Diễn biến chính trị cho thấy, sau khi được châu Âu nhượng bộ, chính Thủ tướng Anh David Cameron là người nói nhiều nhất về thảm kịch mà mỗi người dân Anh phải chịu nếu Anh rời khỏi châu Âu. Trong 2 tháng gần đây, Thủ tướng Anh đã mở hết tốc lực của hệ thống truyền thông hùng hậu của Anh và sức mạnh đó chắc chắn có tác động đến sự lựa chọn của cử tri Anh.

Theo dự đoán của tôi, kết quả sẽ xoay quanh tỷ lệ trên dưới 55% đồng ý ở lại và 45% đồng ý ra đi, nghĩa là kết quả Anh vẫn ở lại châu Âu. Điều này thoả mãn 580 triệu người châu Âu, thoả mãn đa số người dân Anh, nhưng nó khoét sâu trong lòng xã hội nước Anh một mâu thuẫn xã hội cố hữu. Kết thúc việc trưng cầu dân ý không có nghĩa là kết thúc một vấn đề nhức nhối của xã hội mà mở đầu một vấn đề nhức nhối khác là ở lại hay đi.

Sau cuộc trưng cầu thứ 2 này có thể nước Anh vẫn lại EU trước mắt, nhưng vấn đề ra đi vẫn tồn tại trong lòng xã hội Anh và tiếp tục trở thành con bài của các chính trị gia vào các thời điểm bầu cử tranh giành quyền lực.

P.V: Xin cảm ơn Thiếu tướng về cuộc phỏng vấn!

An Nhân

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN