Châu Âu cuống cuồng tìm 'liệu pháp chống sốc'
(Baonghean) - Cuộc trưng cầu ý dân lịch sử tại Anh với phần thắng thuộc về phe ủng hộ Brexit thực sự là một “cú sốc” đối với nước Anh và với toàn Liên minh châu Âu (EU). Thế nhưng, sự thật là sự thật và kết quả cuộc trưng cầu ý dân này là không thể đảo ngược. Hiện nay châu Âu phải khẩn trương thực hiện các “biện pháp chống sốc” để EU khi không có Anh không được rơi vào khủng hoảng và tê liệt. Và một trong các biện pháp đó là đưa nước Anh ra khỏi EU “càng nhanh càng tốt”.
Đẩy nhanh tiến trình Anh ra khỏi EU
Sau kết quả gây chấn động của cuộc trưng cầu ý dân, rất nhiều người dân Anh đã bày tỏ sự tiếc nuối, thậm chí cả những người đã từng lựa chọn “ra đi” trong lá phiếu của mình.
Ngoại trưởng 6 nước thành viên sáng lập EU họp tại Berlin, Đức. Ảnh: EPA. |
Đã có lúc, người ta cố bám vào một tia hy vọng mong manh rằng liệu có cách nào để thay đổi kết cục này, liệu lá đơn với gần 3 triệu chữ ký chỉ trong vòng 2 ngày có thể mang lại một cuộc trưng cầu ý lần 2, liệu có “phép màu” nào có thể xảy ra trong thời gian 2 năm - quãng thời gian cần thiết để tiến hành “thủ tục ly hôn” giữa Anh và Liên minh châu Âu hay không?
Nhưng về phía châu Âu, các nước còn lại sẽ không bám vào tia hy vọng này, mà thay vào đó sẽ đẩy nhanh tiến trình đàm phán về việc Anh rời khỏi EU, để việc mất đi một thành viên quan trọng như Anh sẽ là “một vết cắt gọn gàng, không dây dưa”.
Theo Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, những thành viên muốn rút khỏi nước này sẽ phải đàm phán về các điều khoản rút lui, đồng thời đề ra một khuôn khổ cho sự hợp tác trong tương lai với châu Âu. Trước khi các cuộc đàm phán về việc rút khỏi EU kết thúc, nước Anh sẽ vẫn được xem là 1 thành viên đầy đủ của EU, bị ràng buộc bởi các quy định và hiệp ước của khối.
Khi Anh và EU đạt được thỏa thuận cuối cùng, văn kiện này sẽ phải được đưa ra bỏ phiếu tại Hội đồng châu Âu cũng như ở nghị viện Anh. Nếu như các cơ quan của EU đều bỏ phiếu phản đối văn kiện, tất cả các bên sẽ phải quay lại bàn thương lượng để phác thảo một hiệp ước mới. Đây sẽ là một tiến trình hết sức phức tạp và có thể kéo dài tới 2 năm.
Cho đến thời điểm này, dù đã lựa chọn Brexit, nhưng có lẽ bản thân nước Anh cũng chưa thể định hình được mối quan hệ với EU trong tương lai. Với tuyên bố sẽ từ chức ngay khi có kết quả cuộc trưng cầu ý dân, Thủ tướng Anh David Cameron sẽ “không dại” gánh trách nhiệm khó khăn này. Thay vào đó ông khẳng định nước Anh sẽ chỉ bắt đầu đàm phán rời EU sau khi có Thủ tướng mới vào mùa thu tới.
Tuy nhiên, tại cuộc họp khẩn tại Berlin cuối tuần qua, ngoại trưởng 6 nước thành viên sáng lập EU gồm Đức, Pháp, Italy, Hà Lan, Bỉ và Luxemburg đã kêu gọi nhanh chóng tiến hành đàm phán về việc Anh rời EU, rằng Chính phủ Anh cần nhanh chóng làm rõ và thực thi ý nguyện của cử tri Anh càng nhanh càng tốt.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Junker khẳng định: “Người Anh đã quyết định về việc họ muốn rời khỏi Liên minh châu Âu, điều đó không có nghĩa là họ phải đợi đến tận tháng 10 để thương lượng điều khoản cho quá trình này. Tôi muốn việc này được bắt đầu ngay lập tức”. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cũng cho rằng thời gian mà ông Cameron đưa ra là quá chậm. Theo ông, London cần nộp đơn khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 28/6.
Vì một EU bền vững và mạnh mẽ
EU muốn đẩy nhanh tiến trình đưa Anh ra khỏi EU để có thể tập trung cho tương lai của mình, để EU không rơi vào tình trạng “lấp lửng”. Nước Anh đã quyết định ra đi, nhưng 27 thành viên còn lại sẽ vẫn phải tồn tại và tìm mọi cách ngăn chặn “hiệu ứng domino” mà nhiều người đã từng nhắc tới. Cấu trúc an ninh, kinh tế, chính trị của châu Âu đã bị lung lay sau quyết định của người Anh, và châu Âu cần phải chấn chỉnh điều đó.
EU cần tiếp tục tồn tại sau sự ra đi của nước Anh. Ảnh: AFP. |
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk từng nói rằng kể từ nay, Liên minh châu Âu sẽ khác. Sự khác biệt đó không chỉ là về số lượng thành viên, mà quan trọng hơn là về cách EU vận hành. Đó là lý do cụm từ “cải tổ EU” đang được nhắc đi nhắc lại tại thời điểm này - một sự cải tổ cần được triển khai trên thực tế chứ không chỉ là những lời tuyên bố như trước đây.
Trước khi bước vào cuộc họp tại Berlin, Ngoại trưởng nước chủ nhà Frank-Walter Steinmeier cho biết EU sẽ sớm vượt qua cú sốc vì sự ra đi của nước Anh: “Chúng ta không nên rơi vào trạng thái sốc hoặc thụ động vì quyết định của người Anh”. Ông Steinmeier cũng khẳng định giờ là lúc để “lắng nghe những tâm tư, nguyên vọng của 27 nước thành viên EU còn lại, xem họ mong muốn điều gì không chỉ riêng trong giới lãnh đạo mỗi nước mà còn là mỗi người dân trong khối”.
Mục đích của 27 nước thành viên còn lại là xây dựng một EU mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn, dựa trên nhà nước pháp quyền và những giá trị chung. Những đường hướng đã được đưa ra tại cuộc họp là châu Âu sẽ nỗ lực để đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn khác nhau, đáp ứng tốt hơn những kỳ vọng của người dân, cùng tìm cách giải quyết những thách thức, đảm bảo an toàn cho mọi công dân; tạo ra một khuôn khổ chung, ổn định, nhằm giải quyết dòng người di cư và tị nạn; thúc đẩy kinh tế châu Âu đạt tăng trưởng bền vững, tạo việc làm,…
Cải cách, thay đổi triệt để các thiết chế để hoạt động hiệu quả hơn là cách để EU tiếp tục tồn tại mà không có nước Anh trong tương lai. Brexit đã tạo ra một “vết cắt” trong lịch sử hình thành và phát triển của EU. Nhưng EU sẽ phải tìm cách để “vết cắt” đó mau lành, để tiếp tục phát triển EU theo phương châm đã được đưa ra từ hơn 60 năm trước đây là “đoàn kết trong đa dạng”.
Thúy Ngọc
TIN LIÊN QUAN