Lời tâm huyết của nguyên đại biểu Quốc hội gửi Thủ tướng

27/07/2016 10:50

Ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước Quốc hội trong lễ nhậm chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, Giáo sư-Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng, nguyên đại biểu Quốc hội đã bày tỏ lời tâm huyết gửi Thủ tướng.

Giáo sư-Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng
Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng.

Tôi cũng chắc là đông đảo nhân dân đều thực sự cảm động khi nghe những lời phát biểu tâm huyết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước Quốc hội trong lễ nhậm chức ngày 26/7. Thủ tướng đã thấu hiểu thực trạng của đất nước và những bức xúc của số đông dân chúng.

Thủ tướng mạnh dạn công bố: “Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48 và GDP đầu người xếp thứ 133. Chúng ta phải cố gắng rất nhiều để rút ngắn khoảng cách với thế giới. Phát triển tốc độ cao hơn còn là yêu cầu cấp bách để đối phó với nguy cơ “chưa giàu đã già”, khi giai đoạn dân số vàng sẽ chấm dứt trong khoảng 10 năm tới.

Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn; xử lý nợ xấu chưa thực chất; dư địa chính sách và nguồn lực cho phát triển giai đoạn tới rất hạn hẹp. Chính phủ phải nỗ lực tinh giản bộ máy hành chính Nhà nước các cấp, đi đầu trong việc tiết kiệm công quỹ, sử dụng tài sản công, xe công, đi công tác nước ngoài... Chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội”.

Nhân dân hy vọng các cấp chính quyền phải coi đây là chỉ thị của Chính phủ để biến các định hướng này thành những việc làm cụ thể và có hiệu quả thiết thực. Chúng ta không để tồn tại trong bộ máy Nhà nước những người vừa không có tài mà cũng chẳng có tâm. Những người đã quên lời căn dặn của Bác Hồ: “Chớ vác mặt làm quan cách mạng cho dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ”.

Nhân dân hy vọng từng cán bộ có chức có quyền phải coi trọng từng đồng thuế của nhân dân, coi những đồng tiền nhận được một cách bất chính cho mình là những đồng tiền bẩn, những đồng tiền tội lỗi, phá huỷ lòng tin vốn rất sâu sắc của nhân dân đối với chính quyền cách mạng.

Thủ tướng còn nhấn mạnh: “Phải đẩy mạnh cải cách thể chế, chấn hưng giáo dục và khoa học công nghệ. Đặc biệt phải bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển; quyết không vì phát triển mà hủy hoại môi trường”.

Nhân dân bức xúc khi hiện nay trong số người thất nghiệp còn có tới 190.900 người có trình độ đại học trở lên; 118.900 người trình độ cao đẳng chuyên nghiệp; 10.000 người trình độ cao đẳng nghề; 60.200 người trình độ trung cấp chuyên nghiệp; 17.500 người trình độ trung cấp nghề; 32.300 người trình độ sơ cấp nghề và 11.200 người có chứng chỉ nghề dưới 3 tháng.

Trong khi đó, người bệnh vẫn thiếu bác sĩ, dược sĩ (tỉ lệ 7,61 bác sĩ và 2,2 dược sĩ trên 10.000 dân vẫn đang là tỉ lệ thấp so với rất nhiều nước trên thế giới); các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn còn phải đào tạo lại công nhân vì chưa có tay nghề thích hợp.

Cử tri hoàn toàn không an tâm về tình trạng ô nhiễm môi trường trên diện rộng và hầu như người dân không biết tìm từ đâu nguồn thực phẩm an toàn.

Chúng ta rất buồn khi thấy hằng năm chúng ta nhập về tới 4.100 thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật với 1.643 hoạt chất khác nhau.

Nên biết 90% số lượng này được nhập từ Trung Quốc nhưng ngay tại Trung Quốc người ta lại chỉ cho phép sử dụng có 630 hoạt chất mà thôi. Ngay việc vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng cũng đã có thể đưa vào môi trường tới 150-200 tấn thuốc bảo vệ thực vật rồi vì trên bao bì thường còn sót lại tới 1,85% theo tỉ trọng bao bì.

Ngay sản phẩm tương với cách không hấp nóng để mốc mọc tự nhiên đã khiến tới 30% mẫu được kiểm nghiệm thấy nhiễm Aflatoxin, một độc tố nấm gây ung thư ai cũng biết. Trong khi ngành y tế chỉ cần có vài kg Salbutamol để cắt cơn hen, giãn phế quản, giãn cơ trơn nhưng tại sao rất nhiều tấn Salbutamol đã được nhập lậu để tạo nạc cho lợn? Đấy là chất ảnh hưởng xấu đến tim mạch, rối loạn tiêu hoá và có thể gây ung thư nếu bị tích lũy nhiều trong cơ thể.

Hàng chục loại thuốc trừ sâu sinh học đã được nghiên cứu qua các đề tài cấp Nhà nước nhưng làm sao có thể sản xuất được cho người dân sử dụng vì ngành công nghiệp vi sinh vật nước ta chỉ vẻn vẹn làm ra có ba sản phẩm là rượu bia, bột ngọt và vaccine?

Cử tri rất phấn khởi khi Thủ tướng nhắc đến: “Với việc ban hành Bộ luật Hồng Đức từ thế kỷ thứ XV, Vua Lê Thánh Tông đã đặt nền móng cho việc hình thành hệ thống pháp luật ở nước ta từ rất sớm. Nhà vua nói:“Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo”.

Bản thân tôi mong muốn Thủ tướng quan tâm đến trường hợp cựu chiến binh Trần Văn Vót ở Hà Nam, người kiên quyết không nhận tội khi đã ngồi tù đến 24 năm và đang bị lao nặng với tình trạng kháng thuốc.

Thủ tướng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có ý kiến chỉ đạo cùng với hàng chục bài báo và phóng sự của Đài Truyền hình Trung ương đã nêu rõ ý kiến của nhân dân địa phương và ngay cả bố của cựu chiến binh này kêu oan nhưng vẫn chưa được xem xét. Tôi lo với bệnh lao nặng, cựu chiến binh này khó có cơ hội sống đến lúc được minh oan.

Việc Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo một việc cụ thể này sẽ đưa lại niềm tin cho đông đảo nhân dân về tính dân chủ của Nhà nước ta, một Nhà nước mà như lời của Thủ tướng là “Hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân”.

Kính chúc Thủ tướng luôn mạnh khoẻ, gắn bó với nhân dân để có thể hoàn thành xuất sắc trách nhiệm cao cả của mình.

Theo Chinhphu.vn

TIN LIÊN QUAN