Người ở nhà lầu 
nói khác nhà tranh

09/08/2016 11:02

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “muốn nghe bà con nói thêm” khi ông cảm nhận phần đầu cuộc tiếp xúc cử tri ở TP Hải Phòng được thực hiện theo “kịch bản”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước đông đảo cử tri TP Hải Phòng - Ảnh: L.K
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước đông đảo cử tri TP Hải Phòng - Ảnh: L.K

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết cuộc tiếp xúc cử tri tại thủ đô Hà Nội vừa rồi là rất chất lượng, bởi người dân đã nói hết lòng về “những vấn đề quốc kế dân sinh”.

Người chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm đó là ông chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hải Phòng đã lần lượt mời các vị đứng đầu sở, ngành phát biểu và muốn dừng lại ở ý kiến của lãnh đạo Hội LHPN TP.

Cuộc tiếp xúc gần như đã thể hiện rõ sự chuẩn bị trước khi vị chủ trì mời cử tri này và giới thiệu bà “sẽ phát biểu về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Không hoàn toàn hài lòng về cách điều hành như vậy, Thủ tướng đã đứng lên đề nghị cử tri nói thêm bởi ngoài “đại diện cử tri phát biểu bài chuẩn bị sẵn”, ông còn “muốn nghe những ý kiến không chuẩn bị sẵn, mang hơi thở cuộc sống”.

Quả nhiên như báo chí đã đăng tải, những cử tri phát biểu thêm - như chính Thủ tướng nhận xét - “những ý kiến bức xúc, trái chiều giúp chúng ta nhìn thấy mặt trái của cuộc sống”.

Yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với các vị đại biểu Quốc hội, những chính khách làm chính sách, là nghe được ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân một cách đầy đủ, chân thực, kịp thời. Thông tin thiếu thì chính sách sẽ xa rời thực tế, thông tin sai thì chính sách sẽ sai, thông tin đến muộn thì chính sách sẽ lạc hậu.

Để nghe dân nói thật, người lãnh đạo phải gần dân, phải làm cho dân tin và chịu nghe cả những lời nghịch nhĩ. Các chính khách cần nghe ý kiến “đại diện cử tri” (thường là các vị lãnh đạo ban ngành, địa phương) bởi những người này có nhiều thông tin.

Nhưng tiếng nói của “đại diện cử tri” chưa hẳn đã đầy đủ bởi họ còn gắn với lợi ích trong bộ máy công quyền, đặc biệt là khi cuộc tiếp xúc đã được lên kịch bản từ trước. Vì vậy, nguyện vọng của “đại diện cử tri” chưa hẳn đã là nguyện vọng của đông đảo nhân dân, đặc biệt là của những cử tri nơi thôn cùng xóm vắng, những cử tri trẻ...

“Người ở trong nhà lầu nghĩ khác, nói khác người ở nhà tranh” - Tổng bí thư có lần nói như vậy khi tiếp xúc với bà con quận Tây Hồ.

Để nghe dân nói thật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị “các đại biểu tranh thủ mọi cơ hội, thời gian, theo từng lĩnh vực mà mình công tác, gắn bó để tiếp xúc cử tri, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của bà con chứ không chỉ tiếp xúc định kỳ mỗi năm 4 lần trước và sau 2 kỳ họp Quốc hội”.

Thiết nghĩ để nghe dân nói thật, nói đầy đủ còn cần phải phi hành chính hóa hoạt động tiếp xúc. Ở Singapore, nghị sĩ tiếp xúc cử tri đều đặn mỗi tuần, mỗi tháng, các cuộc tiếp xúc thường được tổ chức vào ban đêm, thường bắt đầu lúc 20g và kết thúc lúc nửa đêm (để nghe ý kiến của công chức, sinh viên, công nhân..., những người phải làm việc trong giờ hành chính).

Mạng xã hội cũng là một “địa điểm” lý thú đang được nhiều nghị sĩ nước ngoài lựa chọn để tiếp xúc cử tri. Đó là những gợi ý rất đáng lưu ý cho các đại biểu Quốc hội VN.

Theo Tuổi trẻ

TIN LIÊN QUAN