Hậu khủng hoảng: Nắm tay hay nắm đấm?
(Baonghean.vn) - Sau nhiều biến cố xáo động trước và trong tuần, thế giới từng bước hành động để trở lại trạng thái cân bằng, ổn định. Một số nước thể hiện sự đoàn kết để cùng vượt qua nỗi đau, có nước lại chọn cách “thay máu” hoàn toàn những gì còn sót lại…
Người dân được sơ tán khỏi trung tâm thương mại đêm diễn ra vụ xả súng ở Munich. Ảnh: Internet |
Nước Đức mạnh mẽ sau những biến cố liên hoàn
Tối thứ Sáu 22/7 đã trở thành buổi tối kinh hoàng chưa từng có với nước Đức khi một vụ xả súng diễn ra tại khu thương mại Olympia, Munich. Trong vòng hơn 10 tiếng đồng hồ, cả nước Đức gần như tê liệt trong sự sợ hãi, lo lắng bởi những gì vừa xảy ra.
Trong đêm, cánh sát Đức xác nhận vụ tấn công được tiến hành bởi 1 đối tượng có súng, động cơ vẫn chưa được làm rõ.
9 người thiệt mạng, 16 người bị thương, chưa kể chính bản thân hung thủ cũng tự sát ngay sau đó. Đối tượng này chỉ mới 18 tuổi, có 2 quốc tịch Đức và Iran, sống tại Munich hơn 2 năm nay.
Cú sốc của nước Đức được nhân lên gấp bội bởi sự vào cuộc ráo riết của cảnh sát khi họ phong toả thành phố trong nhiều giờ liền.
2.300 cảnh sát được điều động để thiết lập tình trạng khẩn cấp. Toàn bộ khu vực được tuần tra càn quét, các chốt chặn ở đường cao tốc và các phương tiện công cộng được kiểm soát gắt gao, trực thăng bay kín trời. Các lực lượng đặc công ngoài Munich và thậm chí từ Áo cũng được điều đến viện trợ.
Canh khuya về sáng thứ Bảy 23/7 (theo giờ Đức), cảnh sát trưởng Munich thông báo kết thúc tình trạng báo động và cung cấp thêm một số thông tin về cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn.
Những tin đồn lan truyền trên các mạng xã hội về một hung thủ trang bị súng trường, bắt cóc con tin và xả súng ở nhiều nơi khác trong trung tâm thành phố được bác bỏ.
Vụ tấn công lần này có nhiều điểm tương đồng với vụ diễn ra hôm thứ Hai 18/7 trên một chuyến tàu ở Wurtzburg, hung thủ trong vụ đó là một thanh niên tị nạn 17 tuổi. Tuy nhiên cảnh sát đến nay vẫn khẳng định chưa tìm thấy mối liên hệ nào giữa 2 hung thủ này.
Các chính trị gia Đức giữ thái độ khá thận trọng trong những phát ngôn trước công chúng về vụ việc.
Điều này khá khác biệt so với một số chính trị gia nước ngoài như Tổng thống Mỹ hay Tổng thống Pháp - thường lên tiếng ngay trong đêm.
Thủ tướng Đức Angela Merkel không đích thân xuất hiện mà thông qua một số lãnh đạo cấp cao khác như Tổng thống Joachim Gauck, phát ngôn viên và Chánh văn phòng Phủ thủ tướng Peter Altmaier…
Các nhà chức trách Đức khẳng định cuộc điều tra không loại trừ bất kỳ khả năng nào về động cơ của kẻ tấn công.
Trái với những tin đồn lan truyền trong đêm hôm đó, không có nhân chứng hay đoạn phim nào ghi hình được kẻ tấn công thực hiện một động tác thể hiện tín ngưỡng tôn giáo nào.
Sáng thứ Bảy 23/7, cuộc sống ở Munich từng bước quay trở lại. Những phương tiện công cộng hoạt động bình thường trừ trạm tàu điện nơi có trung tâm thương mại diễn ra vụ xả súng.
Người Munich đang chứng minh sự mạnh mẽ của mình nói riêng cũng như của cả dân tộc Đức nói chung trong những thời khắc khó khăn.
Thổ Nhĩ Kỳ “thay máu” hậu đảo chính
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ mạnh tay thanh trừng hậu đảo chính. Ảnh: Internet |
Một tuần sau khi vụ đảo chính thất bại hòng lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, công cuộc thanh trừng vẫn tiếp diễn ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Thứ Bảy ngày 23/7, Thủ tướng Binali Yildirim thông báo giải tán đội bảo vệ Tổng thống với lời tuyên bố: “Đội bảo vệ Tổng thống không có lý do gì để tồn tại nữa”.
Được biết, trong số 2.500 thành viên của đội, gần 300 người đã bị bắt trước đó trong tuần.
Cũng trong ngày 23/7, một nghị định được ban hành cho biết những người bị tình nghi dính líu đến cuộc đảo chính hôm 15/7 sẽ bị tạm giữ giám sát trong vòng 30 ngày.
Trước đó, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã báo trước là nước này sẽ tạm thời vi phạm Hiệp ước châu Âu về quyền con người trong thời gian thiết lập tình trạng khẩn cấp - được cho là sẽ kéo dài 3 tháng.
Đích thân Tổng thống Erdogan “phát động” tình trạng khẩn cấp bằng một cuộc thanh trừng chưa từng có tại đất nước vốn trải qua quá nhiều cơn sóng gió về chính trị và quân sự này.
Theo thống kê của AFP thì ít nhất 25.000 quan chức các cấp đã phải tạm dừng chức vụ hoặc cách chức hẳn. Đa số hoạt động trong quân đội, cơ quan tư pháp, tình báo và truyền thông.
Ngoài ra, nghị định mới cũng dẫn đến việc giải tán hàng nghìn tổ chức, cấu trúc, trong đó có cả trường học nếu được cho là liên quan đến giáo sỹ Fethullah Gulen - người bị Ankara cáo buộc đứng đằng sau chỉ đạo cuộc đảo chính.
Trong số những tổ chức bị đóng cửa, có hơn 1.000 trường học tư nhân, hơn 1.200 hội và quỹ, 19 công đoàn và liên đoàn, 35 cơ sở y tế.
Tổng kết lại, ông Erdogan trong một cuộc điện đàm với những người ủng hộ mình cho biết có 11.000 người đang bị giám sát. Bộ Nội vụ cho biết số người bị tạm giam vào khoảng 4.500 người.
1.200 binh sĩ đã được phóng thích, toàn bộ đều là những binh sĩ cấp thấp. 10.856 hộ chiếu cá nhân cũng bị huỷ để đề phòng trường hợp tẩu thoát ra nước ngoài.
Ankara đã gửi yêu cầu dẫn độ giáo sỹ Gulen về nước song chưa nhận được sự xác nhận từ phía Mỹ. Trong khi đó, cháu trai và trợ thủ đắc lực của Gulen đã bị bắt tại Thổ Nhĩ Kỳ - 2 người này được cho là đã về nước 2 hôm trước khi xảy ra đảo chính.
Các nước phương Tây đã lên tiếng chỉ trích hành động thanh trừng của Ankara, kêu gọi chính quyền nước này phải tôn trọng quyền con người trong bất kỳ tình huống này.
Liên minh châu Âu thậm chí còn đe doạ nếu Ankara tái thiết lập án tử hình thì mọi hy vọng gia nhập liên minh sẽ đổ bể.
Đáp lại, Tổng thống Erdogan tuyên bố đầy cứng rắn: “Đã hơn 50 năm nay, châu Âu luôn để chúng tôi phải chờ đợi ngoài cửa. Họ có những định kiến với Thổ Nhĩ Kỳ và họ sẽ luôn hành động với những định kiến đó. Nếu người dân của tôi yêu cầu thiết lập án tử hình và những người đại diện cho họ ở nghị viện đồng ý thì tôi sẽ tôn trọng yêu cầu đó. Rất tiếc nhưng trong một nền dân chủ, quyền tối cao thuộc về người dân”.
Hải Triều
(Theo Le Monde)
TIN LIÊN QUAN |
---|