'Luật pháp chất lượng thấp là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng'
Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, luật pháp chất lượng thấp sẽ làm cho cuộc sống trở nên vô cùng khốn khó, đồng thời nó cũng là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng.
Khi phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhiều đến vấn đề thượng tôn pháp luật. Với việc dẫn lời Vua Lê Thánh Tông - người đặt nền móng cho việc hình thành hệ thống pháp luật ở nước ta bằng câu nói: “Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo” và trích dẫn lời của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết năm 1919: “Bảy xin Hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”, Thủ tướng đã khẳng định và cam kết: "Nguyên tắc này vẫn là thông điệp đúng đắn cho chúng ta hôm nay. Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật và đồng thời Chính phủ cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật. Phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương;… Khi có sai phạm, dù bất kể cấp nào cũng phải làm rõ trách nhiệm và xử phạt nghiêm minh".
Cũng trong phát biểu nhậm chức, người đứng đầu cơ quan tư pháp, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình hứa sẽ cùng tập thể lãnh đạo tòa án nhân dân tối cao xây dựng ngành trong sạch, liêm chính, với đội ngũ thẩm phán giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh để đưa ra những phán quyết thượng tôn pháp luật, nghiêm minh và công bằng.
Câu khẩu hiệu “Sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” đã quá quen thuộc với người dân. Song, chúng ta cần những điều kiện gì để tinh thần thượng tôn pháp luật không là khẩu hiệu. Phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội về vấn đề này.
TS Nguyễn Sỹ Dũng (ảnh ngoài cùng bên phải) trong phòng thu của VOV |
PV: Theo ông “thượng tôn pháp luật” cần được hiểu như thế nào?
TS Nguyễn Sỹ Dũng: Thượng tôn pháp luật nghĩa là không có gì đụng được đến pháp luật, người dân phải tuân thủ pháp luật, quan chức, nhà nước phải tuân thủ pháp luật và không ai có thể đứng trên pháp luật.
PV: Có ý kiến cho rằng thượng tôn pháp luật là mọi người trong xã hội đều phải chấp thành theo pháp luật, sử dụng pháp luật là tiêu chí hàng đầu để giải quyết các vấn đề trong xã hội cũng như trong đời sống hàng ngày. Theo ông, ý kiến này có đúng không trên phương diện lý luận cũng như thực tiễn?
TS Nguyễn Sỹ Dũng: Tôi nghĩ dân ta hiểu như vậy là tương đối chuẩn. Điều đầu tiên ai cũng hiểu là phải tuân thủ pháp luật, hiểu sâu hơn nữa là không chỉ người dân mà Nhà nước, các quan chức cũng phải tuân thủ pháp luật. Việc nhấn mạnh đó rất quan trọng vì thực chất người dân không có quyền, còn quan có quyền năng lớn nên người dân nhấn mạnh quan chức cũng phải tuân thủ pháp luật, đó là cái quan trọng hơn và khó áp đặt hơn.
Tôi phấn khởi nhất là có ý kiến cho rằng pháp luật phải tốt, từ dùng trong này là phải hoàn thiện. Pháp luật mà bắt người dân tuân thủ thì pháp luật phải tiệm cận được công lý. Còn pháp luật cho người này những quyền đối với người khác mà người khác lại không có quyền, tạo nên bất công thì pháp luật đó về lâu dài khó được người dân tuân thủ, bởi vì nó không bảo đảm được công lý.
Về chức năng của pháp luật, xin nói thêm một ý chúng ta thường nói pháp luật là để điều chỉnh hành vi, bảo đảm trật tự, điều đó là rất đúng. Nhưng chức năng quan trọng nhất của pháp luật của một xã hội văn minh của nhà nước pháp quyền thì pháp luật chính là các quy phạm bảo đảm sự cùng tồn tại trong hài hòa và thịnh vượng. Tức là các giai tầng xã hội tồn tại được với nhau trong khuôn khổ quy định một cách hài hòa, không xung đột, tạo được điều kiện phát triển thì đó chính là chức năng quan trọng nhất của pháp luật.
Hoạt động lập pháp mà chúng ta cứ ngồi nghĩ ra các đạo luật vô tận như vậy thì đó là sự chủ quan. Nếu chúng ta nhắm vào các vấn đề của cuộc sống để xử lý, tìm ra những quy phạm để điều chỉnh hành vi thì đó là cách làm luật thiết thực và nó sẽ không “đẻ” ra vô tận một rừng luật mà người dân tuân thủ không biết đến bao giờ mới hết được.
PV: Từ những vụ người dân tự xử, không cần pháp luật, phải chăng do hệ thống pháp luật đang có vấn đề, thưa ông?
Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng: Có một loạt vấn đề có thể là nguyên nhân bởi vì không đảm bảo được công lý. Thứ hai là khả năng áp đặt việc tuân thủ pháp luật. Người dân thấy một lần không báo cáo chính quyền, hai lần như vậy và thậm chí đến lần thứ ba thì người dân đứng ra xác lập trật tự ở đó. Đó là hành vi lạm quyền và cũng thể hiện sự kém hiệu quả của chính quyền trong việc áp đặt việc tuân thủ nên người dân phải đứng ra làm.
Nguyên nhân thứ ba là ý thức tôn trọng pháp luật của người dân có vấn đề. Việc người dân tự xử đã vi phạm những nguyên tắc cơ bản nhất của pháp luật, người nào có quyền thì mới được làm, còn không có quyền mà muốn làm gì làm thì như vậy là loạn. Nếu người dân làm như vậy thì sẽ đối mặt với tình trạng không có trật tự và pháp luật.
Vấn đề chính là phải xử lý cả 3 nguyên nhân, thứ nhất là hệ thống pháp luật phải bảo đảm được công lý; thứ hai, khả năng áp đặt của chính quyền phải hiệu quả; thứ ba, ý thức chấp hành pháp luật và hiểu biết pháp luật của người dân phải được nâng cao.
PV: Hiến pháp khẳng định: mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, một loạt vụ việc vừa qua như việc không khởi tố lãnh đạo Vinaconex gây thiệt hại hơn 13.400 tỷ đồng, vụ án hai bị cáo chưa thành niên chỉ vì đói mà cướp giật chiếc bánh mỳ trị giá 45.000 đồng phải nhận mức án tù và một số vụ án có dấu hiệu oan sai… cho thấy thượng tôn pháp luật, nói vậy mà không phải vậy vì còn phụ thuộc quá nhiều vào ý chí của những nhà thực thi, áp dụng pháp luật. Từ những việc này thật khó để dân tin mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Ông có bình luận gì?
Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng: Nếu áp dụng pháp luật khác nhau như vậy thì người dân khó mà tin được. Ví dụ, nếu đã cấu thành tội phạm mà anh lại được miễn truy tố thì rõ ràng anh áp dụng pháp luật theo cách không thể chấp nhận được. Đã cấu thành tội phạm thì phải áp dụng trách nhiệm hình sự. Đối với hai cậu bé cướp bánh mì có giá trị 45.000 đồng trong lúc đó anh cấu thành tội phạm hình sự gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng mà lại được miễn thì hoàn toàn không được, không bình đẳng trước pháp luật.
Ở đây còn vấn đề nữa là việc xử phạt tù hai cậu bé đó không đạt được công lý ở chỗ, với một tội như vậy mà phạt nặng là không tương thích, không chuẩn với lẽ phải, không chuẩn với lương tri.
Tôi từng đọc trên báo, một ông thẩm phán nước ngoài tuyên bố: ăn cắp bánh mì vì đói là không phạm tội. Rõ ràng là có thể cấu thành tội phạm nhưng cách nói của ông thẩm phán đó có khi nó gần với công lý hơn.
Chúng ta áp dụng pháp luật nhưng không nghĩ đến công lý thì người dân làm sao ủng hộ được.
Việc không truy tố trách nhiệm hình sự đối với lãnh đạo Vinaconex vi phạm nguyên tắc của pháp lý vì phạm tội lần đầu hay thân nhân tốt chỉ là yếu tố giảm nhẹ, không phải là các yếu tố để miễn truy tố trách nhiệm hình sự.
Rõ ràng pháp luật đã bị bóp méo thì người dân rất khó có niềm tin về hệ thống pháp luật. Nếu pháp luật xử như thế này thì rõ ràng sự bất bình của xã hội sẽ rất lớn. Muốn pháp luật được tôn trọng, được trân trọng thì nó phải được áp dụng công bằng.
PV: Chúng ta có ngày pháp luật, chúng ta cũng có một hệ thống pháp luật đồ sộ nhưng thượng tôn pháp luật xem ra vẫn là khẩu hiệu. Theo ông, làm thế nào để thượng tôn pháp luật thực sự trở thành niềm tin nội tâm, là văn hóa, là thói quen hành xử trong đời sống hàng ngày của mọi người dân Việt Nam?
TS Nguyễn Sỹ Dũng: Đầu tiên hoạt động xây dựng pháp luật phải phấn đấu để pháp luật là hiện thân của công lý. Pháp luật quy định điều gì cũng đạt được tính nhân văn, bảo đảm công lý, người với người trong xã hội bị điều chỉnh đạt được sự hài hòa. Không phải nhiều luật là tốt bởi vì luật pháp chất lượng thấp sẽ làm cho cuộc sống trở nên vô cùng khốn khó, đồng thời nó cũng là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng.
Thứ hai việc áp đặt tuân thủ pháp luật bảo đảm pháp luật là hiểu năng. Thứ ba, pháp luật phải được áp đặt công bằng. Thứ tư, phải giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho người dân làm sao để người dân hiểu rằng mình chấp hành pháp luật trước hết là vì mình, vì trật tự, vì sự tốt đẹp của xã hội.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|