Đi tìm công dân nhà tầng Quang Trung tiêu biểu

04/08/2016 15:18

(Baonghean.vn) - "Nếu phải chọn 10 cá nhân, tôi còn phải suy nghĩ khá lâu nhưng nếu chỉ chọn 1 người, không ai khác đó là TS Phan Huy Tú ở khu C2”- anh Nguyễn Quốc Thắng một cư dân đời đầu của nhà B5 hiện công tác tại UBND TP Vinh khẳng định.

Trong mạch viết về những ký ức Quang Trung, ngoài dòng sự kiện tôi rất muốn tìm chọn ra một vài khuôn mặt điển hình của một khu dân cư với hơn 10 ngàn nhân khẩu ấy. Phải mất hơn 6 tháng trời, gặp gỡ lại hàng trăm người từng sống tại nhà tầng, trong tay tôi mới có khoảng chục nhân vật có tầm ảnh hưởng đến cộng đồng cư dân Quang Trung.

Đó là nhà thơ Minh Huệ với bài thơ nổi tiếng “Đêm nay Bác không ngủ”, đó là thầy giáo TS Toán học Lê Thống Nhất, là nhà thơ Dương Huy, là HLV đội tuyển quốc gia Nguyễn Hữu Thắng, gia đình cầu thủ nhà Văn Sỹ…

Vợ chồng tiến sỹ Phan Huy Tú
Gia đình hạnh phúc của tiến sỹ Phan Huy Tú.

Có một điều khá lạ, nếu xếp thứ tự thì khá nhiều người nhất trí đặt TS Phan Huy Tú lên vị trí số 1, danh sách công dân tiêu biểu Quang Trung. Giờ thì anh đang sống ở thành phố Redmond, thuộc bang Washington, Hoa Kỳ và làm việc cho Tập đoàn nổi tiếng Microsoft, nhưng hình ảnh cậu học sinh trường chuyên Phan Bội Châu đoạt Huy chương Bạc Olympic Toán Quốc tế 1991 (Thụy Điển) đầu tiên đoạt giải quốc tế của tỉnh nhà vẫn được bà con C2 ưu giữ.

Thực ra, suýt nữa thì chàng trai Yên Thành sinh tháng Thân, năm Dần (9/1974) không có duyên với nhà tầng. Năm 1982, nhà C2 là căn nhà cuối cùng của khu nhà tầng Quang Trung mà phía Cộng hòa Dân chủ Đức chấp thuận kéo dài Nghị định thư hợp tác nhằm hoàn thành và bàn giao cho thành phố Vinh trước khi rút về nước.

Năm học 1981-1982, trường chuyên Phan Bội Châu được chuyển lên 48 Lê Hồng Phong, do có cả bố và mẹ cùng dạy trường Phan, cộng điểm cao nên năm 1983, gia đình Phan Huy Tú được nhận căn hộ số 132, C2 Quang Trung. Để rồi, căn hộ diện tích chỉ khoảng 30m2 ấy đã trở thành “địa chỉ đỏ” của ngành giáo dục Nghệ An.

Thầy giáo Phan Huy Tuấn - Phó hiệu trưởng nhà trường được công nhận là nhà giáo ưu tú. Tự hào hơn nữa, thầy Tuấn (dạy môn Văn) cùng cô Nguyễn Minh Lý (môn Lý) đã trở thành biểu tượng cho sự say mê hết lòng vì nghề dạy học, đạo thủy chung vợ chồng, sự thành đạt đường con cái trong tâm thức lớp lớp học trò và bạn bè, đồng nghiệp.

Thầy giáo Phan Huy Tuấn (áo khoác đen) - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu
Thầy giáo Phan Huy Tuấn (áo khoác đen) - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu cùng gia đình con trai Phan Huy Tú.

Chị gái đầu Phan Thục Anh (sinh 12/1970) là sinh viên xuất sắc được giữ lại làm giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chị gái Phan Quỳnh Hương (sinh 10/ 1972) năm 1990 từng đỗ thủ khoa Học viện Ngân hàng với 27 điểm, trong đó Toán 10 điểm. Đến bây giờ, thì trường chuyên Phan Bội Châu liên tục có học sinh đoạt giải quốc tế nhưng thời ấy, Phan Huy Tú chính là học sinh đầu tiên làm rạng danh đất học Nghệ An và trường Phan dấu yêu.

Trước đó, 2 đàn anh khác là Đinh Văn Dũng (môn Vật lý, rất thú vị là sau này lại là anh rể Tú) và Đoàn An Hải (môn Toán) đều có tên trong đội tuyển quốc gia Việt Nam đi thi quốc tế nhưng chưa đạt giải. Là đất học nổi tiếng, nhưng mãi trên bảng Vàng vẫn chưa có tên những người con hiếu học xứ Nghệ, trong khi đó trường Lam Sơn (Thanh Hóa) liên tục có học sinh đoạt giải quốc tế, điều đó khiến không chỉ thầy cô giáo ngành giáo dục mà lãnh đạo tỉnh nhà thấp thỏm chờ mong.

Chỉ khi tin vui từ Thụy Điển bay về thì niềm vui của trường, của khu nhà tầng và cả của tỉnh nhà mới vỡ oà…Sau đó, lần lượt các em Trương Bá Tú, đoạt Huy chương Bạc Olympic Toán Quốc tế (1993), Nguyễn Cảnh Hào đoạt Huy chương Bạc Olympic Toán Quốc tế (1997)…

Nhớ lại thầy Đinh Văn Thông, khi đó đang là hiệu trưởng trường Phan Bội Châu đã chia sẻ: “Mi mần thầy trẻ lại mấy tuổi”, hạnh phúc của người thầy đôi khi thật là giản đơn. Còn bác Phú, nguyên Bí thư Đảng ủy tiểu khu Quang Trung lúc ấy đi đâu cũng tự hào: Quang Trung choa, có học sinh đầu tiên đoạt giải quốc tế, siêu lắm!

Quang Trung của chúng tôi là vậy. Trong mạch sống tất bật của đời thường, ai lo việc người nấy và có đôi khi chúng ta vô tình bước qua nhau. Nhưng chắc chắn không ai lãng quên ai, nhất là những người đã làm cho khu nhà tầng ấy trở thành biểu tượng của thành Vinh một thời!

Phan Hảo

TIN LIÊN QUAN