'Kẹt' hồ sơ, hàng chục tàu 67 ở Nghệ An chờ tiền

26/07/2016 12:15

(Baonghean.vn) - Hiện trên địa bàn Nghệ An có 77 hồ sơ đóng tàu công suất lớn theo Nghị định 67 đang chờ Ngân hàng giải ngân. Điều đáng nói là nhiều người dân phải chờ đợi hơn nửa năm nay, trong khi tàu cũ đã bán để lấy tiền đối ứng.

Hơn nửa năm nay, ngư dân Hoàng Văn Bình, ở xóm Sơn Hải, xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu không ra khơi, bởi anh lỡ bán thuyền 150CV được 450 triệu đồng, làm vốn đối ứng cho con tàu mới theo hồ sơ duyệt Nghị định 67. Nguyên nhân là do ngân hàng chưa đồng ý giải ngân.

ANh Hoàng Văn Bình chờ tàu
Hoàng Văn Bình, ở xóm Sơn Hải, xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu chờ đợi vốn cùng bản thiết kế.

Anh Bình cho biết: Cuối năm 2015, sau khi được duyệt hồ sơ và cán bộ ngân hàng “hứa” sẽ tạo điều kiện làm hồ sơ cho vay tiền để đóng tàu to máy lớn theo chính sách hỗ trợ của Nghị định 67/CP, tôi bán ngay chiếc tàu gỗ cũ, công suất nhỏ để lấy tiền đối ứng. Mọi thủ tục, hồ sơ đã hoàn tất từ nhiều tháng nay, nhưng ngặt một nỗi là phía Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư - Phát triển (BIDV) Phủ Diễn chưa đồng ý cho vay tiền, nên dự án đóng tàu mới của anh chững lại từ nhiều tháng nay.

Mặc dù, thời gian qua anh Hoàng Văn Bình đã nhiều lần “gõ cửa” các cơ quan chức năng, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Vì thế, 10 lao động trong tổ đánh bắt của anh vẫn 'dài cổ" chờ con tàu vỏ thép đã được thiết kế công suất máy 829CV, làm nghề lưới chụp.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu, trên địa bàn huyện còn 4 hồ sơ của 4 ngư dân đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67/CP chưa được phía ngân hàng thương mại chấp nhận cho vay vốn để đóng. Trị giá mỗi con tàu vỏ thép này là trên 17 tỷ đồng.

Ở Nghệ An có 36/113 hồ sơ tàu 67 được giải ngân
Ở Nghệ An có 36/113 hồ sơ tàu 67 được giải ngân

Còn trường hợp của anh Lê Bá Nam, xóm Lam Sơn, xã Quỳnh Lập (TX.Hoàng Mai) đang rất băn khoăn lo lắng vì tàu đã đóng xong và hạ thủy ngày 18/7, nhưng hồ sơ vay vốn nộp cho Ngân hàng BIDV Thị xã Hoàng Mai từ tháng 2/2016 đến nay vẫn chưa được thẩm định.

Anh Nam bộc bạch: “Khi được Thị xã duyệt cho đóng tàu theo Nghị định 67, chúng tôi vô cùng phấn khởi và đã bán tàu cũ 420CV được 1,3 tỷ đồng, kết hợp với vốn góp của 11 gia đình cùng chung đóng tàu có tổng nguồn vốn 3,9 tỷ đồng đối ứng đóng tàu mới. Nhờ có một phần vốn trên chúng tôi nhanh chóng xúc tiến đóng tàu mới, đến nay tàu vỏ gỗ 818 CV đã đóng hoàn chỉnh và lắp đặt đầy đủ máy móc, trang bị đủ ngư lưới nghề chụp 4 sào, tổng mức đầu tư gần 11 tỷ đồng. Hiện chúng tôi đang nợ tiền máy và ngư lưới… khoảng 7 tỷ đồng, rất mong ngân hàng sớm thẩm định cho vay vốn để chúng tôi có điều kiện đưa tàu ra khơi...".

Qua trao đổi, ông Hoàng Ngọc Thủy - Trưởng Phòng kinh tế - Thị xã Hoàng Mai cho biết, trên địa bàn hiện có 13 hồ sơ đóng tàu theo Nghị định 67 đang chờ vốn.

Sau 2 năm triển khai NĐ 67, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đã có 113 chủ tàu được phê duyệt đủ điều kiện vay vốn. Trong đó gồm 29 tàu vỏ sắt, 78 tàu vỏ gỗ và 6 tàu vỏ composite.

36 chủ tàu đã được ký hợp đồng tín dụng (7 tàu sắt, 4 tàu composite, 25 tàu vỏ gỗ), với tổng giá trị vốn vay đã giải ngân 203,334 tỷ đồng/314,953 tỷ đồng. Hiện đã có 25 tàu đóng mới hoàn thành đưa vào khai thác hải sản.

Như vậy, hiện có 77 hồ sơ đóng tàu 67 ở Nghệ An đang chờ vốn.

Đề cập về vấn đề chậm giải ngân vốn cho ngư dân, ông Cao Văn Hợi, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ An, thành viên Ban chỉ đạo thực hiện NĐ 67 tỉnh, trao đổi: Trong thời gian tới chúng tôi sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn rà soát lại tất cả các trường hợp nộp hồ sơ vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67/CP, đặc biệt lưu ý những trường hợp đã đóng tàu nhưng chưa được ký hợp đồng vay vốn.

Ông Cao Văn Hợi
Ông Cao Văn Hợi - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ An cho biết sẽ hối thúc các ngân hàng giải ngân đóng tàu 67 cho ngư dân.

"Đối với những hồ sơ đủ điều kiện vay vốn sẽ hối thúc ngân hàng thương mại ký hợp đồng tín dụng sớm giải ngân vốn cho ngư dân. Tuy nhiên, bà con ngư dân cũng cần rút kinh nghiệm khi mới gửi hồ sơ lên ngân hàng đã triển khai đóng tàu, trong khi ngân hàng chưa kịp thẩm định. Thực tế đã có những hồ sơ sau khi thẩm định không đủ điều kiện vay vốn, như vậy rất khó cho ngư dân về kinh phí để trả nợ" - Ông Cao Văn Hợi chia sẻ.

Xuân Hoàng - Quỳnh Lan

TIN LIÊN QUAN