Những chính sách thu hút đầu tư là động lực quan trọng
(Baonghenan.vn) - Việc UBND tỉnh Nghệ An trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về việc đề nghị ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ cử tri.
* Cử tri Nguyễn Cảnh Thuận- Phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai
Anh Nguyễn Cảnh Thuận - P. Quỳnh Thiện - TX Hoàng Mai |
Thị xã Hoàng Mai vừa được thành lập tròn 3 năm và thu hút nhiều nhà đầu tư các công trình. Trên địa bàn phường chúng tôi có 2 dự án lớn nhất là Nhà máy nước và Khu liên hợp tổng hợp thương mại Mường Thanh.
Khi 2 công trình này đi vào hoạt động, sẽ góp phần tạo công ăn việc làm cho đoàn viên, thanh niên và nhân dân trên địa bàn và giải quyết nhu cầu bức thiết về nước sạch trên địa bàn thị xã Hoàng Mai. Chính vì vậy, bản thân tôi cũng như các hộ dân hy vọng với những chính sách thu hút của tỉnh sẽ có nhiều nhà máy, xí nghiệp trên quê hương thúc đẩy kinh tế phát triển. Chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp và các dự án cần tích cực giúp đỡ nhân dân trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống.
*Ông Võ Văn Dũng - Phó Bí thư thường trực thị ủy Hoàng Mai
Hoàng Mai được xác định là 1 trong 3 cực tăng trưởng của cả tỉnh, vì vậy việc thu hút đầu tư để khai thác tiềm năng, thế mạnh của thị xã là mục tiêu hàng đầu của thị xã, theo đó, trong thời gian vừa rồi rất nhiều nhà máy, doanh nghiệp đầu tư vào.
Chúng tôi quan niệm là doanh nghiệp phát tài, Hoàng Mai phát triển, các nhà đầu tư vào Hoàng Mai trên cơ sở quy hoạch đã được duyệt thì chúng tôi lựa chọn các doanh nghiệp phù hợp với uy hoạch, làm sao để kinh tế phát bền vững.
Video ý kiến của ông Võ Văn Dũng
.
Bên cạnh những tập đoàn lớn đã vào Hoàng Mai như: Tôn Hoa Sen, Mường Thanh và doanh nghiệp đầu tư vào nhà máy nước, chúng tôi tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Đó sẽ là những công trình có tính điểm nhấn, cơ sở hạ tầng nền tảng thúc đẩy doanh nghiệp khác phát triển. Do đó chúng tôi quan tâm tạo điều kiện theo quy định của nhà nước, tuyên truyền vận động nhân dân để thực hiện tốt nhất các thủ tục cho nhà đầu tư để phát triển trên địa bàn thị xã. Đặc biệt với những chính sách ưu đãi mới của tỉnh sẽ là động lực để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào Hoàng Mai và các địa bàn lân cận, kết lại thành cực tăng trưởng quan trọng.
* Đại biểu Trần Xuân Quang (huyện Nghi Lộc)
Ông Trần Xuân Quang |
Nghi Lộc là huyện nằm trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An, có 10 xã nằm trong khu kinh tế Đông Nam. Trong những năm gần đây với chính sách rải thảm thu hút đầu tư hàng chục dự án đã được cấp phép đầu tư trên địa bàn.
Xác định rõ trách nhiệm, thời gian qua chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đã có tích cực vào cuộc. Sự phối hợp chặt chẽ, quy trình triển khai khá bài bản, từ khâu tuyên truyền, chính sách đền bù, hỗ trợ được thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch, mực đền bù hỗ trợ cơ bản phù hợp, nhiều kiến nghị của người dân được giải quyết kịp thời. GPMB các dự án vì thế tương đối nhanh gọn, được đa số người dân đồng thuận, đến nay cơ bản hoàn thành GPMB dự án đường D4, đường N5 đoạn qua khu dân cư Nghi Đồng, đi Hoà Sơn, Đô Lương, hoàn thành công tác hỗ trợ bồi thường về hoa màu và bàn giao mặt bằng khu C- khu công nghiệp Nam cấm cho BQL Khu kinh tế Đông Nam.
Nhìn chung nhân dân nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của các dự án đầu tư nên về chủ trương dân đồng thuận rất cao. Những chính sách thu hút đầu tư mới của tỉnh sẽ tiếp tục tạo đà quan trọng để kích thích kinh tế - xã hội trên địa bàn Nghi Lộc nói riêng và của chung toàn tỉnh phát triển.
Bên cạnh đó, có chính sách ưu tiên cho lao động người địa phương là những hộ đã mất đất sản xuất nông nghiệp cho dự án, chính sách chuyển đổi nghề cho lực lượng lao động tuổi trên 40 (là những người không có khả năng vào các công ty) và quan tâm tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn …
*Ông Đặng Văn Toàn – Chủ tịch UBND xã Đại sơn, huyện Đô Lương
Chủ tịch xã Đại Sơn |
Chợ Ú của xã Đại Sơn là nơi mua bán trâu bò lớn nhất trong vùng, mỗi phiên chợ có tới hàng nghìn con trâu bò, tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Trước thực trạng diện tích chợ hẹp, không đáp ứng nhu cầu và gây ô nhiễm môi trường, khó khăn trong công tác phòng dịch bệnh. Năm 2014 chợ Ú đã được tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng chợ trâu bò Đại Sơn, với mức đầu tư gần 15 tỷ đồng, diện tích quy hoạch chợ 4,4 ha, trong đó 3 ha là nền chợ cũ và mở rộng thêm 1,4 ha, phải thu hồi đất nông nghiệp.
Tạo thuận lợi cho dự án triển khai, đến nay địa phương đã thực hiện xong công tác đo đếm diện tích đất nông nghiệp, chờ chủ đầu tư đền bù, giải phóng mặt bằng. Nhưng đến nay dự án vẫn “án binh bất động”, việc họp chợ hàng tháng gặp rất nhiều khó khăn, không đáp ứng nhu cầu mua bán của mỗi phiên chợ có tới hàng nghìn con trâu bò. Địa phương đề nghị các cấp, ngành cần đẩy nhanh tiến độ dự án, nhằm hạn chế sự lãng phí của 1,4 ha đất sản xuất lúa lâu nay người dân đã bỏ đất hoang; tạo lòng tin với cử tri.
Anh Nguyễn Văn Sáu |
* Ông Nguyễn Văn Sáu, cử tri xóm 6, xã Đại Sơn
Ông Sáu chia sẻ: Là người chuyên làm nghề mua bán trâu bò tại chợ Ú, tôi thấy rằng, lâu nay chợ họp lộn xộn, do mặt bằng kém, giao thông, hành lang chợ không có.
Do vậy, từ khi nhận được thông báo của xã thu hồi 1,2 sào ruộng của gia đình để nhà nước đầu tư xây dựng chợ trâu bò Đại Sơn, gia đình đồng tình ngay, nên gia đình dừng sản xuất trong 2 năm qua. Tuy nhiên, dự án chậm triển khai, khiến mỗi năm gia đình mất đi mấy tạ lúa, trong lúc chợ lại họp lộn xộn.
* Ông Nguyễn Tất Hảo – Chủ tịch UBND xã Thượng Sơn (Đô Lương)
Khi UBND tỉnh có chủ trương quy hoạch khu đất này để xây dựng Cụm công nghiệp ở Thượng Sơn, phía người dân và địa phương đồng thuận cao. Do vậy, khi xã thực hiện chuyển đổi ruộng đất theo Chỉ thị số 08 của Tỉnh ủy, xã dành khu vực đất sản xuất để tỉnh quy hoạch cụm công nghiệp, chứ không chia cho dân sản xuất. Tuy nhiên, đến nay khu vực này chưa thực hiện.
Video ý kiến của ông Hảo
.
Mong muốn của địa phương, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư, sớm triển khai xây dựng Cụm công nghiệp Thượng Sơn để xã có điều kiện giải tỏa cụm công nghiệp cũ lâu nay hoạt động, gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư; đồng thời tạo điều kiện cho địa phương thu hút các nhà đầu tư vào hoạt động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Trong chương trình xây dựng NTM, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn là cần thiết, bởi vấn để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân hiện đang khó khăn.
Châu Lan - Nguyễn Vân - Xuân Hoàng
TIN LIÊN QUAN