Công bằng cho nạn nhân da cam: Tiếng nói của lương tâm, sự thật

08/08/2016 17:34

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi sự hợp tác, chia sẻ của cộng đồng quốc tế, các nhà khoa học, mỗi quốc gia, từng tổ chức, cá nhân “bằng tiếng nói của khoa học, lương tâm, sự thật”, giành lại công bằng cho những nạn nhân chất độc da cam (dioxin).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Đình Nam

Sáng 8/8, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế về chất độc hóa học da cam/dioxin nhân kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam/dioxin với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama và hàng chục các nhà khoa học quốc tế, Việt Nam; đại sứ, trưởng đại diện các cơ quan quốc tế tại Việt Nam...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ câu chuyện của những gia đình người Việt Nam có 3-4 thế hệ bị ảnh hưởng của chất độc da cam, về những người bị nhiễm chất da cam không thể lao động thậm chí không thể làm một người bình thường, về những vùng đất không thể trồng trọt, chăn nuôi do tồn lưu chất dacam quá cao.

“Những người tôi được đến thăm chỉ là một số ít trong hàng triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam, và gia đình tôi đến thăm có 3 thế hệ bị ảnh hưởng bởi chất độc này nhưng còn những gia đình có đến 4 thế hệ bị ảnh hưởng”, Phó Thủ tướng cho biết.

Việc quân đội Mỹ phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học (61% là chất da cam) xuống gần 26.000 thôn bản với diện tích hơn 3 triệu ha tại Việt Nam trong 10 năm (1961-1971) dẫn đến thảm họa hóa học da cam chưa từng có trong lịch sử loài người.

Một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải nhiều lần trong một thời gian dài đã gây ra cho đất nước và nhân dân Việt Nam những hậu quả nặng nề, lâu dài.

Theo ước tính, mỗi người Việt Nam trung bình phải mang gần 3 lít chất độc da cam trên người, “gánh” lượng bom đạn gấp gần 10 lần trọng lượng cơ thể.

Hội thảo có sự tham gia của cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama và hàng chục nhà khoa học quốc tế và Việt Nam nghiên cứu về chất độc da cam/dioxin. Ảnh: VGP/Đình Nam
Hội thảo có sự tham gia của cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama và hàng chục nhà khoa học quốc tế và Việt Nam nghiên cứu về chất độc da cam/dioxin. Ảnh: VGP/Đình Nam

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) cho biết hiện có khoảng 3 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm và là nạn nhân của chất độc da cam. Hàng trăm nghìn người đã chết, hàng trăm nghìn người bị bệnh cùng gia đình, người thân sống trong vô vọng, nghèo đói. Đặc biệt chất độc da cam di truyền qua nhiều thế hệ ở Việt Nam với hơn 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba; 2.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ tư.

Chất độc da cam hủy diệt nhiều thảm thực vật, làm biến mất những cánh rừng nguyên sinh dọc dãy Trường Sơn hay những cánh rừng ngập mặn ven biển miền Nam Việt Nam.

Các căn cứ chứa chất hóa học của quân đội Mỹ tại Việt Nam có nồng độ chất da cam tồn lưu cao gấp hàng nghìn lần cho phép.

Tại hội thảo, các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam đã công bố và trao đổi các kết quả nghiên cứu khoa học, tiếp tục đi sâu làm rõ hậu quả nặng nề của chất độc da cam do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người; đánh giá và đề xuất các biện pháp khắc phục; thống nhất sử dụng số liệu và kêu gọi cộng đồng tiếp tục quan tâm giúp đỡ nạn nhân cả về vật chất và tinh thần, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, tiếp tục lên án và ngăn chặn sử dụng vũ khí hóa học, cũng như các loại vũ khí hủy diệt khác.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định nỗ lực của bất kỳ ai, dù bằng tinh thần, tri thức hay vật chất để khắc phục hậu quả thảm họa da cam/dioxin, hỗ trợ các nạn nhân bị ảnh hưởng đều là vô giá.

Việt Nam luôn nhất quán và dành sự quan tâm đến các nạn nhân chiến tranh nói chung và nạn nhân da cam nói riêng.

Với điều kiện còn nhiều khó khăn, Việt Nam đã nỗ lực, cố gắng, có nhiều chính sách cũng như huy động nguồn lực xã hội góp phần giúp các nạn nhân da cam. Hàng năm dành khoảng 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân da cam, hỗ trợ những vùng khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc này.

Tuy nhiên ,Phó Thủ tướng cho rằng những hỗ trợ như vậy vẫn là vô cùng nhỏ và quan trọng hơn hết là việc giành lại công lý cho nạn nhân chất độc da cam, đặc biệt là những người Việt Nam.

“Người Việt Nam không sản xuất, không đi mua, không nhập khẩu, không rải chất da cam ở Việt Nam nhưng người Việt Nam đang và tiếp tục là nạn nhân của thứ chất độc chết người này”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi tại hội thảo cùng với thực tế “không chỉ có chất độc da cam mà ở Việt Nam dù chiến tranh đã qua đi mấy chục năm nhưng vẫn còn những trẻ em hay người lớn bị thương, thậm chí bị chết vì đụng phải đạn, bom, mìn sót lại”.

Phó Thủ tướng kêu gọi sự hợp tác, chia sẻ của cộng đồng quốc tế, các nhà khoa học, mỗi quốc gia, từng tổ chức, cá nhân “bằng tiếng nói của khoa học, lương tâm, sự thật” nhằm khép lại quá khứ, hướng tới tương lai không còn chiến tranh, trong đó có những cuộc chiến tranh sử dụng chất độc hóa học. Và để tất cả những nạn nhân chiến tranh, đặc biệt những nạn nhân da cam được hỗ trợ, được trả lại công bằng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama. Ảnh: VGP/Đình Nam

* Bên lề hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama.

Phó Thủ tướng cảm ơn sự ủng hộ, hỗ trợ của Chính phủ, nhân dân Nhật Bản, cá nhân ông Yukio Hatoyama đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam và trao đổi cụ thể về một số hoạt động liên quan đến công tác khắc phục hậu quả, trợ giúp nạn nhân da cam/dioxin của Việt Nam.

Phó Thủ tướng mong muốn ông Yukio Hatoyama tiếp tục thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác giữa hai nước Việt Nam, Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có hoạt động trợ giúp các nạn nhân chiến tranh nói chung, nạn nhân da cam nói riêng, tại Việt Nam như tặng xe lăn, phẫu thuật cho trẻ em bị dị tật do ảnh hưởng của chất da cam, chuyển giao công nghệ xử lý môi trường tại các điểm “nóng” về tồn dư chất da cam ở Việt Nam...

Theo Chinhphu.vn

TIN LIÊN QUAN