Những cử nhân bỏ phố về làng...

09/06/2016 10:04

(Baonghean) - Những cử nhân sau tốt nghiệp đại học vẫn luôn mong muốn có một công việc ổn định, nhiều người chấp nhận ly hương vì không muốn trở về thôn quê với những đồng bãi, ruộng nương. Tuy nhiên, huyện Diễn Châu, có không ít trường hợp người trẻ dẫu học hành và có cơ hội thành đạt nơi đất người vẫn quyết định trở về làm giàu trên chính quê hương mình. Hiện toàn huyện Diễn Châu có hơn 300 mô hình kinh tế của các cử nhân, kỹ sư bỏ phố về làng, cho thu nhập một năm hàng trăm triệu đồng/mô hình.

Mùa này đang là thời điểm thanh long ra hoa rộ, ít ai nghĩ rằng giữa mảnh đất miệt biển gió Lào cát trắng Diễn Phú lại có cả vườn thanh long ruột đỏ rộng gần 2 ha. Điều đặc biệt hơn nữa khi chủ nhân của khu vườn này là một kỹ sư xây dựng tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng của đất Hà Thành. Anh là Nguyễn Trọng Phúc, sinh năm 1987 tại xóm 22, xã Diễn Phú (Diễn Châu). Với dáng người nhanh nhẹn, gương mặt sáng, đôi mắt lanh lợi, anh niềm nở giới thiệu với chúng tôi về mô hình trồng thanh long ruột đỏ của mình. Tính đến nay, đã 2 mùa thanh long ra hoa trên đất Diễn Phú. Vốn là một kỹ sư chuyên ngành xây dựng, khi quyết định rời bỏ chuyên môn của mình để bắt đầu một lĩnh vực mới quả thật không hề dễ dàng. Những ngày cặm cụi tìm giống từ Bình Thuận về rồi mày mò kỹ thuật từ khâu cắm trụ tới bón phân. Anh vẫn nhớ như in cảm giác chong đèn háo hức đợi từng bông hé nở trong vụ đầu. Nhờ hợp chất đất, lại được chăm sóc đúng kỹ thuật nên vụ đầu cây cho khá nhiều quả. Bởi chất lượng tốt nên thương lái buôn đặt hàng nhiều với giá 30.000 đồng/kg.

Anh Nguyễn Trọng Phúc ở xóm 22, xã Diễn Phú (Diễn Châu) chăm sóc vườn thanh long đỏ 2 ha của mình.
Anh Nguyễn Trọng Phúc ở xóm 22, xã Diễn Phú (Diễn Châu) chăm sóc
vườn thanh long đỏ 2 ha.
Giờ đây 500 trụ cây của vườn đã trĩu hoa, báo hiệu thêm một mùa bội thu. So với thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ quả tuy nhỏ hơn nhưng có vị ngọt đậm và ngon hơn, nên được nhiều người ưa dùng. Bên cạnh đó, đây là một trong những loại cây dễ trồng, ít bị sâu bệnh nên dễ dàng thu hồi vốn đầu tư. Chia sẻ về chọn lựa táo bạo của mình khi từ bỏ công việc trong một công ty xây dựng để về làm nông, anh Phúc cười hiền: “Có không ít sinh viên sau khi học xong đại học quyết bám trụ lại thành phố để làm việc. Hoặc do điều kiện, hoàn cảnh gia đình khó khăn mà tâm lý muốn ly nông, thích đi xa, nên nhiều thanh niên nông thôn đã chọn con đường ly hương để lập nghiệp, đổ xô vào các khu công nhiệp ở miền Nam làm thuê. Tuy nhiên, thường như thế không thể chủ động được tương lai của mình.Trong khi ở quê nếu mình biết tận dụng những lợi thế của địa phương để làm giàu thì không khó.Vì vậy nên bản thân tôi quyết định chọn con đường trở về quê để lập thân, lập nghiệp”.

Với tấm bằng cử nhân loại khá, anh Nguyễn Thế Văn ở xã Diễn Lâm cũng đã có một số cơ hội làm việc tại một doanh nghiệp ở Hà Nội nhưng anh lại quyết định về nhà phát triển kinh doanh dịch vụ. Nắm bắt nhu cầu phát triển chăn nuôi lớn, anh đầu tư mở đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và cung cấp con giống. Giờ đây thị trường của anh đã được mở rộng khắp các huyện vùng bắc Nghệ An với 1 năm cung ứng trên 1.200 tấn thức ăn, hàng nghìn con giống các loại, mang về lãi ròng 400 triệu đồng.

Bên cạnh tận dụng lợi thế về tài nguyên đất đai, nhiều cử nhân ở Diễn Châu còn mạnh dạn đầu tư phát triển kinh doanh, dịch vụ. Ở xã Diễn Hồng có rất nhiều mô hình thành công. Anh Nguyễn Hồng Thông - Bí thư Đoàn xã Diễn Hồng cho biết: “Xã hiện có hơn 300 cử nhân, kỹ sư các trường đại học, cao đẳng đang cư trú. Hơn 50% trong số đó đã mạnh dạn tìm con đường phát triển kinh tế riêng cho mình. Các hình thức phát triển kinh tế tập trung các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thương mại. Hầu hết các mô hình này đều cho thu nhập bình quân xấp xỉ 100 triệu đồng/ năm. Cá biệt có nhiều mô hình đạt trên 300 triệuđồng/năm.

Bí thư Đoàn xã Nguyễn Hồng Thông dẫn chúng tôi tới tham quan mô hình tổ chức sự kiện của vợ chồng anh Nguyễn Hồng Hải. Chồng là kiến trúc sư tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, vợ là cử nhân Khoa Kế toán Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Cả hai vốn đã có công việc khá ổn ở Hà Nội, nhưng vẫn quyết định về quê lập nghiệp. Nhờ có thời gian làm thêm tại khách sạn chuyên về tổ chức sự kiện từ khi còn là sinh viên, mà vợ chồng anh đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.Anh chị đã mạnh dạn vay mượn gần 300 triệu đồng để đầu tư, mua sắm trang thiết bị. Chỉ trong 2 năm, vợ chồng anh đã tổ chức hàng trăm sự kiện lớn, nhỏ trên địa bàn huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn… Giá trị tài sản, thiết bị vợ chồng anh Hải đang sở hữu đã lên tới gần 2,5 tỷ đồng. Vợ chồng anh còn tạo việc làm cho hơn 10 người trong vùng.

4 Sinh viên Nguyễn Hồng Hải (Khối Bắc, Diễn Hồng, Diễn Châu) bên hệ thống âm thanh ánh sáng tổ chức sự kiện của mình.
Anh Nguyễn Hồng Hải (Khối Bắc, Diễn Hồng, Diễn Châu) làm nghề tổ chức sự kiện.

Mỗi năm huyện Diễn Châu có hơn 1.000 cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp, trong đó có khá nhiều người không tìm được việc làm, cuộc sống rất khó khăn. Do đó, nhiều người trẻ đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế. Đến nay Diễn Châu đã có hơn 300 mô hình của các cử nhân sau tốt nghiệp ở lại quê hương cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ngoài ra, góp phần đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho trên 500 lao động trẻ mỗi năm. Họ là những điển hình trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp trên chính quê hương mình.

Anh Phạm Khắc Biển - Bí thư Huyện đoàn Diễn Châu chia sẻ: “Mong muốn có việc làm ổn định ngay trên quê hương của mình là một ước vọng chính đáng của rất nhiều bạn trẻ. Lập thân, lập nghiệp là một trong những phong trào thiết thực được thanh niên Diễn Châu thực hiện sôi nổi với nhiều mô hình làm ăn mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Hiện tại ở Diễn Châu có 7 hướng làm kinh tế của các đoàn viên, thanh niên bao gồm: Phát triển trang trại vườn ao chuồng có Diễn Yên, Diễn Thọ, diễn Đoài; dịch vụ có Diễn Kỷ, Diễn Hồng; nghề mộc có Diễn Xuân, nuôi trồng thủy, hải sản có Diễn Vạn, Diễn Trung, Diễn Bích; phát triển lâm nghiệp có Diễn Lâm; chế biến hải sản có Diễn Ngọc, Diễn Kim và Diễn Phú với những mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi, trồng trọt. Từ các mô hình này đã và đang góp phần ổn định đời sống, giúp nhiều thanh niên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Thanh Quỳnh

TIN LIÊN QUAN