Thèm 5 thứ dưới đây: cẩn thận vấn đề sức khoẻ
Khát nước và thèm ăn thực ra là những việc rất bình thường mà mỗi người thường gặp. Tuy nhiên nếu bạn luôn cảm thấy khát và muốn ăn mọi lúc thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo sự bất ổn trong cơ thể.
Thèm nước
Nếu thường xuyên có cảm giác thèm nước, khát nước, bạn nên lưu ý đến khả năng đây là triệu chứng sớm của bệnh tiểu đường. Cảm giác khát nước này không giống như khi bạn thèm uống nước sau khi hoạt động mạnh (như tập thể dục), mà là cảm giác khát rõ rệt hơn nhiều và cũng thường đi đôi với việc đi tiểu nhiều.
Nếu bạn bị tiểu đường, lượng đường thừa tích tụ trong máu, và thận phải làm việc rất vất vả để lọc và hấp thụ lượng đường đó. Nhưng đôi khi chúng không thể theo kịp, vì vậy lượng đường thừa bị thoát vào trong nước tiểu, khiến cho bạn phải đi tiểu thường xuyên hơn và do đó khát nước nhiều hơn.
Thèm muối
Thèm muối dữ dội có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh suy tuyến thượng thận, trong đó tuyến thượng thận – nằm trên đỉnh quả thận – không sản sinh đủ hoóc-môn quan trọng cần thiết cho chức năng sống của cơ thể bao gồm cortisol giúp cơ thể 'đối phó' với stress, và aldosterone giữ cho huyết áp cân bằng.
Nếu không điều trị, bệnh suy tuyến thượng thận kịp thời có thể làm cho huyết áp tụt giảm xuống mức nguy hiểm. Vì vậy hãy đi khám bác sĩ nếu bạn thấy xuất hiện cảm giác thèm thức ăn mặn một cách quá mức và dai dẳng, đặc biệt là nếu bạn có thêm bất kỳ triệu chứng nào khác của bệnh rối loạn tuyến thượng thận như mệt yếu cơ, sút cân, tụt huyết áp, đôi khi có xạm da vùng tiếp xúc với ánh sáng và cả vùng không tiếp xúc với ánh sáng.
Thèm đá lạnh
Thèm những thứ không có giá trị dinh dưỡng như đá lạnh có thể là biểu hiện của tình trạng thiếu sắt. Một bài báo gần đây trên tờ Medical Hypotheses cho rằng việc nhai đá lạnh làm tăng lưu lượng máu đến não, chống lại sự trì trệ do thiếu chất sắt gây ra.
Vì vậy khi có biểu hiện này, bạn nên đi khám bệnh và làm theo các chỉ dẫn của bác sỹ để "đánh bay" cảm giác thèm đá lạnh.
Thèm tinh bột
Thèm cơm, bánh mì là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang đòi hỏi lượng chất bột đường rất lớn, đây cũng là biểu hiện của các bệnh nhân tiểu đường.
Ở bệnh nhân tiểu đường, do thiếu isulin nên không điều tiết được đường huyết, bột đường từ thức ăn không thể đi vào các mô mà ở lại trong máu khiến lượng đường trong máu cao (lượng đường này sau đó được bài tiết qua nước tiểu).
Vì thế so với người bình thường, bệnh nhân tiểu đường thường xuyên thiếu năng lượng. Nếu kết hợp với tình trạng luôn thấy khát nước, tiểu nhiều thì nguy cơ bệnh đã "viếng thăm" bạn càng cao.
Thèm đồ ăn dinh dưỡng
Cảm giác căng thẳng và lo lắng kéo dài sẽ khiến tuyến thượng thận giải phóng hormone cortisol và adrenaline. Nồng độ những hormone này tăng cao sẽ khiến cơ thể bị đánh lừa về cảm giác thiếu hụt năng lượng, tạo ra nhu cầu bổ sung dưỡng chất khiến bạn lúc nào cũng thèm ăn.
Một bữa ăn cân bằng dinh dưỡng là một bữa ăn cung cấp đủ cho cơ thể 3 thành phần: protein, chất xơ và một ít chất béo lành mạnh, 3 thành phần này giúp cơ thể tiêu hóa chậm hơn, giữ cho lượng đường trong máu ổn định và từ đó giúp bạn no lâu hơn.
Đừng bỏ qua bất cứ thành phần nào trong 3 thành phần kể trên bởi nó có thể là nguyên nhân khiến bạn mau đói và thèm ăn./.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|