Nhiều mô hình tạo sinh kế bền vững cho người dân

19/08/2016 09:53

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, xã Lục Dạ (Con Cuông) tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đưa các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân...

Mô hình trồng dưa hấu của ông Lô Văn Điệp ở xã Lục Dạ (Con Cuông).
Mô hình trồng dưa hấu của ông Lô Văn Điệp ở xã Lục Dạ (Con Cuông).

Gia đình anh Lô Văn Điệp ở bản Mét là một trong những những hộ tiên phong trong phong trào chuyển đổi cây trồng của địa phương. Trước đây, trên diện tích hơn 2 sào đất màu, gia đình anh chủ yếu trồng ngô nhưng năng suất, hiệu quả không cao. Năm 2012 anh chuyển sang trồng dưa hấu. Anh Điệp cho biết, trồng dưa hấu mặc dù chi phí đầu tư cao hơn so với trồng ngô nhưng thời gian trồng và cho thu hoạch ngắn, chỉ mất khoảng 2,5 tháng, vì thế mỗi năm gia đình anh có thể luân canh 3 vụ. Nhờ đầu tư, chăm sóc đảm bảo quy trình nên mỗi sào cho thu hoạch gần 3 tấn. Với giá bán bình quân 8.000 đồng/kg thì mỗi vụ anh có nguồn thu 16 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với trồng ngô.

Ông La Văn Cương - Trưởng bản Mét, xã Lục Dạ cho biết “Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ năm 2013 đến nay, các hộ dân đã tham gia thực hiện các mô hình trồng dưa hấu, bí đỏ, bí xanh, ớt cay trên diện tích đất màu, trồng ngô đông trên đất hai lúa, chuyển đổi những diện tích trồng lúa nhưng năng suất kém do thiếu nước sang trồng các loại cây màu khác đem về thu nhập từ 20 đến 40 triệu đồng/ ha/vụ”. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của bản Mét giảm xuống còn 32,7%.

Dien tich săn cua gia dinh anh Tuong
Vườn sắn của anh Ngân Văn Tường ở bản Yên Hòa, xã Lục Dạ (Con Cuông).

Để nâng cao thu nhập cho người dân, Đảng ủy, UBND xã còn có chủ trương chuyển đổi và quy hoạch hợp lý một số diện tích để sản xuất các loại cây trồng có giá trị thu nhập cao. Năm 2015 với chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc, xã đã đưa cây sắn nguyên liệu vào trồng tại các vùng đất hoang hóa với quy mô trên 400ha. Từ vùng đất hoang hóa vụ sắn 2015 toàn xã đã cho sản lượng sắn trên 2.000 tấn.

Điển hình có gia đình anh Ngân Văn Tường ở bản Yên Hòa, đã tận dụng 1,5 ha đất hoang hóa để trồng sắn nguyên liệu, vụ sắn 2015 gia đình anh đã thu về 30 tấn sắn nguyên liệu, trừ chi phí anh thu về 27 triệu đồng. Anh Tường phấn khởi cho biết: “Trước đây là vùng đất hoang hóa, cây cối mọc um tùm. Năm 2015 sau khi xã có chủ trương chuyển đổi cây trồng gia đình đã bỏ công sức phát quang lau lách để trồng sắn. Nhờ trồng sắn mà gia đình tôi đã tăng thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống hàng ngày”.

Bên cạnh việc đưa các cây con truyền thống vào trồng, hiện tại xã Lục Dạ đang thí điểm trồng 10ha cây dong riềng, phấn đấu đến năm 2017 phát triển lên với quy mô 400 ha. Trên cơ sở đó, xã đứng ra liên kết với nhà máy chế biến tinh bột sắn Thanh Chương để tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.

Mô hình ớt cay xuất khẩu ở tại xã Lục Dạ (Con Cuông). Ảnh: Hữu nghĩa
Mô hình ớt cay xuất khẩu ở tại xã Lục Dạ (Con Cuông). Ảnh: Hữu nghĩa

Cùng với chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì việc khôi phục, phát triển làng nghề gắn với du lịch cộng đồng là một trong những mũi nhọn được xã Lục Dạ quan tâm khai thác, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân.

Ông Phạm Trọng Bình - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của xã, cấp ủy và cấp ủy chính quyền địa phương xác định đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp nhằm hướng tới mục tiêu xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững. Việc thực hiện tốt các chỉ tiêu ngay từ đầu nhiệm kỳ cũng chính là tiền đề quan trọng khích lệ nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã tích cực phát triển kinh tế và chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Minh Hạnh - Bá Hậu

Đài Con Cuông

TIN LIÊN QUAN