Bám sát hơi thở cuộc sống nhân dân

18/08/2016 10:01

(Baonghean) - Vừa qua, các đại biểu Quốc hội khóa XIV - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã tiến hành tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ nhất. Có thể nói, đây là đợt tiếp xúc đại biểu Quốc hội mà cử tri rất thẳng thắn trao đổi, kiến nghị nhiều vấn đề “nóng” với các đại biểu Quốc hội mà mình đã tin tưởng bỏ lá phiếu bầu chọn trong kỳ bầu cử vừa qua.

Ngược lại, các đại biểu Quốc hội cũng phát huy vai trò đại biểu dân cử lắng nghe, tiếp thu và giải quyết ngay nhiều vấn đề đặt ra.

Trăn trở và trách nhiệm

Với thái độ thẳng thắn, phát huy quyền làm chủ, cử tri phản ánh nhiều vấn đề thực tiễn còn bất cập từ cơ sở với kỳ vọng các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) để chuyển tải kịp thời lên diễn đàn Quốc hội, các cơ quan Nhà nước có giải pháp tháo gỡ.

Cử tri Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu, nêu thực trạng, Nghị định 67 đến cuối tháng 12/2016 đã hết thời gian thực hiện nhưng các ngân hàng mới chỉ ký hợp đồng tín dụng đóng 20 tàu. Mặt khác, một số ngân hàng tỏ ra dè dặt cho vay.

“Đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của ngư dân. Do đó đề nghị, Chính phủ tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện cũng như quan tâm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cho ngư dân vay”, cử tri Dinh nói.

Cử tri thị xã Hoàng Mai phát biểu ý kiến.
Cử tri thị xã Hoàng Mai phát biểu ý kiến.

Đây cũng là vấn đề được cử tri Vũ Thị Luân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu đại diện cho cử tri xã vùng biển này phản ánh để ngư dân có điều kiện đóng tàu lớn vươn khơi, bám biển.

Nông nghiệp, nông thôn và nông dân gắn với thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng là vấn đề được nhiều cử tri phản ánh với các ĐBQH. Nêu ý kiến với các đại biểu thuộc đơn vị bầu cử số 4, cử tri Nguyễn Phương Phú - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Chương đặt câu hỏi:

Quốc hội, Chính phủ, Bộ NN&PTNT quan tâm rất nhiều đến chính sách tam nông. Tuy nhiên hiệu quả các chính sách như thế nào? Đồng thời nêu lên thực trạng giá cả lương thực giữ nguyên, nhưng nguyên liệu đầu vào như phân bón, vật tư nông nghiệp lại tăng cao.

“Tôi đề nghị Quốc hội giám sát nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón, vật tư nông nghiệp để có giá cả hợp lý. Từ đó bà con có mức sống cao hơn, mặn mà với ruộng đồng hơn”, ông Phú nói.

Một tàu đánh cá vỏ sát của ngư dân thị xã Hoàng Mai được đóng mới theo Nghị định 67. Ảnh tư liệu
Một tàu đánh cá vỏ sát của ngư dân thị xã Hoàng Mai được đóng mới theo Nghị định 67. Ảnh tư liệu

Cũng liên quan đến khu vực nông thôn, ông Nguyễn Viết Thành - Phó Giám đốc Trung tâm dân số huyện Thanh Chương trăn trở: “Cần có chính sách đưa nhà máy về nông thôn để giải quyết việc làm tại chỗ. Các trường đại học, cao đẳng đào tạo phải gắn với đầu ra. Không thể dùng trường cao đẳng, đại học để kinh doanh”.

Trả lời các ý kiến cử tri về vấn đề này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc - ĐBQH khóa XIV cho biết: sẽ có ý kiến với Bộ NN&PTNT, trong đó đưa phân bón vào mặt hàng do Nhà nước quản lý để giám sát kiểm tra nhằm đảm bảo chất lượng cho người nông dân.

Ông Hồ Đức Phớc cũng thông báo cho cử tri về những giải pháp của tỉnh Nghệ An trong thu hút đầu tư, đưa nhà máy về khu vực nông thôn để giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Trong kỳ tiếp xúc lần này, cử tri huyện Đô Lương phản ánh những bất cập trong việc xây dựng nông thôn mới. Phát biểu ngay tại hội trường trước đông đảo cử tri, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Huy- ĐBQH khóa XIV cho rằng, hiện hay có một số tiêu chí về nông thôn mới thực sự chưa phù hợp.

Hệ thống giao thông nội đồng của xã Hòa Sơn, Đô Lương được đầu tư bài bản, gắn với quy hoạch xây dựng cánh đồng mẫu lớn.
Hệ thống giao thông nội đồng của xã Hòa Sơn, Đô Lương được đầu tư bài bản, gắn với quy hoạch xây dựng cánh đồng mẫu lớn.

“Có một số địa phương xây dựng nông thôn mới nhưng chạy theo thành tích mặc dù nguồn lực còn hạn chế. Vì vậy mà nợ đọng đang rất cao. Chúng tôi sẽ kiến nghị nên đưa ra tiêu chí phù hợp với từng địa phương, phù hợp với thực tiễn chứ không thể xã nào cũng làm như nhau được”, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Huy cho biết.

Còn nhiều vấn đề dân sinh khác, mà cử tri khắp các vùng miền trong tỉnh tin tưởng “đặt hàng” với các ĐBQH. Qua đó, mong muốn với vị trí là cầu nối giữa cử tri với các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, các đại biểu dân cử sẽ có tiếng nói góp phần vào việc hoàn thiện, điều chỉnh các chính sách để phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống, đáp ứng được nguyện vọng của số đông cử tri và nhân dân.

Chỉ đạo xử lý nóng

Cử tri Đinh Trọng Thủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu phản ánh: Vừa qua một doanh nghiệp ở TP. Vinh về tổ chức đấu giá đất theo hợp đồng. Việc tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật nhưng có kẽ hở lớn dẫn đến tình trạng cò đất. Cuộc đấu giá 59 lô đất ở xã vừa qua có đến 300 cò đất ở nhiều nơi về tham gia gây bức xúc cho nhân dân. MTTQ xã cũng bị ngăn cản tham gia giám sát.

“Tôi đề nghị các đại biểu Quốc hội kiến nghị với cơ quan chức năng sửa đổi lại các quy định pháp luật hoặc nếu chưa sửa được thì phải tăng cường biện pháp quản lý Nhà nước để hạn chế tình trạng cò trong đấu giá đất. Ngày đấu giá họ lấy đi của người dân Tân Sơn 2 tỷ đồng”, ông Thủy bức xúc.

Trả lời cử tri vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh - ĐBQH khóa XIV đánh giá, như thông tin xã cung cấp, “cò” đất lộng hành trong đấu giá đất có trách nhiệm của đơn vị tổ chức đấu giá.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh trả lời kiến nghị cử tri.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh trả lời kiến nghị cử tri.

Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện Quỳnh Lưu phải kiểm tra lại, nếu có hiện tượng đó dứt khoát những phiên đấu giá tới phải chấn chỉnh, thậm chí nếu có đầy đủ bằng chứng phải xử lý nghiêm công ty tổ chức đấu giá. Đừng để cho người dân ở tại chỗ lại phải mất tiền “cò” khi đấu giá đất.

Tương tự tại cuộc tiếp xúc cử tri ở huyện Anh Sơn, cử tri Nguyễn Thanh Minh, xã Hội Sơn phản ánh việc Trưởng Công an xã thu tiền lệ phí làm CMND trái quy định. Đó là thu thêm 10.000 đồng/người, với lý do phục vụ nước rửa tay, đơn, keo dán. Với cương vị là người đứng đầu Công an tỉnh, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - ĐBQH khóa XIV đề nghị, Công an phụ trách quản lý hành chính của huyện Anh Sơn phải giải trình trước cử tri.

Công an huyện đã vào cuộc kiểm tra, đề nghị trưởng công an xã này trả lại cho dân nhưng phần lớn người dân không nhận. Vị trưởng công an xã sau đó cũng đã bị rút ra khỏi danh sách HĐND cấp xã. Các hình thức kỷ luật sắp tới sẽ do chính quyền xã xem xét xử lý.

“Không giúp thì thôi, dù 1.000 đồng cũng không được thu thêm của người dân. Nếu có những bức xúc, phản ánh về tình hình an ninh trật tự, người dân cứ nói, nếu làm được tôi sẽ giải quyết thấu đáo ngay tại đây”, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu khẳng định với cử tri.

Các đại biểu Quốc hội trao đổi với cử tri.
Các đại biểu Quốc hội trao đổi với cử tri.

Báo cáo với cử tri huyện Con Cuông, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho hay trong buổi vận động bầu cử với cử tri huyện này cách đây 3 tháng, ông nhận được phản ánh tình trạng lô đề, bài bạc xuất hiện nhiều ở thị trấn huyện.

Ngay sau khi nhận được phản ánh, Giám đốc Công an tỉnh đã yêu cầu Phòng Cảnh sát hình sự vào cuộc làm rõ. Kết quả Công an tỉnh đã triệt phá một tụ điểm đánh bạc với hình thức lô đề, cá độ bóng đá, khởi tố vụ án, khởi tố 8 bị can, làm rõ số tiền đánh bạc hơn 70 triệu đồng.

Ngoài ra, đại tá Nguyễn Hữu Cầu cũng chỉ đạo Công an huyện Con Cuông tập trung làm rõ để triệt phá một số tụ điểm đánh bạc khác.

Cử tri thẳng thắn đề đạt, phản ánh; ĐBQH lắng nghe, tiếp nhận và xử lý với tinh thần cầu thị đã tạo nên không khí dân chủ, sinh động, tạo niềm tin cho cử tri và nhân dân. Qua đó khẳng định được vai trò đại biểu dân cử, góp phần xây dựng hoạt động của Quốc hội bám sát được hơi thở cuộc sống của nhân dân.v

Thành Duy – Tiến Hùng

TIN LIÊN QUAN