Thái độ của Trung Quốc báo hiệu điều gì ở Biển Đông

09/06/2016 18:52

Những gì đại diện Trung Quốc thể hiện ở Đối thoại an ninh châu Á cuối tuần qua cho thấy Bắc Kinh sẽ không xuống thang ở Biển Đông trong thời gian tới.

thai-do-cua-trung-quoc-bao-hieu-dieu-gi-o-bien-dong

Đô đốc Tôn Kiến Quốc, đại diện của Trung Quốc tại Shangri-la vừa qua, gửi thông điệp tới cả người dân của nước này rằng quân đội sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia. Ảnh: AFP

"Khi Đô đốc Tôn Kiến Quốc nói: Chúng tôi không tạo ra rắc rối nhưng cũng không sợ rắc rối, dường như đó là dấu hiệu Bắc Kinh sẽ không bị Mỹ ngăn cản và sẽ làm bất cứ điều gì ở Biển Đông mà họ muốn", Tiến sĩ Harry Kazianis, nghiên cứu sinh Chính sách an ninh quốc gia, Tổ chức Potomac (Potomac Foundation), Mỹ, trao đổi với VnExpress về phát biểu của ông Tôn, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc tại diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á Đối thoại Shangri-la cuối tuần qua.

Theo ông Kazianis, đại diện của Trung Quốc cũng đã nhắc đi nhắc lại rằng Biển Đông là vùng biển thuộc sở hữu của mình từ thời xưa, là lãnh thổ không thể thiếu như là "ao nhà". Trung Quốc thể hiện quyết tâm kiểm soát Biển Đông, có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Đó là "tuyên bố rất nguy hiểm", ông Kazianis nói.

Vị chuyên gia này cảnh báo Trung Quốc sẽ đưa thêm các hệ thống radar tiên tiến đến Biển Đông để bao quát hết tầm nhìn ở khu vực này, triển khai các thiết bị phòng không với số lượng lớn hơn, chất lượng cao hơn. Bắc Kinh cũng có thể điều các vũ khí chống tàu như tên lửa "sát thủ tàu sân bay" DF-21D nổi tiếng.

Tất cả những động thái này nhằm chuẩn bị để Bắc Kinh tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trong thời gian từ 12 đến 18 tháng tới, Kazianis nhận định. Thậm chí Trung Quốc có thể công bố trong vài tuần tới nếu họ cảm thấy việc kiểm soát Biển Đông bị "lỏng tay" khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines. Ông Kazianis đánh giá bây giờ câu hỏi về ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông chỉ là "khi nào", chứ không còn là "có hay không" nữa.

"Tôi quá kinh ngạc khi Đô đốc Tôn Kiến Quốc của Trung Quốc phản bác lại lập luận của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter rằng Bắc Kinh đang xây dựng bức tường cô lập", bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ, người tham dự Đối thoại Shangri-la, nói trong email gửi VnExpress.

Trong phiên mở đầu Diễn đàn An ninh châu Á hôm 4/6, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho rằng những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang cô lập nước này, trong bối cảnh khu vực đang tìm đến nhau và phối hợp hành động. Ông Carter cũng cảnh báo nếu những hành động này vẫn tiếp tục, Trung Quốc có thể tạo ra "một Vạn Lý Trường Thành tự cô lập".

Đáp trả, ông Tôn Kiến Quốc cáo buộc "một số người và quốc gia vẫn nhìn vào Trung Quốc với tinh thần Chiến tranh Lạnh", Bắc Kinh không bị cô lập mà chính "những nước xây dựng bức tường trong tâm trí mình sẽ tự bị cô lập".

Chuyên gia của CSIS nhấn mạnh đến mối lo ngại của mình về "màn trình diễn" của các đại diện Trung Quốc tại Đối thoại an ninh lần này. Đô đốc Tôn còn miêu tả các cuộc gặp song phương của ông với 17 đối tác "ấm áp và thân thiện hơn" so với những thảo luận trong năm ngoái. Đô đốc Trung Quốc cũng cho hay ông nhận được ít câu hỏi hơn trong các cuộc trao đổi về Biển Đông, điều đó cho thấy niềm tin của các nước đã tăng lên so với Đối thoại năm ngoái.

"Nếu Bắc Kinh thực sự tin rằng cách hành xử của mình trong năm qua đã dẫn đến niềm tin cậy lớn hơn rằng Trung Quốc sẽ trỗi dậy hòa bình và không gây hại đến các nước khác, thì Trung Quốc và lãnh đạo của họ thực sự tự huyễn hoặc", bà Glaser nói.

Là người trực tiếp tham dự các phiên họp, bà Glaser cho hay Đô đốc Tôn trong phát biểu của mình không hề nhắc đến cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc "không quân sự hóa Biển Đông", được đưa ra tại Washington, Mỹ hồi tháng 9 năm ngoái.

"Ông Tôn phát biểu với một tông giọng cao, chói tai, gây cảm giác dọa dẫm những người nghe trong khán phòng, đồng thời cam kết với người dân Trung Quốc rằng PLA sẽ bảo vệ những lợi ích quốc gia của nước này. Một lần nữa, những gì ông Tôn thể hiện để lại ấn tượng là Trung Quốc không quan tâm đến mối lo ngại của các nước khác và sẽ tiếp tục kế hoạch của mình ở Biển Đông bất chấp tất cả", bà Glaser nói.

Đề cập tới phán quyết sắp tới của tòa quốc tế PCA về vụ kiện của Philippines, bà Glaser bày tỏ bà lạc quan về kết quả. Bà cũng lưu ý PCA sẽ đưa ra nhận định với từng vấn đề và trông đợi phần lớn phán quyết sẽ đem lại triển vọng sáng sủa.

Ông Kazianis cũng đồng tình rằng Philippines sẽ giành lợi thế lớn trong phiên tòa của PCA. Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý "những từ ngữ trên giấy" sẽ không ngăn được Trung Quốc dấn tới đòi yêu sách ở Biển Đông. Về phía Mỹ, ông Kazianis đánh giá chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông cũng sẽ không tạo nên khác biệt, FONOP không phải là chiến lược, và Trung Quốc sẽ tiếp tục phớt lờ, đẩy mạnh việc thay đổi hiện trạng.

"Mỹ cần củng cố hợp tác với các đối tác và đồng minh, đưa ra một chiến lược toàn diện để đối phó với Trung Quốc, khi đó Bắc Kinh mới có thể lùi bước khỏi kế hoạch dự kiến là một thảm kịch lớn cho tất cả các nước ở châu Á", ôngKazianis nói.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN