Cả nước có gần 42.630 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh

15/08/2016 16:16

Công ty tư vấn quản lý chuỗi cung ứng, logistics tại khu vực Đông Nam Á- CEL Consulting vừa đưa ra nghiên cứu, nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất tại châu Á, và được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển nhanh trong tương lai. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải vượt qua “hàng rào” thách thức hiện hữu.7 tháng đầu năm, cả nước đã có gần 42.630 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh.

Sản xuất xe máy tại Công ty KymCo. Ảnh: T.H
Sản xuất xe máy tại Công ty KymCo. Ảnh: T.H

Theo CEL Consulting, tính đến cuối năm 2015, Việt Nam có hơn 600.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp 40% GDP. Mặc dù được coi là bộ phận quan trọng trong bộ máy kinh tế của Việt Nam, những doanh nghiệp vừa và nhỏ này vẫn còn những hạn chế trong năng lực cạnh tranh khi so sánh với những tập đoàn kinh doanh đa quốc gia. Điều này khiến cho không ít các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn khi đối mặt với áp lực từ các đối thủ nước ngoài, và cũng là rào cản giới hạn khả năng phát triển và tầm vóc của doanh nghiệp trong dài hạn.

Theo ông Pieter Pennings, chuyên gia CEL Consulting, phụ trách Chương trình Hỗ trợ tư vấn phát triển năng lực cạnh tranh dành cho doanh nghiệp vừa-nhỏ tại Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2016, cả nước đã có gần 42.630 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh và hoàn tất thủ tục phá sản trên tổng số 64.000 doanh nghiệp thành lập mới. Mặc dù trong 7 tháng qua đã có 16.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nhưng theo tính toán thì mỗi ngày ở Việt Nam có 200 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.

Đứng trước thực trạng trên, đâu là những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp vừa và nhỏ? ông Pieter Pennings cho rằng, những khó khăn mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải trong thời gian qua gồm:

Khó khăn trong tiếp cận vốn vay, mặc dù Chính phủ đã triển khai những chương trình hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thụ hưởng những lợi ích từ những chương trình này. Nguyên nhân chính bao gồm việc thiếu năng lực pháp lý cần thiết để thực hiện những thủ tục vay vốn phức tạp, trở ngại về thế chấp tài sản, lãi suất và thiếu vốn sản xuất kinh doanh.

Ngoài vốn vay, doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp khó khăn trong vấn đề tiếp cận và triển khai những công nghệ sản xuất, cung ứng dịch vụ và quản lý hoạt động kinh doanh. Ngoài nguyên nhân không đủ vốn để tiếp cận những công nghệ nói trên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thiếu thốn về chuyên môn và các chuyên gia hoặc nhân lực có hiểu biết phù hợp để lựa chọn và triển khai công nghệ. Không ít trường hợp các doanh nghiệp có vốn để đầu tư vào công nghệ, nhưng lại lựa chọn công nghệ không phù hợp hoặc triển khai không hiệu quả gây trở ngại trong quá trình sử dụng và thực hiện về sau.

Hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp và tồn kho cao cũng là một khó khăn lớn khác. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn thiếu năng lực nắm bắt thị trường, hiểu thị trường một cách tổng thể và xây dựng những kế hoạch đối phó với những kịch bản biến động gây khó khăn. Điều này dẫn đến việc sản xuất bị thu hẹp, hoạt động cầm chừng, không có khả năng bán được hàng hóa đã sản xuất dẫn đến tồn kho tích tụ và phát sinh chi phí. Đối với những ngành có tỷ lệ nội địa hóa thấp, phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc dự báo doanh thu và lập kế hoạch tích hợp kinh doanh và vận hành phù hợp với những biến động của thị trường và kinh tế thế giới.

Năng lực quản lý, hiểu biết về pháp lý cũng như khan hiếm nguồn nhân lực tay nghề cao cũng là yếu tố khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh và tồn tại, cũng như thực hiện những bước chuyển mình cần thiết.

Ngoài những yếu tố trên, một trong những khó khăn ít được đề cập đến của doanh nghiệp vừa và nhỏ đó là khả năng tiếp cận với nguồn lực tư vấn kiến thức và những giải pháp về cải tiến vận hành và xây dựng chiến lược, vốn được coi là những “dịch vụ của nhà giàu”. Thực trạng cho thấy quản lý chuỗi cung ứng hiện đang dần được các doanh nghiệp đa quốc gia và kể cả những doanh nghiệp quốc doanh quan tâm nhiều hơn. Hầu như mọi doanh nghiệp đều có thể tìm thấy cơ hội cái tiến trên nhiều phương diện của chuỗi cung ứng và có thể đạt được hiệu quả ngay tức thì về mặt hiệu suất, chi phí và lợi nhuận. Nhưng hiện nay những phương án tiếp cận với nguồn kiến thức về chuỗi cung ứng và chiến lược chuỗi cung ứng vấn còn hạn hẹp đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngay cả đối với Hiệp định TPP, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ không dễ gì có thể thụ hưởng được những lợi ích. Mặc dù TPP được đánh giá là có lợi cho kinh tế Việt Nam trên phương diện vĩ mô, những doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp trở ngại với nhiều yêu cầu của Hiệp định, đơn cử là yêu cầu về lưu trữ lịch sử giao dịch, quản lý giấy tờ nguồn gốc xuất xứ tối thiểu 5 năm, cũng như yêu cầu về quản lý chuỗi cung ứng và logistics.

Theo HQ Online

TIN LIÊN QUAN