Bố mẹ nên làm gì khi trẻ tăng động?

31/08/2016 09:41

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một rối loạn được biết đến từ hơn 100 năm trước, được đặc trưng bởi sự kết hợp của một hành vi hoạt động quá mức, thiếu kiềm chế với giảm chú ý rõ rệt và thiếu kiên trì trong mọi công việc.

Nhận biết trẻ bị ADHD

Trẻ tăng động: Nhận biết và dạy dỗ sao cho hiệu quả? - ảnh 1

Những trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý thường dại dột, xung động, dễ bị tai nạn và bản thân chúng cũng hay vi phạm kỷ luật do không tôn trọng các quy tắc. Các quan hệ của trẻ ADHD đối với người lớn thường thiếu kiềm chế, thiếu thận trọng và dè dặt, chúng cũng không được các trẻ khác thừa nhận và có thể trở nên bị cô lập. ADHD biểu hiện bằng 3 đặc trưng chính:

- Giảm sự chú ý: biểu hiện bằng sự bỏ dở các hoạt động trong khi chưa hoàn thành xong. Bên cạnh đó, chúng còn thường chuyển một cách nhanh chóng từ hoạt động này sang hoạt động khác, không chú ý đến công việc đang làm do bị hấp dẫn bởi một công việc khác.

- Tăng hoạt động: biểu hiện bằng các hoạt động quá mức, đặc biệt trong những trường hợp đòi hỏi sự yên tĩnh. Chúng thường chạy nhảy liên tục, hoặc đột ngột đứng dậy rời khỏi chỗ trong khi được yêu cầu ngồi yên, nói nhiều quá mức, gây ồn ào và cựa quậy không ngừng trong khi ngồi.

- Thiếu kiềm chế: biểu hiện bằng sự thiếu kiểm soát trong các mối quan hệ xã hội, sự dại dột trong những hoàn cảnh nguy hiểm, cũng như coi thường các quy tắc ứng xử.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra không chỉ do tổn thương về mặt sinh học, stress gia đình cũng là một trong những yếu tố khiến đứa trẻ dễ mắc chứng rối loạn tăng động. Tình trạng ly hôn ngày càng cao, cha mẹ làm việc suốt ngày, cha mẹ và thầy cô giáo ít quan tâm chăm sóc có thể khiến trẻ dễ bị rối loạn hơn trẻ bình thường.

Thách thức khi dạy trẻ bị tăng động

Theo bác sĩ Lâm Hiếu Minh - Khoa Tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM), dạy dỗ một đứa trẻ bình thường trở nên ngoan ngoãn, giỏi giang đã là điều không đơn giản, thì việc uốn nắn một đứa trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý là một thách thức không nhỏ.

Các bậc phụ huynh khi đã xác định con mình mắc chứng ADHD, điều cần nhất là phải nhất quán trong cách nuôi dạy cả trong gia đình, nhà trường lẫn nơi đứa trẻ được hỗ trợ về mặt tâm lý, bởi khi không thống nhất được cách dạy dỗ, mọi việc sẽ rối tung và đứa trẻ ít có cơ hội khỏi bệnh.

Chẳng hạn khi đã áp dụng biện pháp cứng rắn thì tất cả đều phải nhất quán, tránh trường hợp mẹ nghiêm khắc, cha lại nuông chiều hoặc cha mẹ đang cố gắng dạy con thì ông bà ngăn cản, không cho… hoặc đôi khi có giáo viên không hiểu rõ tăng động là gì, xem đó như một dạng của bệnh tâm thần nên tìm cách cách ly đứa trẻ. Nhiều giáo viên còn bỏ lơ luôn vì nghĩ đứa trẻ đang mắc bệnh, để mặc đứa trẻ muốn làm gì thì làm, đi đâu thì đi.

Cần chú ý các biểu hiện tăng động ở trẻ.
Cần chú ý các biểu hiện tăng động ở trẻ.

Với những đứa trẻ rối loạn tăng động không nên dùng bạo lực để dạy dỗ nhưng phải có kiểm soát kỷ luật. Dùng bạo lực chỉ khiến đứa trẻ tăng động nhiều hơn. Một khi dùng bạo lực đối với trẻ, trẻ sẽ hiểu bạo lực có thể được chấp nhận nên tính xung động của trẻ sẽ bị tác động. Tuy không dùng đòn roi, nhưng vẫn có thể áp dụng các biện pháp cứng rắn như phạt đứng góc tường hoặc cắt giảm một số quyền lợi để đứa trẻ hiểu rằng nếu mình làm như vậy là bị mất quyền lợi.

Điều trị một đứa trẻ bị ADHD cần phối hợp cả 3 phương pháp gồm: thuốc, tâm lý và giáo dục, trong đó tâm lý và giáo dục đóng vai trò then chốt. Nếu các bậc phụ huynh lơ là và nghĩ rằng khi con lớn lên bệnh sẽ hết là điều vô cùng nguy hiểm.

Trẻ bị ADHD thông minh hơn trẻ bình thường ?

Về quan niệm cho rằng những đứa trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý thường thông minh hơn so với những đứa trẻ bình thường, bác sĩ Hiếu Minh cho biết thật ra chỉ số IQ của những đứa trẻ bị ADHD và những đứa trẻ bình thường không khác biệt nhiều.

Trẻ bị rối loạn tăng động thường có thói quen đi lòng vòng trong lớp, nhưng khi cô giáo hỏi, chúng có thể trả lời một cách chính xác. Điều đó có nghĩa chỉ cần chú ý trong một khoảng thời gian cực ngắn, đứa trẻ bị ADHD có thể hiểu được vấn đề và điều đó khiến nhiều người lầm tưởng trẻ bị rối loạn tăng động thông minh nổi trội hơn những đứa trẻ bình thường.

Tuy nhiên, nếu đứa trẻ này tiếp tục tăng động giảm chú ý mà không được điều trị, không lâu sau việc học sẽ xuống dốc rất nhanh, bởi ở những cấp học nhỏ chỉ cần tập trung chú ý một ít là có thể đạt hiệu quả, nhưng càng lên lớp cao, kiến thức càng khó, nếu không tập trung được chắc chắn đứa trẻ sẽ không theo kịp và lúc đó chỉ số IQ sẽ bị ảnh hưởng theo.

Muốn điều trị thành công một đứa trẻ bị rối loạn tăng động, trung bình mất khoảng 6 - 12 tháng và bệnh vẫn có khả năng tái phát nếu mất đi sự kiểm soát từ phía cha mẹ, nhà trường, người trị liệu.

Theo TNO

TIN LIÊN QUAN