Sáu điều các tòa soạn báo có thể học từ các doanh nhân

01/07/2016 06:18

Mùa Thu năm ngoái, các tài xế taxi ở thành phố New York đã khởi kiện Uber vì đã cướp mất miếng cơm manh áo của họ.

Chủ những chiếc xe màu vàng nói rằng chỉ họ mới có quyền cung cấp dịch vụ chở khách có trả tiền từ nơi này đến nơi khác. Họ khẳng định Uber đã phá vỡ quy tắc đó và khiến chủ sở hữu, tài xế và người thuê taxi bị loại ra khỏi ngành kinh doanh.

Ảnh minh họa. (Nguồn: editorandpublisher.com)
Ảnh minh họa. (Nguồn: editorandpublisher.com)

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các phóng viên, biên tập viên, nhiếp ảnh gia, nhân viên điều hành tòa soạn và nhân viên quảng cáo có thể kiện “Internet” vì đã cướp công ăn việc làm của họ?

Thực tế là không có biện pháp nào như vậy tồn tại dành cho các nhà báo và những người làm nghề báo.

Có nhiều điểm tương đồng giữa cuộc đối đầu “Uber và Taxi” và “Báo chí truyền thống với Báo điện tử.” Các công ty taxi nghĩ họ làm chủ thị trường. Nhưng bất cứ ai suy nghĩ logic đều biết rằng ý tưởng đứng ở một góc thành phố và hy vọng một chiếc taxi chạy qua là một mô hình kinh doanh đã lỗi thời. Uber và Lyft đã thích nghi với nhu cầu về phương tiện di chuyển nhờ sự hỗ trợ của điện thoại di động.

Và cũng theo những cách tương tự, những người làm báo đã phí hoài hầu hết thời gian của thập niên 90 mà không hiểu được về cơ bản, trang web và các thiết bị di động sẽ loại bỏ các mô hình quảng cáo và tin tức của họ như thế nào.

Vì không có ai để kiện, nên báo chí phải tìm cách thích nghi với tình hình. Nhiều doanh nghiệp báo chí ở Mỹ hàng ngày nghĩ rằng công việc của họ được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất.

Nhưng thực tế điều luật đó chỉ bảo vệ một số khía cạnh nhất định của báo chí, và không làm gì để bảo vệ lợi nhuận của các tòa báo.

Trong khi đó, các doanh nhân không bao giờ để bản thân bị lừa dối bằng suy nghĩ doanh nghiệp của mình được chính phủ bảo vệ bằng bất cứ quy định nào.

Thay vào đó, các công ty báo chí có thể học hỏi nhiều điều từ cách kinh doanh của những doanh nhân này nếu muốn sống sót.

Dưới đây là 6 điều mà các tòa báo có thể tham khảo từ giới kinh doanh (theo Editor and Publisher).

1. Lợi nhuận không phải là một từ cần tránh nói tới

Vạch ngăn cách giữa các tòa soạn và phần còn lại của giới kinh doanh đã bắt đầu thu hẹp lại. Những câu nói đùa về việc đi về “phía tối” (bộ phận quảng cáo) cần chấm dứt. Những tư tưởng cản trở tiêu cực giữa các bộ phận trong tòa soạn cần được loại bỏ. Các nhà báo ngày nay cũng phải là những doanh nhân.

2. Những doanh nghiệp thành công đều cống hiến cho cộng đồng

Thế giới của những nhà báo làm việc không biết mệt mỏi rất đáng ngưỡng mộ. Nhưng đôi khi những khoảnh khắc đẹp nhất của nghề báo lại xuất hiện khi tòa báo cống hiến cho cộng đồng, qua những giải thưởng hay học bổng. Những hành động này đều được cộng đồng ghi nhận.

3. Các nhà báo không phải là những người duy nhất muốn cứu thế giới

Những người làm việc trong các doanh nghiệp phi lợi nhuận đều rất tận tâm và - tin hay không tùy bạn - được trả lương không bằng các nhà báo.

“Cái tâm” là điều rất quan trọng trong quá trình đổi thay hoạt động kinh doanh của các tòa báo.

4. Sở hữu một doanh nghiệp khó hơn nhiều so với việc có một vị trí được trả lương hay làm theo giờ

Bạn trả công cho những lợi ích mình nhận được. Bạn sửa máy in khi nó hỏng. Bạn đuổi theo đòi tiền những người nợ bạn. Làm một nhà báo hay nhà xuất bản đều rất vất vả, nhưng tất cả không thể so sánh với thời gian và công sức bạn bỏ ra khi làm chủ một doanh nghiệp.

Chúng ta cần hành động giống như mình làm chủ tờ báo hơn và đừng chỉ hành động như một nhân viên của tòa báo. Sự tận tâm đó rất cần thiết trong thời đại ngày nay.

5. Có lý do khiến nhiều chủ doanh nghiệp đều bảo thủ

Họ đều chán ngấy thói quan liêu của chính quyền. Khi viết séc nộp thuế hàng quý, họ bắt đầu tự hỏi họ sẽ làm gì với tiền của họ. Hiện có ít nhà báo hoạt động như người giám sát chi tiêu chính phủ, nhưng nếu bạn muốn có được sự trung thành của cộng đồng, bạn phải đứng ở vị trí cao hơn những kẻ vô lại.

6. Những công ty tốt nhất đều nhanh chóng phản ứng với những thay đổi trên thị trường

Nhiều công ty đã làm tốt việc dự đoán được nhu cầu của khách hàng. Các tòa báo đã phải chịu đựng hậu quả của những cách tiếp cận kinh doanh “đủ tốt” suốt nhiều năm thay vì suy nghĩ và dự đoán khách hàng của họ sẽ mong muốn có gì.

Đã đến lúc bắt đầu động não xem “Điều gì cần làm tiếp theo" chứ không phải bắt chước cái đã có?

Theo Viet namplus

TIN LIÊN QUAN