Đạo đức và trách nhiệm của nhà báo
(Baonghean.vn) -Trong ngập tràn những lời chúc mừng, chia sẻ, trong rực rỡ muôn sắc hoa ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, xã hội có dịp tôn vinh những người làm báo dám xả thân vì sự nghiệp, sẵn sàng có mặt ở mọi nơi để kịp thời thông tin những vấn đề nóng bỏng của đất nước.
Xã hội phát triển, người làm báo có thể đỡ vất vả hơn, nhưng người cầm bút cũng phải đối mặt với nhiều mối quan hệ phức tạp, nguy hiểm hơn, đòi hỏi mỗi người phải luôn trau dồi đạo đức, tinh thần dấn thân vì sự nghiệp, sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách để hoàn thành trách nhiệm cao cả của mình.
Với bề dày truyền thống hơn 90 năm, những người làm báo Việt Nam có quyền tự hào về sự lớn mạnh của nền báo chí nước nhà. Thời kháng chiến, vừa cầm bút, vừa cầm súng, nhiều nhà báo - chiến sĩ đã có mặt ở tuyến đầu, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, những người làm báo đã trở thành cầu nối đưa đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, tuyên truyền cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, động viên mọi tầng lớp nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Ảnh minh họa |
Báo chí trở thành một lực lượng xung kích trên mặt trận đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn, tiêu cực xã hội; thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo; phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ; nhà báo còn là những nhà ngoại giao trên mặt trận thông tin để thế giới hiểu hơn về Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, nhiệt thành xây dựng thế giới tiến bộ, văn minh, hạnh phúc...
Một nhà báo tốt không chỉ biết giữ cho “tròn mình”, mà phải nhạy bén trong việc phát hiện vấn đề. Đồng thời phải có bản lĩnh để "bắt mạch” cuộc sống, biết cách thông tin phù hợp, hiệu quả. Làm sao để tác phẩm báo chí có sức sống, lay động dư luận xã hội, được công chúng đồng tình ủng hộ. Hay nói khác hơn là bằng sự công phu, bằng trí tuệ và lòng say mê nghề nghiệp, nhà báo chân chính phải làm tròn trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình để không phụ lòng tin, sự kỳ vọng của nhân dân. Đó chính là đạo đức dấn thân của nhà báo.
Trong thời đại kỷ nguyên số, làm báo có thuận lợi hơn nhờ sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ hiện đại; thông tin cũng nhiều hơn, điều kiện tiếp cận vấn đề cũng dễ dàng, phong phú hơn. Tuy nhiên, đâu là bản chất, là hiện tượng, đâu là những vấn đề cần phân tích, lý giải, phản biện để định hướng dư luận...thì lại tùy thuộc vào khả năng nắm bắt, nhận định và bản lĩnh của mỗi nhà báo trước một môi trường đầy rẫy thông tin.
Nghề nào cũng cần có đạo đức nghề nghiệp. Nhưng với người làm báo thì đạo đức nghề nghiệp càng phải được đề cao, vì sản phẩm của nhà báo tác động đến nhiều người, nhiều thành phần trong xã hội, mang tính đặc thù về nhận thức, tư tưởng, đạo đức. Thiếu thận trọng, chạy theo những nhu cầu rẻ tiền, đưa tin giật gân, câu khách trên báo chí sẽ để lại những hậu quả khôn lường, không dễ khắc phục. Trách nhiệm xã hội của nhà báo vì thế, luôn được đề cao thành một chuẩn mực đạo đức không thể thiếu của người cầm bút.
Có thể đâu đó vẫn có nhà báo hoặc những kẻ mang danh nhà báo có hành vi vòi vĩnh, thậm chí là tống tiền doanh nghiệp. Nhưng đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Đa số các nhà báo vẫn vững vàng, kiên định lập trường, càng không thể có kiểu nhà báo “hai mặt”. Ở đâu có sự kiện, ở đó có nhà báo. Họ cũng sát cánh cùng chiến sĩ ở Hoàng Sa, Trường Sa trong những ngày “ nóng” nhất. Họ cũng lặn lội đêm hôm cùng bộ đội biên phòng, cảnh sát biển và các lực lượng khác trên mặt trận chống buôn lậu gian lận thương mại; họ sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy khi xông pha vào mặt trận đấu tranh chống tham nhũng, tệ nạn xã hội, cướp của giết người, bảo vệ công lý, lẽ phải. Nhà báo đã viết, đã chiến đấu bảo vệ cái đúng là luôn chính trực, là chiến đấu đến cùng!
Kiến thức giúp nhà báo điềm tĩnh để phát hiện ra những bất thường trong chuỗi sự kiện mà thoạt nhìn, tưởng chừng như hợp lý. Cái tâm trong sáng, bản lĩnh chính trị sẽ giúp nhà báo vững tin hơn với bản thân mình, không tính toán thiệt hơn trong công việc mà sẵn sàng dấn thân vì nghề nghiệp, tránh xa những cám dỗ tầm thường. Đó là đạo đức, là trách nhiệm của nhà báo trước vận mệnh của đất nước, của nhân dân!
Vân Thiêng