Kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức quyền bằng cách nào?

26/06/2016 07:54

Kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức quyền sẽ trở nên vô nghĩa nếu như không kiểm soát được sự lưu chuyển cả dòng tiền hay tài sản trong xã hội.

Kiểm soát được tài sản, thu nhập không chỉ giúp ích cho công tác phòng chống tham nhũng mà còn chống được rửa tiền, trốn thuế, cho vay nặng lãi, trốn nghĩa vụ thi hành án dân sự, chống sở hữu chéo ngân hàng, chuyển dịch tài sản bất hợp pháp…Với nhiều lợi ích kép như vậy, biện pháp kiểm soát tài sản thu nhập cần được thực hiện như thế nào để phát huy tác dụng. Đây là nội dung được các chuyên gia quan tâm đề xuất.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức được xem là biện pháp hữu hiệu để kiểm soát tình hình nhưng việc thực hiện các quy định hình thức và mang tính đối phó. Ông Nguyễn Khắc Chanh, nguyên Chánh thanh tra tỉnh Nam Định cho rằng việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật thường vướng mắc: "Kê khai quan trọng nhưng người dân không biết. Kê khai thì nhiều nhưng thẩm tra xác minh thì ít, tài liệu mật, khi được giao thì mới thẩm tra, xác minh hoặc có đơn thư khiếu nại tố cáo mới xác minh. Mình không quy định nên không phải tự dưng bới việc ra mà làm. Quy định về kê khai tài sản chưa tự giác, còn hình thức. Bản kê khai không chính xác".

Ông Bùi Ngọc Thanh, nguyên chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị: "Tôi nghĩ là phải công khai và sau một nhiệm kỳ kê khai lại và từ đó có thể thấy cán bộ trong sáng đến mức độ nào, liêm khiết như thế nào, có tham nhũng không. Nếu không kiểm tra, minh bạch thì vẫn tiếp tục lùng nhùng. Người đứng đầu và cấp trên một cấp phải có trách nhiệm rõ ràng hơn trong việc đảm bảo việc tổ chức việc kê khai làm chặt chẽ hay không".

Theo các chuyên gia, việc kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ quyền hạn sẽ trở nên vô nghĩa nếu như không kiểm soát được sự lưu chuyển cả dòng tiền hay tài sản trong xã hội. Điều này đã được giải đáp từ rất nhiều những vụ án tham nhũng lớn, hầu như tài sản tham nhũng đã được chuyển giao cho người thân, họ hàng hoặc thậm chí chuyển ra nước ngoài.

Vì vậy, xác định trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập không chỉ là của người có chức vụ quyền hạn mà của bất kỳ ai. Có nghĩa, bất kỳ một công dân nào cũng phải sẵn sàng trả lời hay giải trình trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền về một khoản tiền hay tài sản nào đó mà cơ quan đó thấy rằng có dấu hiệu không bình thường. Để làm được điều đó, cần quan tâm hơn đến việc tạo ra các công cụ để kiểm soát toàn bộ xã hội như thông qua công cụ thuế, sử dụng mọi thanh toán qua tài khoản, hạn chế tiền mặt.

Về nghĩa vụ giải trình phần nguồn gốc tài sản tăng thêm, hiện nay, chúng ta đang gặp khó bởi thực tế rất khó xác định các khoản thu nhập ngoài lương của cán bộ, công chức. Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho rằng một số biện pháp cần phải lưu ý khi thực hiện: "Để hoàn thiện chế định kiểm soát tài sản thu nhập, chi tiêu giá trị lớn phải qua tài khoản, phải giải trình tài sản tăng thêm đối với tất cả những người có chức vụ quyền hạn và cần tạo cơ chế tịch thu tài sản bất hợp pháp. Ví dụ như ở Indonesia, nếu giao dịch mang tính bình thường thì nhà nước có nghĩa vụ chứng minh nhưng với giao dịch lớn hàng chục tỷ thì nghĩa vụ chứng minh phải là người có tài sản".

Các chuyên gia cũng khuyến nghị cần tăng tính độc lập của các cơ quan phòng chống tham nhũng với cơ chế giám sát hiệu quả. Đồng thời, pháp luật cần tạo ra cơ chế thực thi mạnh mẽ hơn với khả năng áp dụng chế tài và quy định những trường hợp có thể áp dụng tịch thu tài sản phạm tội không nhất thiết dựa trên bản án hình sự./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN