Cân đối định mức kinh phí chi trả cho người nấu ăn tại các trường bán trú

09/08/2016 06:45

(Baonghean.vn- Cử tri huyện Con Cuông phản ánh: Các trường mầm non trên địa bàn huyện đang thực hiện chế độ bán trú cho học sinh. Tuy nhiên “cô dinh dưỡng” không có quy định được hưởng trợ, phụ cấp mà do phụ huynh đóng góp. Trong khi Con Cuông là huyện miền núi, đời sống người dân còn rất khó khăn, đề nghị tỉnh hỗ trợ.

Vấn đề này, UBND tỉnh trả lời như sau:

Thông tư số liên tịch 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập quy định:

- Về định mức số lượng người làm việc: Gồm Hiệu trưởng, Hiệu phó, giáo viên và tối đa không vượt quá 02 người để thực hiện nhiệm vụ về kế toán, văn thư, y tế, thủ quỹ;

- Về lao động hợp đồng: Nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non có tổ chức bán trú thì được hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ nấu ăn như sau: Cứ 35 trẻ nhà trẻ hoặc 50 trẻ mẫu giáo thì được ký 01 lao động hợp đồng để bố trí vào vị trí nấu ăn.

Giờ ăn trưa của học sinh bán trú, ảnh minh họa ,Đào Thọ
Giờ ăn trưa của học sinh bán trú (Ảnh minh họa: Đào Thọ)

Như vậy, trong trường mầm non chỉ có lao động hợp đồng nấu ăn chứ không có khái niệm “cô dinh dưỡng”, không được giao trong định mức số người làm việc nên không được tính khi giao biên chế quỹ lương.

Người nấu ăn hiện nay do Hiệu trưởng ký hợp đồng thuê khoán. Tuy nhiên còn có khó khăn bất cập:

- Việc chi trả tiền công cho người nấu ăn ở các trường chưa có sự thống nhất do phụ thuộc vào nguồn kinh phí của đơn vị

- Về nguồn kinh phí chi trả: Một số trường đã sử dụng kinh phí hoạt động của trường do ngân sách cấp và phần thu từ học phí. UBND một số huyện đã cân đối hỗ trợ kinh phí (tăng thêm trong kinh phí hoạt động để chi trả); còn lại hầu hết các trường thực hiện vận động sự đóng góp của cha mẹ học sinh do nguồn ngân sách cấp cho các đơn vị thấp, không đủ để chi trả

- UBND tỉnh không giao chỉ tiêu hợp đồng người nấu ăn vì không có trong qui định định mức số người làm việc, nên không đủ cơ sở để hỗ trợ kinh phí;

- Do nguồn kinh phí không ổn định nên liên ngành cũng chưa có hướng dẫn việc lao động hợp đồng nấu ăn (tiêu chuẩn, trình độ nghề nghiệp) và chi trả tiền công để có sự thống nhất thực hiện trong toàn tỉnh.

Học sinh Đan Lai tại điểm trường bán trú Cò Phạt ( Trường tiểu học Môn Sơn- Con Cuông), ảnh minh họa
Học sinh Đan Lai tại điểm trường Cò Phạt ( Trường tiểu học Môn Sơn- Con Cuông) Ảnh minh họa

Hướng xử lý:

Tại Thông báo số 184/TB-UBND ngày 31/3/2016 của UBND tỉnh Nghệ An thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường tại buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh đồng ý chủ trương và giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ và Sở Tài chính để tham mưu UBND tỉnh ban hành hướng dẫn định mức về số lượng, mức lương, cơ chế hợp đồng và thu chi để các đơn vị thực hiện bố trí và dự toán kinh phí đối với người nấu ăn ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, dân tộc bán trú và các trường mầm non công lập và các nhân viên hợp đồng theo Nghị định 68/NĐ-CP trong các cơ sở giáo dục theo đúng quy định hiện hành và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra tại trường Tiểu học Lục Dạ 2, Con Cuông
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra tại trường Tiểu học Lục Dạ 2, Con Cuông (Ảnh minh họa: Mỹ Hà)

Sở Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Sở Nội vụ và Sở Tài chính để triển khai thực hiện Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh.

Trong khi chưa có quy định của UBND tỉnh, đề nghị UBND các huyện: Khi phân khai kinh phí hoạt động hàng năm cho các đơn vị trường học, tùy theo khả năng ngân sách, tạm thời cân đối định mức kinh phí chi trả cho người nấu ăn các trường theo số lượng học sinh bán trú, tạo điều kiện cho các trường được chủ động trong việc hợp đồng, chi trả lương và thanh toán.

P.V

(tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN