Cơ hội làm giàu từ phục hồi thương hiệu cam Bãi Phủ

22/06/2016 15:55

(Baonghean) - Để tạo cơ hội làm giàu và khẳng định vị thế kinh tế của cây cam ở nơi từng được mệnh danh là “thủ phủ” cam ngon xứ Nghệ, xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn) đang triển khai đề án phục hồi thương hiệu cây cam Bãi Phủ. Tín hiệu vui này đang thu hút sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của các cấp ngành từ tỉnh, huyện xuống tận địa phương.

Những ngày cuối tháng 6, trời nắng như đổ lửa, nhưng những vườn cam sắp vào mùa kinh doanh của thôn Tháng Tám thuộc Nông trường Bãi Phủ, xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn) vẫn xanh ngắt, tràn trề sức sống. Vườn cam của ông Bùi Văn Tiến ở Cửa Thung hiện có 250 gốc giống cam Xã Đoài, được trồng hơn 27 tháng, nay bắt đầu bước vào giai đoạn kiến thiết cơ bản. Ông Tiến chia sẻ: Vùng Cửa Thung có 4 hộ cùng đầu tư mô hình trồng cam theo đề án phục hồi cam Bãi Phủ do xã triển khai.

Hệ thống điện, giếng khoan tại vùng trồng cam theo dự án khôi phục thương hiệu cây cam Bãi Phủ được đầu tư đồng bộ.
Hệ thống điện, giếng khoan tại vùng trồng cam theo dự án khôi phục thương hiệu cây cam Bãi Phủ được đầu tư đồng bộ.

Mỗi hộ đóng góp 40 triệu đồng đầu tư hệ thống máy móc, giếng khoan, kéo đường dây điện, xây dựng hệ thống cọc tường rào bằng bê tông có thép gai... giúp bảo vệ vườn cam. Toàn thôn Tháng Tám có 20 hộ trồng cam theo đề án, trong đó 10 ha bắt đầu vào giai đoạn kinh doanh, 10 ha kiến thiết cơ bản, năm thứ nhất, thứ hai. Nhờ đầu tư quy hoạch vùng, hệ thống tưới và điện lưới đảm bảo nên bà con hoàn toàn chủ động trong trồng cam, tránh được rủi ro, cam phát triển tốt, quả sai, tròn đều, dự báo mùa thu hoạch bội thu.

Vườn cam liên gia của các ông Nguyễn Đức Thân và Nguyễn Hữu Thắng thuộc thôn 3/2, xã Đỉnh Sơn hiện có 800 gốc cam được trồng cách đây 3 năm. Theo ông Thân, cam là cây trồng khẳng định tính thích nghi và thương hiệu từ thời kỳ trước. Tuy nhiên, phải đến giai đoạn trồng theo đề án khôi phục như hiện nay thì bà con mới chủ động đầu tư toàn diện và thâm canh một cách khoa học. Nhờ chăm sóc tốt nên vườn cam của ông Thân có thể đạt năng suất 40 tấn/ha, với giá bán 40.000 - 60.000 đồng/kg, trồng cam có thu nhập gần 400 triệu đồng/ha, tăng gấp 7,8 lần so với nhiều cây trồng hàng hóa nông nghiệp khác…

Với tiềm năng của dải đá vôi chạy dài khá bằng phẳng tạo chất đất đặc trưng tại Nông trường Bãi Phủ là điều kiện tự nhiên thuận lợi và thích nghi cho cây cam phát triển, tạo chất lượng cam thơm, ngọt đậm, hình thức đẹp, quả chín nám da đồng, ruột vàng tươi rất được giá. Tuy nhiên, sau một thời gian thương hiệu cam ở đây dần mai một. Trước thực trạng này, năm 2013 Đảng ủy, chính quyền xã Đỉnh Sơn xây dựng đề án khôi phục thương hiệu cam Bãi Phủ, quy mô triển khai gồm 3 thôn: thôn Tháng Tám, thôn 3/2 và thôn Bồng Khê (giáp ranh Con Cuông), thời gian thực hiện bắt đầu từ năm 2011. Các giống cam được lựa chọn để triển khai đề án gồm Xã Đoài, Vân Du và V2. Đây là những bộ giống cam có nhiều tính năng tốt, phù hợp với chất đất, khí hậu và tập quán canh tác của bà con.

0
Mô hình trồng cam theo dự án phục hồi cây cam Bãi Phủ được đầu tư hệ thống nước, điện đảm bảo

Khôi phục thương hiệu cam Bãi Phủ là một việc làm thiết thực cho việc xây dựng thương hiệu cam xứ Nghệ. Đây cũng là trăn trở trong nhiều năm liền của chính quyền huyện Anh Sơn nói chung và xã Đỉnh Sơn nói riêng. Ông Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn cho biết: Trong quá trình thực hiện đề án khôi phục cây cam Bãi Phủ, nhờ định hướng được nhân dân, tập trung chỉ đạo quyết liệt nên các hộ trồng cam đều mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư hệ thống điện lưới, giếng khoan, hệ thống cọc rào bảo vệ bằng thép gai B40, công tác cày bừa, chăm sóc chủ yếu đều được làm cơ giới hóa thay thế sức lao động thủ công.

Năm 2013, có 20 hộ trồng cam theo đề án được Hội Nông dân tỉnh cho vay 600 triệu đồng, bình quân 30 triệu đồng/hộ. Đến nay, việc đầu tư trồng, khôi phục thương hiệu cam Bãi Phủ đang được các cấp, ngành và địa phương quan tâm đẩy nhanh tiến độ. Các hộ trong vùng dự án đã trồng, quy hoạch đạt 48 ha cam, hiện cam đang trong giai đoạn phát triển tốt, đa phần sắp bước vào kinh doanh, thu hoạch với dự báo năng suất và chất lượng vượt trội.

1
Vườn cam 3 năm tuổi của hộ ông Nguyễn Văn Hòa-Cửa Thung-Thôn Tháng 08 sắp bước vào giai đoạn kinh doanh

Tuy nhiên, qua trao đổi với nhiều hộ dân trồng cam trong việc xây dựng mô hình theo đề án khôi phục thương hiệu cam Bãi Phủ, thì bà con còn gặp nhiều khó khăn trong trả nợ và đầu tư. Mong muốn của bà con là xin được gia hạn hợp đồng vay vốn thêm 2 năm để có cơ hội quay vòng vốn và tái đầu tư mô hình. Đem những thắc mắc trên trao đổi với ông Nguyễn Hữu Nhị - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, được biết: Đến nay, tỉnh hội chưa nhận được văn bản đề xuất cụ thể từ huyện, xã về những vướng mắc trên của người trồng cam.

Tuy nhiên, theo quan điểm chỉ đạo chung thì dự án hỗ trợ vốn đầu tư phục hồi thương hiệu cây cam Bãi Phủ ở xã Đỉnh Sơn được sử dụng từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân do Trung ương Hội Nông dân ủy thác cho vay, thời hạn cho vay 3 năm theo hình thức không lãi suất (chỉ thu phí quản lý). Trong quá trình đầu tư, tỉnh hội nhận thấy Nông trường Bãi Phủ là vùng đất tốt, đã khẳng định cho thương hiệu cây cam Bãi Phủ một thời. Việc đầu tư cho cây cam đòi hỏi khắt khe về vốn, KHKT và về kỹ năng thâm canh.

Các hộ trồng cam theo dự án đa phần được lựa chọn là những công nhân nông trường Bãi Phủ, có kỹ năng và truyền thống chăm sóc cam tốt, có quỹ đất phát triển cây cam phù hợp. Mặt khác, theo điều lệ quỹ thì việc gia hạn vay vốn của các hộ là không có trong quy định. Bởi vậy, quan điểm của Hội Nông dân tỉnh là tiếp tục rút nguồn vốn đầu tư của 20 hộ này để tiếp tục đầu tư mở rộng cho 10 - 20 hộ nông dân chưa có cơ hội vay vốn nhằm lan tỏa, nhân rộng mô hình đầu tư, khôi phục thương hiệu cam Bãi Phủ.

Bài, ảnh: Lương Mai

TIN LIÊN QUAN