Nghệ An thực hiện hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội
(Baonghean) - Nghệ An là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Trần Khắc Hùng - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An.
P.V: Ngày 22/11/2014, Thường trực Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; ông có thể cho biết việc triển khai thực hiện ở Nghệ An như thế nào?
Ông Trần Khắc Hùng: Sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH), ngày 17/6/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 29-CT/TU và ngày 30/7/2015, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 463/KH - UBND. Tiếp theo đó là cấp ủy, chính quyền các cấp cơ sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo và kế hoạch tổ chức, triển khai thực hiện; tuyên truyền sâu rộng tinh thần nội dung của chỉ thị đến từng tổ chức Đảng, đơn vị, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội Diễn Châu giải ngân nguồn vốn cho bà con Diễn Lâm- Ảnh: Việt Phương |
Chỉ thị 29-CT/TU của BTV Tỉnh ủy yêu cầu: các cấp ủy đảng, chính quyền cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng CSXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của các cấp ủy, địa phương; tập trung huy động các nguồn lực cho tín dụng CSXH gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Hàng năm UBND tỉnh, huyện, thành, thị dành một phần từ nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn (UBND tỉnh mức tối thiểu 8 tỷ đồng/năm; UBND cấp huyện mức tối thiểu 200 - 500 triệu đồng/năm).
Cán bộ Ngân hàng CSXH và xã Châu Hội (Quỳ Châu) tư vấn người dân về vay vốn sản xuất - kinh doanh. |
Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác tuyên truyền và tập hợp lực lượng; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng CSXH; hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn; hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả; lồng ghép với các chương trình, dự án của các tổ chức chính trị - xã hội; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu… Đẩy mạnh cuộc vận động vì người nghèo để huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân bổ sung vốn cho tín dụng chính sách xã hội...
P.V: Ông có thể nói rõ hơn về kết quả cụ thể?
Ông Trần Khắc Hùng: Sau hơn 1 năm thực hiện, Chỉ thị đã thực sự đi vào đời sống một cách thiết thực, có tác động rất lớn đến hiệu quả hoạt động của tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh nhà. Nhìn chung cấp ủy và chính quyền các cấp đã nhận thức rõ hơn vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng CSXH, đã quan tâm trích ngân sách bổ sung nguồn vốn cho vay; tạo điều kiện thuận lợi để NHCSXH tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách; chú trọng ưu tiên vốn cho vùng sâu, vùng xa, vùng có đối tượng chính sách lớn; coi trọng nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, thực hiện nhiều giải pháp để thu nợ quá hạn, đặc biệt là các trường hợp khách hàng có khả năng trả nợ nhưng chây ỳ, dây dưa; kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại địa phương.
Anh Vi Văn Đào ở bản Muồng xã Châu Kim vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội mua máy cày đa năng phục vụ sản xuất - kinh doanh |
Kết quả cụ thể đạt được đó là: Trong 8 tháng đầu năm ngân sách địa phương đã trích chuyển được 15,1 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 8 tỷ đồng, ngân sách huyện 7,1 tỷ đồng, lũy kế đến nay nguồn vốn ngân sách địa phương đã trích lập được 86 tỷ đồng. Các địa phương thực hiện tốt là TP. Vinh, Nam Đàn, Đô Lương, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Tân Kỳ…
Đặc biệt, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác từ tỉnh đến thôn (bản) đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm, chủ động vào cuộc một cách tích cực, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ nhận ủy thác như: làm tốt công tác thông tin tuyên truyền; thành lập, củng cố kiện toàn và nâng cao chất lượng mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn; chỉ đạo tổ chức thực hiện bình xét đối tượng vay vốn đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch, chính xác; hướng dẫn lập hồ sơ, thủ tục vay vốn, hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro; tăng cường công tác kiểm tra sử dụng vốn vay; đôn đốc thu nợ, thu lãi và vận động các hộ vay vốn gửi tiền tiết kiệm hàng tháng...
Việc triển khai tốt tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh nhà…
P.V: Để đáp ứng yêu cầu tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, nhất là thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, thì trong thời gian tới, cần thực hiện như thế nào?
Ông Trần Khắc Hùng: Nghệ An là một tỉnh lớn, dân số đông, đối tượng chính sách nhiều, nhu cầu vay vốn của người dân là rất lớn… Trong khi đó, nguồn vốn tín dụng CSXH chưa thực sự ổn định, cơ cấu chưa hợp lý, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; chất lượng tín dụng chưa đồng đều. Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chỉ thị này, trong thời gian tới đòi hỏi cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cơ sở phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn; quan tâm tập trung nguồn lực, bổ sung nguồn vốn, hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện cho NHCSXH hoạt động ổn định, bền vững. Các cơ quan, ban ngành trên địa bàn, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác từ tỉnh đến thôn (bản) cùng chung trách nhiệm, phối hợp với NHCSXH để tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách và góp phần to lớn vào kết quả thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và an sinh trên địa bàn.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Đến ngày 15/8/2016, Ngân hàng CSXH Nghệ An đạt doanh số cho vay 1.378 tỷ đồng với 47 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay; so với cùng kỳ năm trước tăng 380 tỷ đồng, bằng 138%. Trong đó: cho vay hộ nghèo 450 tỷ đồng, hộ cận nghèo 354 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 186 tỷ đồng, nước sạch VSMTNT 126 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 15/8/2016 đạt 6.551 tỷ đồng, tăng 347 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước và tăng 95 tỷ đồng so với đầu năm, tăng trưởng 2,4%. |
Hoàng Vĩnh
TIN LIÊN QUAN |
---|