Rạp 12/9, điểm hẹn đôi lứa
(Baonghean.vn) - Nói đến ăn uống thì Kem Quang Trung là thương hiệu nổi tiếng, còn nói đến địa điểm vui chơi của thành phố người ta không thể không nói đến Rạp 12/9. Đây chính là điểm hẹn của bao lứa đôi yêu nhau thời ấy.
Rạp 12/9 nổi tiếng đến mức những thanh niên Quang Trung đến tuổi cập kê, đến chơi nhà bạn gái chỉ cần giới thiệu ngắn gọn:
- Nhà cháu ở Quang Trung, gần Rạp 12/9.
Nghe thế, dễ người ta liên tưởng đến khu phố tài chính Wall nhộn nhịp của thành phố New York. Rạp được xây dựng từ năm 1963, khi thị xã Vinh được nâng cấp lên đô thị hạng 3. Buổi khai trương đúng vào ngày 12/9/1964, kỷ niệm 34 năm Ngày Xô - viết Nghệ Tĩnh bằng bộ phim nhạc kịch “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” do Hãng phim Bát Nhất (Trung Quốc) giúp ta sản xuất.
Rạp 12/9 - địa điểm quen thuộc của thanh niên TP Vinh thời bấy giờ. |
Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ ngày 5/8/1964, máy bay Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, thành phố Vinh trong đó có Rạp 12/9 trở thành trọng điểm bị dội bom liên tục suốt ngày đêm. Tiền sảnh rạp bị trúng bom, Ty văn hóa Nghệ An quyết định thành lập các đội chiếu bóng lưu động để phục vụ đồng bào, chiến sĩ sơ tán ở các vùng nông thôn. Phải mất 10 năm, đội chiếu bóng lưu động 12/9 đi khắp các huyện nông thôn Nghệ An để chiếu các bộ phim nhựa động viên chiến sĩ, đồng bào nắm chắc tay súng bảo vệ quê hương.
Mãi đến năm 1974, khi hòa bình lập lại thì chính quyền mới có điều kiện tu bổ tạm thời Rạp 12/9 trở thành địa chỉ văn hóa cho thành phố Vinh. Năm 1978, khi nước bạn Cộng hòa dân chủ Đức viện trợ không hoàn lại từ khâu quy hoạch, thiết kế và xây dựng khu Quang Trung thì Rạp 12/9 vinh dự được quy hoạch thành điểm nhấn của khu nhà tầng. Rạp 12/9 được xây lại theo chuẩn quốc gia 600 ghế, âm thanh vòm lập thể cùng hệ thống âm thanh, máy chiếu hiện đại bậc nhất thời bấy giờ.
Vào năm 1978, thành phố Vinh được Chính phủ CHDC Đức giúp đỡ, Vinh được quy hoạch, kiến thiết xây dựng lại đàng hoàng to đẹp hơn trên đống đổ nát, hoang tàn sau chiến tranh. Rạp 12- 9 cũng được đầu tư được xây dựng lại với quy mô hiện đại theo tiêu chuẩn của một rạp chiếu bóng quốc gia. Trang thiết bị được lắp đặt loại máy chiếu phim SÊNONL tiên tiến của Đức, phòng chiếu với 600 ghế ngồi, và sau này được nâng cấp hệ thống máy chiếu Critsty, âm thanh vòm lập thể của Mỹ theo chuẩn quốc tế.
Trung tâm điện ảnh đa chức năng 12/9 hiện nay. |
Sau khi Rạp Ngã sáu bị xóa bỏ, thành phố lúc ấy chỉ còn lại Rạp Cửa Đông và Rạp 12/9 do Ty văn hóa Nghệ An quản lý. Thưở ấy, khi tivi còn là tài sản xa xỉ, mỗi tuần Đài truyền hình Nghệ An chỉ phát sóng 3 buổi thì xem phim trở thành thú tiêu khiển, giải trí của người dân. Nếu không quen biết thì phải xếp hàng chầu chực mấy tiếng đồng hồ mới có trong tay cặp vé xem phim Rạp 12/9. Nếu như đang cưa cẩm mà cô nàng nào còn lừng khừng mà kiếm được vé xem phim vào tối thứ 7, y như rằng không quá 2 tuần sẽ “đưa nàng về dinh”.
Tôi còn nhớ mãi cảm giác khi được đoạt giải học sinh giỏi Toán của tỉnh ba mẹ thưởng cho chiếc vé xem cuốn phim Liên xô nổi tiếng “Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân” (1973). Bộ phim nói về cuộc đời (đã được hư cấu) của một điệp viên tình báo người Nga tên là Isaev hoạt động tại nước Đức Quốc xã dưới tên là Stirlitz, do diễn viên xuất sắc SovietVyacheslav Tikhonov đóng. Chúng tôi mơ ước trở thành thiếu tá Deanov và những nhân vật chính của 26 tập phim tựa đề “Trên từng cây số” là một bộ phim truyền hình Bulgaria, kể về cuộc chiến của nhân dân Bulgaria trong Đệ Nhị Thế Chiến, công cuộc tái thiết và chống lại các lực lượng phá hoại.
Lá cờ đỏ sinh ra chúng ta,
Cái chết không đe doạ được chúng ta.
Chúng tôi có mặt trên từng cây số ,
Có chúng tôi trên từng cây số – Và như thế đến tận cùng thế giới
***
Rạp 12/9 không đơn thuần là một địa chỉ văn hóa hạng sang mà còn là nơi kiếm kế sinh nhai của bao gia đình Quang Trung nghèo khổ thời bấy giờ. Đêm xuống, với một cái thúng, cái mẹt trên đựng dăm ba cái kẹo vừng, vài thanh kẹo lạc, mấy bao thuốc lá Tam Đảo, Bông Sen hoặc đơn thuần là thuốc lá cuộn, thêm vài trái bưởi, quả hồng cùng ấm nước chè xanh và chiếc đèn dầu là có thể nuôi sống gia đình 3, 4 người vài ngày.
Năm 2011, trong quá trình tái thiết thành phố Vinh, Rạp 12/9 lại đi trước một bước, khi được xây dựng mới hoàn toàn theo xu hướng hiện đại. Trung tâm điện ảnh đa chức năng với diện tích 5.600m2, diện tích xây dựng 2.224 m2, diện tích sàn 18.990m2 có tổng mức đầu tư lên gần 150 tỷ đồng gồm 2 khối nhà liền kề: Khối siêu thị văn hoá, thể thao, du lịch và khối điện ảnh, giải trí có cụm Rạp 3D, đầu tư thiết bị hiện đại bậc nhất Việt Nam. |
An Thanh
TIN LIÊN QUAN