Khắc phục khó khăn trong chuyển giao công chứng, chứng thực

21/08/2016 07:35

(Baonghean.vn)- Cử tri một số địa phương kiến nghị: Việc chuyển giao công chứng, chứng thực từ UBND xã sang các tổ chức hành nghề công chứng hiện còn gây khó khăn. Đề nghi các ngành chức năng có giải pháp khắc phục

Vấn đề này ngành chức năng trả lời như sau:

Chủ trương tách bạch công tác công chứng và chứng thực theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đã được thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chuyển giao thẩm quyền chứng thực các hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp huyện, cấp xã sang cho các tổ chức hành nghề công chứng: Luật Công chứng 2006, Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25/8/2008 hướng dẫn thi hành Nghị định số 79/2007/NĐ-CP và Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát quá trình hoạt động của Phòng công chứng số 2 của tỉnh tại huyện Diễn Châu
Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát quá trình hoạt động của Phòng công chứng số 2 của tỉnh tại huyện Diễn Châu,ảnh tư liệu, Minh Chi

Trên cơ sở chủ trương đó, Bộ Tư pháp đã có các văn bản hướng dẫn, đề nghị UBND các tỉnh thực hiện việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực các hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp xã sang cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện.

Ở Nghệ An, hiện nay UBND tỉnh đã ban hành các quyết định chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch từ UBND xã, phường, thị trấn sang tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại 09/21 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh, bao gồm: thành phố Vinh, huyện Diễn Châu, thị xã Cửa Lò, huyện Đô Lương, huyện Yên Thành, huyện Quỳnh Lưu, huyện Hưng Nguyên, thị xă Hoàng Mai, thị xã Thái Hòa, huyện Anh Sơn (trong đó do địa bàn rộng, địa lý đi lại khó khăn nên các huyện, thị xã: Yên Thành, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Anh Sơn mới chuyển giao được một số cụm xã, phường, thị trấn).

Việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng nhằm nâng cao tính an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự, phòng ngừa, hạn chế các vi phạm pháp luật trong các quan hệ giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu công chứng của người dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; Tạo điều kiện cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tập trung thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương…

Hiện nay theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp hướng dẫn về thẩm quyền về công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, nhà ở tại Công văn số 4233/BTP-BTTP ngày 16/11/2015 thì các quy định có liên quan về vấn đề công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, nhà ở được quy định cụ thể ở các văn bản sau: Luật Đất đai năm 2013 quy định hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản 3 Điều 167 của Luật này.

Giao dịch về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại bộ phận một cửa ở Thành phố Vinh. Ảnh tư liệu, minh họa
Giao dịch về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại bộ phận một cửa ở Thành phố Vinh. Ảnh tư liệu, minh họa

Luật Nhà ở năm 2014 quy định trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực; tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở theo quy định tại khoản 2 Điều 122 thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

Như vậy, theo các quy định của Luật đất đai, Luật Nhà ở nêu trên, cá nhân, tổ chức khi thực hiện các quyền của mình đối với quyền sử dụng đất, nhà ở được lựa chọn công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã. Việc công chứng được thực hiện theo thủ tục quy định tại Luật Công chứng năm 2014; việc chứng thực được thực hiện theo thủ tục quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.

Tuy nhiên thời gian qua, một trong những vướng mắc mà các địa phương gặp phải đó là nhầm tưởng việc công chứng và chứng thực là một. Thực tế công chứng và chứng thực là hai việc khác nhau.

Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực và tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; công chứng viên phải chịu trách nhiệm về nội dung của hợp đồng, giao dịch, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình, bồi thường thiệt hại do mình gây ra trong quá trình hành nghề công chứng, nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch

. Còn chứng thực là việc là việc UBND cấp xã chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; người yêu cầu chứng thực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.

Do đó, trong Công văn số 4233/BTP-BTTP, Bộ Tư pháp đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các Sở, ban, ngành có liên quan thường xuyên tổ chức tuyên truyền các quy định pháp luật có liên quan đến việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất, nhà ở cũng như pháp luật về công chứng, chứng thực.

Mặt khác, khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, chứng thực, tổ chức hành nghề công chứng, UBND cấp xã phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực và pháp luật khác có liên quan; đồng thời, tuyên truyền, giải thích cho cá nhân, tổ chức hiểu rõ sự khác nhau và hệ quả pháp lý giữa công chứng và chứng thực.

Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng thấy hợp đồng, giao dịch đơn giản, các bên tin tưởng nhau thì Công chứng viên công chứng hoặc hướng dẫn cá nhân, tổ chức lựa chọn chứng thực tại UBND cấp xã; ngược lại, trường hợp hợp đồng, giao dịch phức tạp, tiềm ẩn rủi ro cho các bên, thì UBND cấp xã hướng dẫn cá nhân, tổ chức lựa chọn công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng.

Đồng thời cũng hướng dẫn cụ thể như: Đối với những địa bàn đã chuyển giao trong trường hợp hoạt động công chứng đã ổn định, được nhân dân tin tưởng, góp phần phát triển tốt kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giảm thiểu được rủi ro, tranh chấp về đất đai, nhà ở trên địa bàn thì không quyết định lại việc chuyển giao từ tổ chức hành nghề công chứng sang UBND cấp xã, cấp huyện.

Qua đó, góp phần giảm tải công tác hành chính tư pháp cho UBND cấp xã, cấp huyện theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính và đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công.

PV (TH)

TIN LIÊN QUAN