Xin đừng làm mẹ khóc...

16/08/2016 09:41

(Baonghean.vn) - Dù cuộc sống có thay đổi thế nào, con người thời hiện đại phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề của nhịp sống công nghiệp, thì đạo hiếu vẫn luôn vẹn nguyên ý nghĩa đối với mỗi con người. Đó chính là sự tôn trọng, trân quý công ơn đấng sinh thành dưỡng dục. Ngày Vu Lan là dịp để mỗi chúng ta nghĩ suy về tình cảm, trách nhiệm của đạo làm con!

Đạo hiếu luôn có sẵn trong tâm thức của mỗi người Việt Nam, là tiêu chí đầu tiên trong đạo làm người. Không phải ngẫu nhiên mà trong ngôn ngữ, chữ hiếu lại được kết hợp để thành những từ ghép như: hiếu đạo (đạo làm con), hiếu dưỡng (chăm sóc, nuôi dưỡng), hiếu đễ (kính trọng cha mẹ và tôn trọng anh chị), hiếu thuận (hiếu với cha mẹ và hoà thuận với anh em)...

Đạo làm con phải hiếu kính với cha mẹ - người có công sinh thành dưỡng dục giúp ta nên người. Công lao ấy cao lớn tựa Thái Sơn và tinh khiết, thẳm sâu như suối nguồn vô tận. Người làm Cha Mẹ luôn lấy sự thành đạt của con cái làm vui. Con cái biết giữ gìn nề nếp gia phong, sống biết kính trên nhường dưới, không đánh mất mình trước những cám dỗ của cái xấu, cũng là cách để thể hiện sự hiếu hạnh với Cha Mẹ. Báo đáp công ơn cha mẹ thông qua việc phụng dưỡng hằng ngày, chăm sóc lúc ốm đau, bệnh tật...luôn được xem là tiêu chí đầu tiên trong việc đánh giá lòng hiếu thảo của con cái với Cha Mẹ. Ai không làm được điều này, tệ hơn nữa là ngược đãi, hắt hủi cha mẹ sẽ bị xã hội lên án.

Trong tiếng kinh Vu Lan da diết ở nhiều ngôi chùa lớn nhỏ những ngày này, đã có biết bao giọt nước mắt tuôn rơi khi nghe những vần thơ dung dị mà thẳm sâu ân tình:

“ Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ.

Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha.

Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ

Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha".

Cuộc sống cứ hối hả trôi đi với bao bận lịu lo toan cho cuộc sống, học hành. Có biết, bao người ông, người bà, người cha, người mẹ dẫu sống bên con cái mà không ít lần lặng lẽ khóc thầm vì buồn tủi, cô đơn. Đã có không ít những đứa con bất hiếu đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, thậm chí còn đánh đập người đã mang nặng đẻ đau mình vì coi họ là gánh nặng. Người già không nơi nương tựa phải vào trung tâm dưỡng lão, lang thang kiếm sống đã tạo ra áp lực lớn cho xã hội. Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh về sự xuống cấp đạo đức của con người trong xã hội hiện đại.

Chẳng biết Vu Lan có từ bao giờ nhưng đó là một ngày lễ mà nhiều nước theo đạo Phật ở châu Á đều xem là ngày Lễ trọng. Từ một nghi lễ thuần túy của Phật giáo, Vu Lan dần trở thành một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam. Vu Lan là dịp để mỗi gia đình được sum họp, đầm ấm, con cháu hỏi han và chia sẻ với ông bà, cha mẹ những niềm vui, nỗi buồn. Vu lan là dịp để chúng ta hồi hướng đến ông bà, tổ tiên đã mất, cầu chúc cho linh hồn họ được siêu sinh tịnh độ, cầu cho cha mẹ mình được hưởng phúc an lành.

Những năm gần đây, mùa Vu Lan, nhiều ngôi chùa thường tổ chức lễ Bông hồng cài áo. Người được bông trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên cha mẹ đã khuất. Người được bông hồng sẽ thấy hạnh phúc vì mình còn cha, còn mẹ và thấy mình phải có trách nhiệm hơn nữa để làm vui lòng đấng sinh thành.

Báo hiếu với đấng sinh thành, mỗi người, có một cách riêng nhưng cần nhất vẫn là sự chân thành. Báo Hiếu không chỉ là sự bù đắp cho cha mẹ đủ đầy vật chất mà quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, chia sẻ bằng những gì bình dị nhất, chân thành nhất. Bởi “ miếng trầu không đẹp ở người têm, mà đẹp ở người đem dâng”.

Xã hội không có quyền đối xử tệ bạc và bất công với người già. Là con cháu lại càng không được phép thờ ơ, vô cảm với chính những đấng sinh thành ra mình. Bởi không xã hội nào coi việc ngược đãi, tàn ác với cha mẹ là điều bình thường.

“Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc”! Lời nhắc nhở ấy không chỉ dành để riêng ai! Đừng để phải hối hận khi đã quá muộn, nhất là những việc mà hôm nay, mỗi người làm con có thể làm được cho cha mẹ mình!

Vân Thiêng

TIN LIÊN QUAN