Trứng gà Ai Cập 'lên đời' thành trứng gà ta xịn

23/08/2016 14:45

Trứng gà Ai Cập lông trắng có màu trắng, trứng gà Ai Cập lông vằn có màu trắng ngà hơi sậm, dùng hai loại trứng này trộn với nhau sẽ ra loại trứng giống hệt trứng gà ta xịn.

Bà Nguyễn Thị Ngọc, một đầu mối chuyên đổ buôn trứng cho tiểu thương bán lẻ tại chợ khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, mấy năm gần đây, người dân Thủ đô “dị ứng” với các loại thực phẩm nuôi trồng theo kiểu công nghiệp vì sợ độc hại. Ai nấy đều e ngại mua các loại trứng công nghiệp nên tìm mua trứng gà ta nhiều hơn, bởi loại gà này chỉ ăn ngô, lúa nên trứng đảm bảo sạch và thơm ngon.

Thế nên tại chợ, trứng gà công nghiệp có màu đỏ hồng thường chỉ bán được cho các nhà hàng, quán cơm bình dân hay bán bánh mì. Còn loại trứng gà Ai Cập nuôi công nghiệp, có hình dáng bên ngoài giống trứng gà ta thả vườn thì thường được tiểu thương bán lẻ “cộp mác” trứng gà ta xịn.

Theo chị Ngọc, dân buôn trứng làm vậy chỉ là để đánh lừa người dân, dễ bán hàng hơn chứ không vì mục đích lợi nhuận. Bởi, nếu vì vậy họ đã phải bán giá cao gấp đôi.

Trứng gà Ai cập lông vằn có màu trắng ngà, trứng gà ai cập lông trắng có màu trắng bạch
Trứng gà Ai Cập lông vằn có màu trắng ngà, trứng gà Ai Cập lông trắng có màu trắng bạch

Với mức giá 3.000-3.500 đồng/quả hiện này thì đây là giá bán thực chất của trứng gà Ai Cập, bởi giá lấy buôn tại trang trại thời điểm hiện tại đã là 2.000-2.200 đồng/quả. Từ trang trại đến tay người tiêu dùng (qua hai lần thương lái trung gian), giá trứng bán ra sẽ chênh với giá tại trại khoảng 1.000 đồng/quả.

“Đó là công thức tính lãi chung cho các loại trứng bán tại chợ mà dân buôn thường áp dụng”, chị Ngọc cho hay.

Trong khi đó, ông Lê Văn Toàn, một chủ trang trại nuôi gà Ai Cập đẻ trứng ở Tam Dương (Vĩnh Phúc) chia sẻ, lợi dụng sự giống nhau của giữa trứng gà Ai Cập với trứng gà ta nên dân buôn thường hô biến trứng gà Ai Cập thành trứng gà ta xịn.

Theo ông Toàn, nếu so về tỷ lệ dinh dưỡng, trứng gà Ai Cập hơn hẳn trứng gà công nghiệp đỏ, song vẫn kém trứng gà ta, kể cả về độ thơm ngon.

Ông Toàn cho hay, gà Ai Cập có hai loại được nuôi khá phổ biến là gà Ai Cập lông trắng tuyền và gà Ai Cập lông vằn. Loại gà Ai Cập lông trắng tuyền thường có sức đẻ tốt hơn nhưng trứng có màu trắng. Gà Ai Cập lông vằn, khi nuôi gà đẻ không sai trứng bằng gà lông trắng nhưng trứng lại có màu sậm ngà, giống trứng gà ta.

Ông Toàn tiết lộ, chiêu đơn giản nhất của dân buôn chính là dùng trứng gà Ai Cập lông trắng có màu trắng bạch, trứng gà Ai Cập lông vằn có màu hơi trắng ngà (hơi sậm màu), để hai loại trứng này lẫn với nhau sẽ ra loại trứng giống hệt trứng gà ta xịn. Sau khi trà trộn, ngay cả người trong nghề cũng khó có thể phân biệt được đâu là trứng gà ta và đâu là trứng gà Ai Cập.

 Mánh của dân buôn là để hai loại trứng gà Ai Cập lông trắng với gà Ai Cập lông vằn sẽ ra loại trứng giống hệt trứng gà ta
Mánh của dân buôn là để hai loại trứng gà Ai Cập lông trắng với gà Ai Cập lông vằn sẽ ra loại trứng giống hệt trứng gà ta

Đặc biệt, để người dân tin những quả trứng gà Ai Cập bán ở chợ là gà ta thả vườn xịn, dân buôn còn trà trộn cả loại trứng gà Ai Cập so (trứng mới đẻ đợt đầu - mái một) vào trứng gà mái 2 (to hơn trứng gà mái 1) để khi đem bán, người mua nhìn vào đống trứng sẽ thấy lộn xộn, quả to quả nhỏ vì quả không đều nhau là đặc điểm nổi bật của trứng gà ta.

Trao đổi với PV. VietNamNet, một chuyên gia trong ngành nông nghiệp cho biết, người dân thành phố thường tìm mua thực phẩm sạch bằng lòng tin. Nhưng lòng tin của họ lại bị dân buôn bào mòn vì những mánh lới chiêu trò.

Ví như thịt lợn sề biến thành thịt bò, thịt lợn rừng; hoa quả Trung Quốc biến thành hoa quả Mỹ, Úc, Việt; gà đẻ thải loại biến thành gà ta thả vườn,... giờ đến trứng Ai Cập cũng được “lên đời” thành trứng gà ta.

Theo vị chuyên gia này, những mánh lới của dân buôn tại các chợ không hẳn là vì lợi nhuận, hô biến thành hàng xịn để bán với giá cao. Nhiều loại họ “gắn mác” chỉ là để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, để dễ bán chứ không phải để tăng giá. Tuy nhiên, qua những lần như vậy làm cho người tiêu dùng thêm mất niềm tin vào thực phẩm sạch.

“Hậu quả, thực phẩm sạch nhiều khi ế ẩm, không có đầu ra. Người nông dân đành phải đánh đồng, phải đem những loại nông sản sạch của mình ra chợ bán với giá giống như thực phẩm không ai toàn”, vị chuyên gia này chia sẻ.

Theo Zing

TIN LIÊN QUAN