Kiểm lâm được phép sử dụng súng trong hoàn cảnh nào?
Vụ án nghi phạm Đỗ Cường Minh (Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái) dùng súng bắn chết Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái, sau đó tự sát đang gây chấn động dư luận. Nhiều người sau giây phút bàng hoàng đã đặt câu hỏi: Lực lượng kiểm lâm được trang bị súng ra sao và được phép sử dụng trong hoàn cảnh nào?
Theo Nghị định 25/2012 của Chính phủ, lực lượng Kiểm lâm được trang bị vũ khí quân dụng gồm súng ngắn, súng tiểu liên và các loại đạn dùng cho các loại súng này.
Theo các vị luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội, Pháp lệnh 16/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (có hiệu lực từ 1.1.2012) và Pháp lệnh 07/2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh 16/2011(có hiệu lực từ 1.3.2014) đã nêu rõ:
Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng gồm Quân đội nhân dân; Công an nhân dân; Dân quân tự vệ; Kiểm lâm; Lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan, đơn vị Hải quan cửa khẩu; An ninh hàng không và lực lượng Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nghi phạm Đỗ Cường Minh - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái - người được cho là dùng súng bắn chết hai lãnh đạo tỉnh Yên Bái sau đó tự sát. |
Cũng theo Pháp lệnh 16/2011, tiêu chuẩn của người sử dụng vũ khí phải có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe phù hợp, được huấn luyện về chuyên môn và kiểm tra định kỳ về kỹ năng sử dụng vũ khí. Trong nhiều hành vi bị nghiêm cấm đối với đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng có hành vi cấm lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để xâm phạm sức khỏe, tính mạng; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Về trách nhiệm của người được giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ:
- Thứ nhất phải sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đúng mục đích, đúng quy định.
- Thứ hai, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đúng chế độ, quy trình, bảo đảm an toàn, không để mất, hư hỏng.
- Thứ ba là bàn giao lại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho người có trách nhiệm quản lý, bảo quản sau khi kết thúc nhiệm vụ hoặc hết thời hạn được giao.
Theo Nghị định 25/2012 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có nêu: Các loại vũ khí quân dụng được trang bị cho lực lượng Kiểm lâm, gồm: Súng ngắn, súng tiểu liên; các loại đạn dùng cho các loại súng này...
Lực lượng Kiểm lâm huấn luyện sử dụng vũ khí quân dụng (Ảnh minh họa). |
Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ:
Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hạt Kiểm lâm huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Hạt Kiểm lâm vườn quốc gia, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ; Kiểm lâm vùng, Đội kiểm lâm đặc nhiệm, Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng; Trạm kiểm lâm địa bàn, Trạm kiểm lâm cửa rừng.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị kể trên có trách nhiệm giao vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ cho cán bộ kiểm lâm có đủ tiêu chuẩn theo quy định để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng, kiểm tra, kiểm soát lâm sản, xử lý các hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, truy quét các tụ điểm khai thác, mua, bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái quy định của pháp luật.
Người đứng đầu các đơn vị có lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách có trách nhiệm giao công cụ hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng chuyên trách có đủ tiêu chuẩn để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng.
Theo Dân Việt
TIN LIÊN QUAN |
---|