Ủng hộ Trung Quốc về Biển Đông, nghị sĩ Australia bị 'ném đá'
Cơn bão chỉ trích bình luận ủng hộ Trung Quốc của nghị sĩ Sam Dastyari thể hiện nỗi lo ngại đối với tham vọng của Bắc Kinh trong chính giới nước này.
Thượng nghị sĩ Sam Dastyari. Ảnh: SMH |
Ngày 31/8, tờ Australian Financial Review đã khiến chính giới Australia rúng động khi tiết lộ rằng thượng nghị sĩ Công đảng Sam Dastyari từng thể hiện sự ủng hộ đối với lập trường Biển Đông của Trung Quốc, đi ngược lại chính sách của đảng này và chính phủ Australia.
"Biển Đông là vấn đề của riêng Trung Quốc. Trong vấn đề này, Australia cần giữ trung lập và tôn trọng quyết định của Trung Quốc", ông Dastyari tuyên bố trong một cuộc họp báo với truyền thông Trung Quốc diễn ra hôm 17/6.
Trung Quốc luôn đòi chủ quyền trong "đường 9 đoạn" bao trùm gần như toàn bộ diện tích Biển Đông. Yêu sách này đã bị Tòa Trọng tài bác bỏ trong phán quyết ngày 12/7, tuy nhiên Bắc Kinh tuyên bố phớt lờ và đang nỗ lực lôi kéo chính phủ các nước cùng chính trị gia quốc tế ủng hộ lập trường đó.
Tiết lộ này ngay lập tức làm dấy lên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trong dư luận và chính giới Australia. Một loạt đối thủ chính trị lẫn đồng minh quan trọng của thượng nghị sĩ Dastyari đều lên tiếng chỉ trích và đòi điều tra ông.
Nghị sĩ đảng Tự do Craig Laundy gọi đây là hành động "liều lĩnh cố ý". Còn Tony Burke, thành viên cấp cao trong phe cánh hữu của Dastyari, phản bác tuyên bố của Dastyari, tái khẳng định lập trường của Công đảng về vấn đề Biển Đông, rằng "tất cả các bên cần tôn trọng luật pháp quốc tế, thể hiện sự kiềm chế".
Công đảng Australia luôn kiên quyết phản đối các hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời ủng hộ nỗ lực thúc đẩy hải quân nước này thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo Bắc Kinh bồi đắp phi pháp ở khu vực này.
Làn sóng chỉ trích thượng nghị sĩ Dastyari càng dữ dội hơn sau khi tờ Fairfax Media tiết lộ Huang Xiangmo, một nhà tài trợ có liên hệ với chính phủ Trung Quốc, từng bỏ ra 1.670 USD trang trải chi phí đi lại vượt định mức phụ cấp cho ông.
Hồ sơ quyền lợi của thượng nghị sĩ Dastyari cho thấy ông thường xuyên nhận các khoản tài trợ và lời mời tới thăm Trung Quốc của các tổ chức Trung Quốc khác nhau. Ông từng được Huang Xiangmo chi trả 40.000 USD tiền hỗ trợ pháp lý. Gần đây, Huang thường xuyên than phiền rằng các nhà tài trợ Australia gốc Hoa không được "đền đáp xứng đáng" từ các chính trị gia dù đã đóng góp nhiều khoản hỗ trợ tài chính.
Truyền thông Trung Quốc từng dẫn lời ông Dastyari nói rằng "chính phủ Australia cần phải từ bỏ lập trường thù địch đối với Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Trung Quốc". Hồi đầu năm 2014, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop bị người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị chỉ trích vì đã phản đối mạnh mẽ việc Bắc Kinh tuyên bố lập ADIZ trên biển Hoa Đông.
Trả lời báo chí, thượng nghị sĩ Dastyari thừa nhận đã "phạm sai lầm" khi nhận tiền tài trợ từ Viện Giáo dục Hàng đầu của Huang Xiangmo, nhưng không giải thích được vì sao tổ chức này lại đồng ý chi trả tiền đi lại cho ông.
Josh Frydenberg, bộ trưởng Năng lượng và Môi trường Australia, tuyên bố ông Dastyari không hề đáng tin cậy trong việc xử lý các vấn đề tài chính của mình, "chứ chưa nói đến chính sách đối ngoại của Australia".
"Có nhiều bình luận đáng lo ngại liên quan đến Sam Dastyari về vấn đề Biển Đông. Đã có nhiều ý kiến về cách hành xử và vi phạm của Dastyari, và cũng giống như thượng nghị sĩ Cory Bernardi, tôi cho rằng đây là vụ việc mà ông phải trả lời", ông Frydenberg nói với Sky News.
Ông Bernardi trước đó đã gọi Dastyari là "nghị sĩ vùng Mãn Châu", và đang dẫn đầu một nỗ lực chống lại thượng nghị sĩ này, yêu cầu ông từ chức và kêu gọi một cuộc điều tra về sự ảnh hưởng của những đồng tiền nước ngoài đối với nền chính trị Australia.
"Một trong những quan chức được trả lương cao nhất nước lại không thể trả được 1.670 USD chi phí đi lại. Mối liên hệ giữa thượng nghị sĩ Dastyari và chính phủ Trung Quốc là rất bất thường", ông Bernardi tuyên bố.
Lo ngại
Ông Tony Burke tỏ ra gay gắt với phát ngôn của đồng minh Dastyari. Ảnh: SMH |
Theo các chuyên gia phân tích, cơn bão chỉ trích nhắm vào ông Dastyari thể hiện những quan ngại, lo lắng trong chính giới Australia liên quan đến tác động của Trung Quốc đối với các chính trị gia nước này, trong bối cảnh Canberra vẫn chưa thể vạch ra được ranh giới rõ ràng giữa việc bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia với tăng cường quan hệ kinh tế với Bắc Kinh.
Bình luận viên Kelsey Munro của SMH cho rằng vụ việc của Dastyari cho thấy các nghị sĩ Australia có thể bị ảnh hưởng bởi những quyền lợi tài chính đến từ Trung Quốc như thế nào, và có thể đưa ra những bình luận gây ảnh hưởng tới quan điểm chính thức của đảng chính trị cũng như chính phủ ra sao.
Mới đây, Thư viện Quốc hội Australia đã xuất bản cuốn sách ngắn hối thúc các nghị sĩ thận trọng hơn trong việc bày tỏ quan điểm đối với tham vọng lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như tỏ ra cảnh giác với các động cơ thực sự đằng sau những khoản đầu tư của Trung Quốc vào nước này.
"Việc tạo ra một khối liên minh Âu – Á do Trung Quốc dẫn đầu để chống lại Mỹ là mục tiêu dài hạn của dự án 'Một vành đai, Một con đường' mà Bắc Kinh khởi xướng, trong đó có các khoản đầu tư ở phía bắc Australia", cuốn sách viết.
Các chuyên gia tư vấn cho cuốn sách này cũng khuyến cáo rằng chính phủ Australia cần thể hiện thái độ khôn ngoan hơn về kinh tế và chiến lược trong việc quyết định hướng đi cho quan hệ kinh tế Australia – Trung Quốc.
Những khuyến cáo trên được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Tài chính Scott Morrison vừa ngăn chặn kế hoạch bán mạng lưới điện Ausgrid cho các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục và Hong Kong vì "những quan ngại về an ninh không được tiết lộ".
Trước đó, ông Morrison cũng từ chối bán phần lớn các trang trại gia súc của công ty S. Kidman & Co lớn nhất nước này cho công ty Dakang Australia Holdings của Trung Quốc.
Đến nay, Trung Quốc là đối tác thương mại và nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Australia, với tổng mức đầu tư năm 2015 là 11,1 tỷ USD vào các lĩnh vực kinh tế, chủ yếu là bất động sản, theo hãng tư vấn, kế toán KPMG và Đại học Sydney.
Tuy nhiên, quyết định của Canberra cho phép nhà thầu Trung Quốc thuê một cảng thương mại, quân sự quan trọng ở miền bắc nước này hồi năm ngoái đã khiến nhà chức trách Washington không khỏi lo ngại về an ninh, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ đang dựa ngày càng nhiều hơn vào Australia trong chiến lược "tái cân bằng" châu Á của mình.
Dù nhiều chính trị gia và học giả Australia lo ngại rằng thái độ cứng rắn của chính phủ trong vấn đề Biển Đông và đầu tư nước ngoài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ thương mại với Trung Quốc, giáo sư kinh tế Ian Harper khẳng định Bắc Kinh sẽ không thể dùng thương mại như một thứ vũ khí để chống lại Canberra.
"Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều vào các lĩnh vực như điện lực và chăn nuôi gia súc, và tôi cho rằng các nhà đầu tư nước họ không thể cứ thế mà rút về nước. Sẽ không có gì thay đổi cả, chúng ta sẽ vượt qua điều này và tiếp tục phát triển", Harper nhấn mạnh.
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|