Thuế phí bảo vệ môi trường: Thu 3 đồng, chi 1 đồng

06/09/2016 07:25

Tỷ lệ chi cho mục đích bảo vệ môi trường so với nguồn thu tương ứng ngày càng giảm trong vòng 5 năm qua.

Theo báo cáo gần đây của Bộ Tài chính về nguồn lực cho bảo vệ môi trường, thu từ thuế Bảo vệ môi trường đã tăng hơn 3 lần trong vòng 5 năm qua, lên khoảng 38.000 tỷ đồng trong năm 2016. Trong khi đó, số chi tăng không đáng kể, từ 9.000 tỷ lên 12.290 tỷ đồng và tương đương khoảng 1% tổng chi ngân sách. Như vậy trong năm 2016, số thu cho mục đích bảo vệ môi trường (chỉ tính từ nguồn thu thuế, chưa tính các khoản phí khác) so với chi tương ứng đã cao gấp 3 lần. Tỷ số này có xu hướng tăng trong những năm qua.

thue-phi-bao-ve-moi-truong-thu-3-dong-chi-1-dong

Chênh lệch thu thuế bảo vệ môi trường và chi từ ngân sách cho lĩnh vực này qua các năm. Đơn vị: tỷ đồng. (*): Dự toán. Số liệu: MOF

Báo cáo của Bộ Tài chính không cho biết chênh lệch giữa thu và chi cho bảo vệ môi trường được xử lý như thế nào, song nhìn chung nguồn thu cho mục đích này đang trong xu hướng tăng mạnh.

Đơn cử như thu từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (được nộp toàn bộ về ngân sách địa phương) năm 2013 là 632 tỷ đồng đã tăng lên 934 tỷ năm 2014. Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản cũng tăng từ 2.137 tỷ đồng năm 2012 lên khoảng 2.603 tỷ đồng trong năm nay. Riêng khoản phí này, ngân sách địa phương sẽ hưởng 100% nếu thành phần thu có dầu thô và khí thiên nhiên, khí than. Ngược lại, tiền sẽ nộp về ngân sách trung ương.

Ngoài nguồn lực trong nước cho bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính cho biết, Nhà nước đã huy động vốn vay, viện trợ của nước ngoài với tổng số cam kết từ năm 1993 đến nay gần 4,3 tỷ USD, viện trợ giai đoạn 2015-2016 khoảng 152 triệu USD. Trong năm 2016, Chính phủ Nhật cũng sẽ giải ngân khoản vay ODA cho chương trình chống biến đổi khí hậu trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng (gần 100 triệu USD).

Đánh giá các khoản thu và chi cho bảo vệ môi trường đều “đạt chỉ tiêu”, song Bộ Tài chính cũng cho rằng người dân vẫn phải sống trong cảnh ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép khi tồn tại hàng loạt "điểm nóng" về môi trường tại các khu đô thi, khu công nghiệp, lưu vực sông... "Đơn cử, trong tổng số 786 đô thị trên cả nước, mới chỉ có 40 đô thị có công trình xử lý nước thải đạt chuẩn", báo cáo viết.

Để tăng thu cho ngân sách và có thêm tiền chi cho bảo vệ môi trường, một trong những đề xuất mà Bộ Tài chính đưa ra là thực hiện cơ chế giá thị trường với một số mặt hàng đầu vào như điện, than, gas, xăng dầu…

Cơ quan này cũng đề xuất Chính phủ, giao trách nhiệm cho Bộ Tài nguyên & Môi trường khẩn trương rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới các định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực môi trường, nhằm xác định rõ trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về môi trường từ cấp phép đến kiểm tra, thanh tra…

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN