Muôn kiểu 'nhắm mắt' chiều khách VIP của nhân viên ngân hàng

03/09/2016 12:16

Mang về lợi nhuận lớn nên không ít trường hợp khách VIP được nhân viên ngân hàng chiều chuộng tới mức "vượt rào" quy định an toàn, khiến nhà băng có khi phải trả giá cả về tiền bạc lẫn uy tín.

Trường hợp khách hàng báo mất 4 tỷ đồng tại Ngân hàng Sài Gòn (SCB) gần đây, nhân viên SCB cho biết vì nể khách VIP nên đã làm "tắt" một số quy trình trong khi thực hiện giao dịch uỷ nhiệm chi, dẫn đến việc mất tiền. Vụ việc này cũng như nhiều trường hợp khác thời gian gần đây cho thấy thực tế rằng chuyện chiều khách VIP và bỏ qua một số quy trình của ngân hàng và quy định của Ngân hàng Nhà nước đang diễn ra rất phổ biến, ở cả nhà băng cổ phần lẫn quốc doanh.

Khách nợ tiền tỷ nhưng vẫn xuất chứng từ hợp lệ

Áp lực cạnh tranh huy động vốn khiến nhiều ngân hàng thiết kế thêm nhiều ưu đãi, tiện ích hơn để phục vụ các khách VIP có lượng giao dịch gửi tiền lớn. Hầu hết khách VIP thường xuyên mở sổ tiết kiệm chỉ cần gọi điện cho nhân viên đến lấy tiền. Đồng thời, khách sẽ được nhận ngay sổ tiết kiệm (với đầy đủ chữ ký, dấu hợp lệ) dù khách chưa ký sổ ở bên chứng từ của ngân hàng. Điều này đồng nghĩa với việc, nhân viên ngân hàng sẽ phải mang một sổ tiết kiệm - được cho là hợp lệ của ngân hàng, đã được nhập vào hệ thống dữ liệu, bất chấp việc nhà băng chưa hề nhận tiền.

nhung-kieu-nham-mat-chieu-khach-vip-cua-nhan-vien-ngan-hang

Nhiều khách VIP dù không thu xếp đến quầy giao dịch nhưng vẫn đòi hỏi các giao dịch phải được thực hiện. Ảnh minh hoạ.

Việc này gây phát sinh nhiều rủi ro. Ví dụ, đơn giản nhất là với ê-kíp thực hiện. Trong quá trình đến nhà giao sổ và chưa mang tiền về, nếu kế toán nội bộ phát hiện thì chắc chắn sẽ bị xử lý. Nhưng phức tạp hơn, kiểu châm chước này tiềm ẩn nguy cơ mất tiền cho ngân hàng nếu khách lật lọng và kiện ngược sau khi đã cầm sổ mà chưa giao tiền. Hoặc một khả năng khác là nhân viên ngân hàng câu kết với khách để chiếm đoạt tài sản của khách.

Ngọc, chuyên viên quan hệ khách hàng của một nhà băng ở Hà Nội cho biết: "Gần đây, ngân hàng mình rất ngại không dám làm liều kiểu này nữa. Nhưng thi thoảng vẫn có trường hợp bất đắc dĩ, khách VIP quá thì tụi mình phải trình ngoại lệ và để giám đốc chi nhánh hoặc khu vực phê duyệt chủ trương thì mới làm cho an tâm".

Cho khách nợ chữ ký, chứng từ

Đây là kiểu ngân hàng đã xuất tiền (cho rút hoặc chuyển tiền nhưng chưa có chữ ký của khách).

Sau 4 năm làm giao dịch viên ở một ngân hàng cổ phần quy mô dẫn đầu thị trường, Ly (28 tuổi) đã có được một tệp khách hàng cá nhân khá lớn gồm nhiều VIP và cũng không ít kinh nghiệm. Tuy nhiên, gần đây cô cũng vừa có một pha thót tim vì nể khách VIP.

Ly kể, chị khách này quan hệ với ngân hàng cũng 8 năm, riêng cô chăm sóc cũng được gần 3 năm nên khá tin tưởng nhau. Hôm đó khách cần chuyển tiền hạn mức lớn (hơn một tỷ đồng). Thông thường, khách có thể chuyển qua Internet Banking nhưng số tiền này vượt hạn mức theo quy định chuyển ebank (dù đã là hạn mức của VIP). Thế nhưng khách lại nói rất bận, chưa thể ra quầy trực tiếp chuyển được mà cần chuyển gấp cho đối tác đúng giờ. "Vì khách quá thân với mình và ngân hàng nên mình và kiểm soát viên đồng ý chuyển tiền đi mà thực tế khi ấy chưa hề có chữ ký của khách trong uỷ nhiệm chi", Ly kể.

nhung-kieu-nham-mat-chieu-khach-vip-cua-nhan-vien-ngan-hang-1

Không ít nhân viên ngân hàng biết đang làm sai quy trình nhưng vẫn nhắm mắt thực hiện để vừa lòng khách VIP. Ảnh: Anh Quân.

Và sau đó, bỗng dưng mất gần hai ngày, Ly không thể liên lạc được với khách để qua lấy chữ ký, hoàn tất chứng từ cho hợp lệ. "Ôi, sau 24h đầu khá bình thản dù không gọi được cho khách, ngày thứ hai mình bắt đầu lo lắng thực sự dù mọi cuộc gọi cho khách hàng trong những trường hợp này bọn mình đều ghi âm và đã xin ý kiến lãnh đạo. Sau đó đột nhiên người nhà khách gọi lại, nói bị tai nạn và nhắn mình qua bệnh viện lấy chữ ký. Lúc ấy mình mới thở phào được", Ly kể lại.

Trưởng phòng giao dịch một ngân hàng thừa nhận: "Với kiểu nợ chứng từ này, rủi ro hoàn toàn nằm ở phía ngân hàng. Nếu khách hàng lật lọng thì rất khó bởi mình làm sai quy trình và cuộc điện thoại kia dù ghi âm cũng không có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, phải thừa nhận có nhiều khách, họ không chỉ VIP mà còn rất 'chảnh', các ngân hàng không chiều không xong luôn".

Hoặc một rủi ro khác đến từ chính nhân viên ngân hàng nếu thực tế khách hàng không hề có ý chí chuyển tiền như vậy nhưng nhân viên lại nói dối về cuộc điện thoại trên và xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo để tự ý chuyển tiền. "Nói chung, ai cũng biết là làm sai nhưng vài trường hợp hy hữu vẫn phải nhắm mắt làm", trưởng phòng giao dịch này kể.

Một loạt ưu đãi 'ngoài luồng' khác

Giám đốc Dịch vụ khách hàng cấp chi nhánh của một ngân hàng bán lẻ cũng tâm sự, khách VIP có những đòi hỏi quá đáng là tất nhiên bởi phải thừa nhận họ mang về doanh thu cao cho ngân hàng. Lãi suất gửi ngân hàng luôn phải cộng bên ngoài lên mức cao nhất (dù không được phép), kịch kim có thể, lãi vay cũng phải thấp nhất, không tính phí phạt trả trước hạn. "Mình tuyệt đối không được tính một khoản phí chuyển tiền nào với họ. Rồi một người là VIP thì cả gia đình họ cũng phải được định danh là VIP trên hệ thống. Ngược lại, không chiều thì nay doạ rút tiền, mai doạ bỏ ngân hàng sang bên khác là bọn mình rơi vào nguy hiểm ngay", vị này nói.

Tuy nhiên, cán bộ ngân hàng này cũng lưu ý, dù chiều khách VIP nhưng các nhân viên quan hệ với khách cũng cần có những nguyên tắc để có "cửa lùi" cho mình. Một trong số đó là chỉ châm chước với những khách hàng thân thiết của chính mình và bất cứ một ngoại lệ nào cần phải được sự cho phép thông qua của cấp trên bằng email để có thể làm bằng chứng. Bên cạnh đó, những trường hợp nhạy cảm như vậy, khi trao đổi với khách hàng nên sử dụng điện thoại có chức năng tự động ghi âm của ngân hàng hoặc bằng tin nhắn.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN