Suy ngẫm lời của Bác Hồ về tự phê bình và phê bình trên báo chí

20/06/2016 08:19

Ngày 9/6, Văn phòng Trung ương Đảng ban hành Văn bản số 1200-CV/VPTƯ gửi các cơ quan chức năng yêu cầu thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm rõ, kết luận về thông tin báo nêu liên quan đến Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh liên quan đến một bài báo đã nêu và được dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân hết sức quan tâm.

Vấn đề không chỉ ở chuyện sử dụng, gắn biển xe tư thành xe công mà điều quan trọng ở sau đó là việc luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ đối với ông Trịnh Xuân Thanh có những vấn đề cần làm rõ. Qua vụ việc này một lần nữa càng thấy rõ hơn vai trò của báo chí trong việc phát hiện, phản ánh những ý kiến của cán bộ, quần chúng nhân dân về những biểu hiện tiêu cực, khuất tất, những bức xúc trong cuộc sống hằng ngày để các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương kiểm tra, xác minh, xử lý.

Điều quan trọng hơn nữa là, Tổng Bí thư chỉ đạo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng khi mà vụ việc vừa được giao cho các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ đúng sai. Vấn đề này lại được đưa ra đúng dịp kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, góp phần động viên, cổ vũ các cơ quan báo chí, các nhà báo, các phóng viên tích cực hơn trong cuộc chiến đấu với các hiện tượng tiêu cực và không sợ những phát hiện, phản ánh của nhân dân rơi vào im lặng.

Cách đây 30 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã phê phán rất gay gắt điều mà ông gọi là “sự im lặng đáng sợ” để tấn công vào “thành trì” quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. “Sự im lặng đáng sợ” là sự im lặng của người có chức, có quyền câu kết, tránh né, bao che cho nhau để tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... “Sự im lặng đáng sợ” còn là sự im lặng của người dân, của những người tích cực trước những tiêu cực, sai trái sờ sờ trước mắt mình và của tất cả mọi người.

Sự chỉ đạo lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có lẽ cũng là bước đánh thức hiện tượng sự im lặng và giải tỏa tâm lý e ngại bị phê bình trên báo chí ở ta trong thời gian qua. Điều này cũng đúng với quan điểm chỉ đạo và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 66 năm về trước. Trên Báo Sự thật số 109 ra ngày 15-4-1949 có đăng bài “Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng” của tác giả L.T (bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) nói về việc có những cán bộ tưởng rằng, nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình thì sẽ có hại, vì:

“- Kẻ địch sẽ lợi dụng để phản tuyên truyền,
- Giảm bớt uy của đoàn thể và chính quyền,
- Làm mất thể diện của cán bộ đã phạm khuyết điểm ấy,
- Chỉ phê bình qua loa ở nội bộ là đủ rồi.
Thế là tưởng lầm. Thế là ốm mà sợ thuốc. Thế là không hiểu ý nghĩa và lực lượng phê bình”.

Phóng viên đưa tin về Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Phóng viên đưa tin về Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội. Ảnh: Viết Thành.


Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cách để làm sao kẻ địch không phản tuyên truyền. Đó là, “không có gì hơn là tránh các khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm”. Còn nếu khi đã phạm khuyết điểm, thì dù “mình muốn bưng bít, người ta cũng biết”. Người còn khẳng định, “Một đoàn thể hoặc chính quyền mà che giấu khuyết điểm của cán bộ mình là một đoàn thể hoặc chính quyền “yếu ớt”, “thoái bộ”. Đoàn thể và chính quyền có can đảm vạch rõ khuyết điểm của cán bộ mình, có phương pháp sửa chữa cho cán bộ, thì “uy tín chẳng những không giảm bớt, mà lại thêm cao.

Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ”. Người nhấn mạnh: “Việc phê bình phải từ trên xuống và từ dưới lên. Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình, chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa, thì sự phê bình mới hoàn toàn”. Bác Hồ chủ trương tất cả cán bộ, từ cấp trên đến cấp dưới, phải “thi đua sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm”.

Ngày 31-7-1952 trên Báo Nhân Dân có đăng bài “Chống quan liêu, tham ô, lãng phí” của C.B (bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) cũng nói về tình trạng tự phê bình, phê bình trên báo chí lúc bấy giờ. Bài báo có đoạn viết: “Gần đây, nhân dân và báo chí đã bắt đầu (tuy còn e dè, thưa thớt) phê bình. Song những tổ chức hoặc cơ quan bị phê bình thì im lìm, không đăng báo tự phê bình, không tìm cách sửa chữa. Đó là thái độ “bưng mắt, bắt chim”, thái độ “giấu bệnh, sợ thuốc”, một thái độ không thật thà, không đứng đắn. Mong những ai, những cơ quan nào đã được nhân dân hoặc báo chí phê bình, thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, trên báo chí”.

Theo Hanoimoi

TIN LIÊN QUAN