Mảnh đất được lịch sử lựa chọn

06/09/2016 15:20

(Baonghean) - Tôi nghĩ rằng nhà cầm quyền qua các thời kỳ luôn nhận thấy Trường Thi là mảnh đất hội tụ đủ các yếu tố thiên thời - địa lợi để hình thành nên trung tâm hành chính, hay thủ phủ kinh tế - chính trị - văn hóa trên thành phố Vinh tầm trung tâm vùng Bắc miền Trung. Đây còn là một trong những nơi lưu giữ và tiếp nối các giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu của quê hương xứ Nghệ.

Để xây dựng Nhà máy xe lửa Trường Thi vào đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã cho đào một lượng lớn đất đá. Vị trí đào đã hình thành hồ Goong ngày nay.
Để xây dựng Nhà máy xe lửa Trường Thi vào đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã cho đào một lượng lớn đất đá nhằm bồi đắp công trình. Vị trí này đã hình thành hồ Goong ngày nay.

Anh cán bộ đô thị phường Trường Thi, người dẫn tôi đến từng ngõ ngách của các khu phố là người ham chuyện, lại thích tìm hiểu lịch sử. “Em tốt nghiệp ngành xây dựng, công việc không liên quan đến lịch sử, chính sách, nhưng tính hay tò mò, thấy cái chi hay, cái chi lạ là tìm hiểu ngay” - Anh Nguyễn Minh Thùy, người dẫn tôi đi chia sẻ như thế.

Quả thực nhờ cái tính tò mò, thích khám phá của Thùy mà tôi đã có cơ hội được tận mắt nhìn thấy một trong những dấu tích quan trọng thời Pháp thuộc còn lại trên mảnh đất Trường Thi giàu trầm tích. Đó là trong một lần tình cờ Thùy đến khối 9, vào nhà anh Đậu Doãn Vinh bất ngờ nhìn thấy mảnh sân của ngôi nhà được lát bằng loại bê tông rất lạ, từ màu sắc của những viên sỏi, lớp xi măng, nguyên liệu đều không giống với các loại bê tông mà anh đã được biết.

Tỉ mẩn kiểm tra rồi dò hỏi, anh được chủ nhà cho biết đó là bê tông được đúc từ thời Pháp thuộc. Chúng được dùng làm nền cho chuồng ngựa thuở xa xưa. Và không chỉ mảnh sân mà toàn bộ ngôi nhà của anh Đậu Doãn Vinh đều nằm trọn trong nền bê tông lâu đời ấy.

Anh Đậu Doãn Vinh (phải) giới thiệu nền bê tông từng được sử dụng làm trại nuôi ngựa thời Pháp
Anh Đậu Doãn Vinh (phải) giới thiệu với anh Nguyễn Minh Thùy về nền bê tông từng được sử dụng làm trại nuôi ngựa thời Pháp. Ngôi nhà của anh Vinh hiện nằm trọn trong nền bê tông đặc biệt này.

Thùy đã dẫn tôi đến ngôi nhà đặc biệt ấy, và anh Vinh, chủ nhân của ngôi nhà cho biết, lớp bê tông dày đến nửa mét, theo như ông bà nội và mẹ anh kể lại thì thời Pháp toàn bộ khu vực này là trại ngựa. Anh Vinh, năm nay 43 tuổi, cho hay không biết gia đình mình chuyển đến sinh sống tại đây vào thời điểm nào, mà khi anh sinh ra đã thấy lớp bê tông dưới nền nhà. Những hộ dân xung quanh vì có điều kiện nên đã cải tạo, xây dựng nhà mới, riêng gia đình anh vì khó khăn nên vẫn giữ nguyên nhà ở không thay đổi.

Phường Trường Thi chính thức được thành lập vào ngày 21/8/1982, nhưng lạ cho mảnh đất này, trải qua năm tháng này đến thời kỳ khác vẫn luôn được lịch sử lựa chọn để hình thành trung tâm hành chính, văn hóa - kinh tế - chính trị. Ngược dòng lịch sử, Trường Thi xưa kia gắn liền với địa danh Dũng Quyết. Từ thế kỷ thứ XVI, Dũng Quyết được biết đến là ngọn núi cao nhất trong vùng, cư dân bản xứ còn gọi là rú Quyết. Bấy giờ vùng Dũng Quyết có 2 thôn: thôn Thượng và thôn Hạ. Những năm đầu thế kỷ XX, Dũng Quyết được đổi tên thành Yên Dũng, và Yên Dũng bao gồm hai thôn: Yên Dũng Hạ, Yên Dũng Thượng.

Trường Thi nằm về phía Đông Nam thành Nghệ An, thuộc thôn Hạ, xã Yên Dũng Thượng, huyện Chân Lộc, tổng Yên Trường. Năm 1802, Vua Gia Long - Nguyễn Ánh sau khi lật đổ triều đình Tây Sơn đã xác lập nền cai trị. Gia Long đã vực lại nền giáo dục phong kiến, khôi phục Nho học, tổ chức lại việc thi cử để chọn quan lại bổ sung vào bộ máy cai trị các cấp. Năm 1807, Vua Gia Long cho dời Trường thi Hương Nghệ An từ Lam Thành ra Vĩnh Doanh.

Anh Nguyễn Minh Thùy xem xét một khối cấu kiện bê tông được cho là tồn tại từ thời
Anh Nguyễn Minh Thùy xem xét khối cấu kiện bê tông trên đường Trần Quang Diệu được cho là của Nhà máy xe lửa Trường Thi sót lại từ thời Pháp đến nay.

Lúc đầu trường đóng phía Đông Nam thành Nghệ An, về sau được dựng lại bằng đá ong và gạch vồ trên địa bàn thôn Thượng (Yên Dũng Thượng), xã Yên Dũng - thuộc vị trí tổng hành dinh Bộ Tư lệnh Quân khu IV hiện nay. Trường thi Hương lúc bấy giờ có chu vi 193 trượng (khoảng 800m), xung quanh được xây tường bằng đá ong cao 1,8m. Triều Nguyễn đã tổ chức tại đây được 42 khoa thi Hương, tuyển được 802 cử nhân, trong đó có 562 cử nhân là người Nghệ An.

Năm 1908, cũng chính trên mảnh đất Trường Thi ngày nay, thực dân Pháp đã cho xây dựng xưởng sửa chữa toa xe lửa Đông Dương, về sau gọi là Nhà máy xe lửa Trường Thi với quy mô lớn thứ 3 ở Đông Dương.

Chính tại đây, với sự ra đời của các khu công nghiệp Trường Thi - Bến Thủy do người Pháp dựng lên đã có hàng vạn công nhân làm việc, và hình thành nên giai cấp công nhân đầu tiên ở Vinh nói riêng và Nghệ An nói chung. Vào thời điểm thực dân Pháp đẩy mạnh chính sách khai thác thuộc địa, riêng Nhà máy xe lửa Trường Thi tập trung đến nửa vạn công nhân từ khắp nơi đổ về.

Cho đến cuối thập niên 20 của thế kỷ trước, khi phong trào công nhân và phong trào yêu nước lớn mạnh, để lãnh đạo hoạt động đấu tranh của lực lượng quần chúng, Tỉnh ủy Vinh và Tỉnh ủy Nghệ An đồng thời được thành lập. Và tại Nhà máy xe lửa Trường Thi đã hình thành chi bộ Đảng. Cùng với các chi bộ của các công xưởng, nhà máy như: Nhà máy cưa, Nhà máy Diêm, Cảng Bến Thủy và các chi bộ nông thôn: Lộc Đa, Yên Dũng, Đức Thịnh… công nhân Nhà máy xe lửa Trường Thi đã làm nên một phong trào cách mạng mạnh mẽ vào đầu năm 1930, góp phần to lớn trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931.

Cũng trên mảnh đất Trường Thi - Yên Dũng Thượng vào 12 giờ ngày 21/8/1945 một sự kiện làm nức lòng người dân xứ Nghệ, đó là khi hồi còi tại Nhà máy xe lửa Trường Thi rú lên từng hồi để chào mừng thắng lợi của cuộc nổi dậy giành chính quyền công nhân, nông dân và người lao động Vinh - Bến Thủy. Chính quyền đã chính thức về tay nhân dân.

Bước vào giai đoạn chống thực dân Pháp, người dân Trường Thi - Yên Dũng đã thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Vì thế, các nhà máy, công xưởng, khu công nghiệp Trường Thi - Bến Thủy phần bị phá hủy, phần vận chuyển sơ tán về vùng núi để tiếp tục xây dựng các công xưởng chế tạo vũ khí chống giặc.

Chiến tranh chống thực dân Pháp của nhân dân ta thắng lợi cũng là lúc cả nước bước vào giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Năm 1975 kết thúc chiến tranh, Bắc - Nam sum họp cũng là khi người ta không còn nhận ra một mảnh đất Trường Thi sầm uất ngày nào. Những xóm Mô Mít, Cầu Nại, Quán Lau, hay xóm thợ Bắc Kỳ, phố Tây Đen chỉ còn là những bãi lau lách ít người ở.

Trong hồi ức của mình, ông Nguyễn An Toàn, 84 tuổi, ở khối 9, phường Trường Thi cho biết, vào năm 1968 ông là 1 trong 7 người đầu tiên chuyển đến định cư tại khu vực này (nay là khối 9). Tất cả đều hoang hóa, cỏ mọc um tùm xen giữa hố bom.

Còn ông Nguyễn Văn Thuận, 82 tuổi cũng trú tại khối 9 nói rằng, ngay tại mảnh đất Trường Thi trước đây có một con sông Tây rộng lớn chạy dọc theo Nhà máy xe lửa. “Thời gian và sự quần tụ của các cụm dân cư đã làm bồi lấp biến mất con sông này” - ông Thuận cho hay. Thậm chí ông Thuận còn cho biết, sau năm 1954, tại Trường Thi từng có cụm dân cư Việt kiều chạy nạn trở về từ Thái Lan, Lào theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Nguyễn An Toàn, khối 9, phường Trường Thi cho hay
Gia đình ông Nguyễn An Toàn, khối 9 là một trong số 7 hộ dân chuyển đến sinh sống tại đất Trường Thi vào năm 1968.

Cuộc sống mới hồi sinh sau chiến tranh, các cụm dân cư Trường Thi mới liên tục được hình thành trên nền móng của lịch sử. Tất cả những dấu tích còn lại cũng bị phá bỏ để nhường chỗ cho giai đoạn phát triển mới. Dẫu vậy, thi thoảng người ta lại bắt gặp đâu đó trên các con phố, hay trong khu dân cư những khối bê tông, cấu kiện công trình của nhà máy công nghiệp xưa kia. Và như một sự lựa chọn hữu ý của lịch sử, Trường Thi lại tiếp tục trở thành khu vực hành chính trung tâm của Nghệ An. Đây là nơi đứng chân của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An.

Ông Nguyễn Tất Thiện - Chủ tịch UBND phường Trường Thi còn cho biết, mảnh đất này cũng là nơi tụ hội của gần 80 cơ quan, ban ngành từ Trung ương, tỉnh Nghệ An và thành phố Vinh. “Trường Thi còn có công trình văn hóa đặc biệt quan trọng, đó là Tượng đài Bác Hồ và Quảng trường Hồ Chí Minh, là trái tim của thành phố Vinh, điểm tụ hội của người dân khắp nơi trong tỉnh và bạn bè thập phương. Đó là sự lựa chọn đặc biệt của lịch sử mà chỉ có phường chúng tôi mới có được. Hiện nay, phường có 16 khối dân cư với 3.799 hộ dân, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 75%” - ông Thiện tự hào chia sẻ.

Một đoạn trên đường Trường Thi chạy qua địa bàn phường có cùng tên gọi.
Một đoạn trên đường Trường Thi chạy qua địa bàn phường có cùng tên gọi.

Trở lại với người thanh niên trẻ ham khám phá, Nguyễn Minh Thùy dẫn tôi vòng qua Công viên Nguyễn Tất Thành rồi dừng lại bên hồ Goong. “Dù cuộc sống có thay đổi cách mấy thì hồ nước ni vẫn còn. Sự hình thành của hồ nước là do thời Pháp người ta đào đất để bồi đắp, xây dựng công trình Nhà máy xe lửa Trường Thi” - Thùy tỏ ra hiểu biết.

Trong một buổi chiều nắng Thu rải nhẹ trên phố, thi thoảng chúng tôi lại dừng trên những con phố nhỏ rợp bóng cây xanh. Tôi vẫn im lặng nghe người cán bộ đô thị phường Trường Thi say sưa giải thích về mỗi khối bê tông, tảng đá mà chúng tôi bắt gặp. Chắc hẳn anh phải yêu những con phố ấy lắm. Nó mềm mại thế cơ mà.

Tố Vân

TIN LIÊN QUAN