Vụ Bí thư Yên Bái bị bắn: 'Để kiểm lâm đưa súng vào cơ quan là không ổn'

23/08/2016 21:58

Qua vụ việc ở Yên Bái cho thấy “lỗ hổng” trong việc mang và sử dụng vũ khí. Có chuyên gia đề nghị quy định rõ việc mang và sử dụng vũ khí, quy trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan được trang bị vũ khí.

Thảo luận tại phiên họp thẩm tra sơ bộ về dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sáng 23-8 về quy định nổ súng - một vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian gần đây, đa số ý kiến tán thành quy định như dự thảo Luật Chính phủ trình, đề nghị bám sát các quy định về tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng trong Bộ luật hình sự để quy định đảm bảo chặt chẽ hơn.

Có ý kiến cho rằng, quy định nổ súng như dự thảo luật chưa cụ thể, thiếu định lượng mà chủ yếu dựa trên nhận định chủ quan của người sử dụng vũ khí, dẫn đến khó vận dụng trong thực tiễn, có trường hợp người thi hành công vụ không dám nổ súng vì sợ trách nhiệm, có trường hợp nổ súng quá mức cần thiết dẫn đến vi phạm…

Ông Lê Việt Trường thảo luận tại phiên họp
Ông Lê Việt Trường thảo luận tại phiên họp

Chuyên gia Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (QP-AN) khoá XIII đề nghị thu hẹp đối tượng được hưởng quyền này.

* Những Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, gồm: (Khoản 1, Điều 17 dự thảo Luật)

-Quân đội nhân dân

-Dân quân tự vệ

-Công an nhân dân

-Kiểm lâm, Kiểm ngư

-Lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan; Hải quan cửa khẩu

-An ninh hàng không.

“Luật quy định cho lực lượng an ninh nội địa Mỹ 6 trường hợp được nổ súng, trong đó ghi rõ việc nổ súng khi bảo vệ mục tiêu có giá trị tối cần thiết cho an ninh quốc gia, như bảo vệ cơ sở hạt nhân, bảo vệ cặp lệnh hạt nhân của Tổng thống, bảo vệ hệ thống thông tin và kiểm soát các cơ sở hạt nhân…”, ông viện dẫn, đồng thời đề nghị chỉ áp dụng với 2 trường hợp.

“Cảnh vệ tiếp cận khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đối tượng Cảnh vệ thì sẽ có quyền này, thứ hai là đối tượng giao bảo vệ các công trình bảo đảm an ninh quốc gia. Chứ không thể mở rộng ra”, ông nói.

Theo ông Trường, qua vụ việc ở Yên Bái cho thấy “lỗ hổng” trong việc mang và sử dụng vũ khí. “Luật của Mỹ quy định rất cụ thể, khi Cảnh sát hoạt động ngoài đường thì súng luôn luôn phải bỏ trong bao, chứ không được cầm lung tung. Khi anh tác nghiệp nhiệm vụ có nhu cầu mới được bỏ ra khỏi bao. Kể cả việc mang vũ khí truyền thống thô sơ của người Cô-dắc một số vùng Trung Á cũng quy định rõ khi nào được mang. Chứ kiểm lâm được mang súng vào cơ quan thế là không ổn”, chuyên gia Lê Việt Trường nhấn mạnh.

Ông đề nghị quy định rõ việc mang và sử dụng vũ khí, quy trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan được trang bị vũ khí.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương khẳng định dự thảo Luật cần có thêm quy định về sử dụng vũ khí, tức là vấn đề cấp phát và trang bị vũ khí.

“Vừa qua trường hợp xảy ra ở Yên Bái là vấn đề sử dụng vũ khí. Vũ khí có trang bị cho cá nhân hay không, khi anh đi làm nhiệm vụ xong về anh phải nộp lại. Chứ có anh đưa vũ khí về nhà riêng, khi xảy ra ẩu đả, bức bách không cẩn thận đem ra sử dụng luôn…”, Thứ trưởng Lê Quý Vương khẳng định sẽ cùng với Ban soạn thảo xem xét thêm về vấn đề này, sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Uỷ ban QP-AN Võ Trọng Việt lại cho rằng, nhiều khi luật chuẩn nhưng việc thực hiện luật không chuẩn. “Các trường hợp nổ súng, phòng vệ chính đáng về mặt lý luận, nguyên tắc trong luật rất đầy đủ… Chỉ có mình hiểu, nhận thức, huấn luyện chưa chuẩn”, Thượng tướng cho biết.

“Giống như một ông lái xe mới tập lái, phanh và ga nhầm lung tung, khi cần phanh thì nhấn ga, khi cần đạp ga thì nhấn phanh. Mình huấn luyện kém, khi cần nổ súng thì lúng túng”, ông so sánh.

Về việc giao vũ khí và sử dụng vũ khí, Thượng tướng Võ Trọng Việt khẳng định đã đọc kỹ tài liệu của Bộ Công an và Kiểm lâm: “Vụ ở Yên Bái, ông Chi Cục trưởng nói lấy súng thì chẳng nhẽ lính không đưa. Đáng nhẽ khi ông ở cơ quan thì súng ở cơ quan, khi muốn lấy súng ra ông phải làm thủ tục mấy chữ ký mới được lấy chứ. Có phải luật không quy định đâu, đấy là do việc thực hiện luật kém”, Chủ nhiệm Uỷ ban QP-AN nêu rõ.

Chủ nhiệm Uỷ ban QP-AN Võ Trọng Việt phát biểu ý kiến
Chủ nhiệm Uỷ ban QP-AN Võ Trọng Việt phát biểu ý kiến


Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc thêm quy định nổ súng để đảm bảo chính xác và tính khả thi.

Đánh giá dự thảo luật cơ bản đáp ứng được yêu cầu, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương tiếp tục phối hợp nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý dự án luật; thường trực Uỷ ban QP-AN khẩn trương hoàn thành báo cáo cáo thẩm định sơ bộ để trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

* Những đối tượng được trang bị vũ khí thô sơ, gồm: (Khoản 1, Điều 26 dự thảo Luật)

-Quân đội nhân dân

-Dân quân tự vệ

-Công an nhân dân

-Kiểm lâm, Kiểm ngư

-Lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan; Hải quan cửa khẩu

-An ninh hàng không.

-Câu lạc bộ, trường, trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao

-Trung tâm giáo dục Quốc phòng – An ninh

-Cơ quan, tổ chức khác được thành lập, cấp phép hoạt động trong luyện tập, thi đấu thể thao.

* 5 trường hợp được nổ súng không cần cảnh báo: (Khoản 4, Điều 21 dự thảo Luật)

- Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin, mua bán và vận chuyển trái phép chất ma tuý hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội trên.

- Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật.

- Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe doạ đến tình mạng người thi hành công vụ hoặc người khác.

- Đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ

- Động vật đe doạ trực tiếp đến tính mạng và sức khoẻ của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Theo Vietnamnet

TIN LIÊN QUAN