Thế giới và những đám mây đen

25/09/2016 09:39

(Baonghean) - Một tuần lại trôi qua với những tín hiệu không mấy lạc quan trên sân chơi chính trị lẫn bức tranh tương lai kinh tế toàn cầu. Và để xua tan những đám mây u ám che phủ “siêu cơ quan” toàn cầu hay triển vọng phát triển của các nước là điều không hề đơn giản, khó nóng vội ngày một ngày hai…

Liên Hợp quốc bất lực?

Vụ việc ném bom nhắm vào đoàn xe viện trợ tại Syria mới đây như phủ lớp mây mù bi quan và khiến nhiều người tin rằng tất cả những đàm phán và tranh cãi chính trị suốt thời gian qua đều chẳng đem lại chút lợi ích gì. Song song với đó là nghi vấn rằng liệu Liên Hợp quốc có còn sở hữu một chiến lược hiệu quả đến giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh tại những vùng đất bị chiến tranh tàn phá trên hành tinh này nữa hay không.

Vụ ném bom đoàn xe cứu trợ tại Syria ít nhiều đặt dấu hỏi về vai trò của Liên Hợp quốc. Ảnh: AFP.
Vụ ném bom đoàn xe cứu trợ tại Syria ít nhiều đặt dấu hỏi về vai trò của Liên Hợp quốc. Ảnh: AFP.

Thậm chí, trong bài viết trên tờ DW, tác giả Ines Pohl còn khẳng định Liên hợp quốc hiện đã bất lực, những cấu trúc của tổ chức này đang tỏ ra lỗi thời, bất hoạt và không biết phải làm sao để cứu lấy người dân Syria.

Nhìn lại khi cơ quan này ra đời năm 1945, thế giới hoàn toàn khác với ngày nay. Hậu quả Chiến tranh thế giới thứ 2 còn hiển hiện, các cơ quan chính trị toàn cầu được tạo ra để tránh tái diễn sự kiện đau thương đó. 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an được trao quyền quyết định nhằm ngăn bất cứ siêu cường nào trở nên quá hùng mạnh. Các cường quốc kinh tế quan trọng ngày nay như Brazil hay Ấn Độ không có nhiều tiếng nói về bất cứ vấn đề gì. Thậm chí nước Đức hậu chiến cũng đến năm 1973 mới gia nhập Liên hợp quốc.

Trong khi đó, cấu trúc trung tâm của “siêu cơ quan” này gần như không có gì khác. Nga, Trung Quốc hay Mỹ vẫn có quyền phủ quyết bất cứ nghị quyết nào mà họ không thích. Dĩ nhiên điều này cũng ảnh hưởng đến quá trình tuyển chọn vị trí Tổng thư ký, ngăn ứng viến có tầm nhìn rõ ràng và mạnh mẽ lên lãnh đạo, và rốt cuộc phải chọn ai đó sẵn lòng đi theo con đường trung lập, dĩ hòa vi quý và né tránh đưa ra lập trường trong các vấn đề khó nhằn.

Trong thế giới mà chủ nghĩa khủng bố đang sinh sôi, các quốc gia và cấu trúc chính trị đang tan rã, Liên hợp quốc đáng lẽ ra phải giữ vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, cơ quan này nhiều lúc lại tỏ ra không đủ can đảm hoặc sức mạnh để làm mới mình, để từ đó đối diện với những thách thức kể trên.

Một phần là bởi các cường quốc chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ 2 từ chối thừa nhận rằng chỉ riêng họ thì không thể giải quyết các cuộc xung đột chẳng hạn như tại Syria. Họ phải từ bỏ một phần quyền lực để Đại hội đồng Liên hợp quốc thực sự trở thành công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy sự thấu hiểu hơn nữa giữa các quốc gia.

Khi quan hệ Nga-Mỹ trở nên băng giá hơn, bất cứ cải cách diện rộng nào của Liên hợp quốc cũng khó bề nằm trong nghị trình. Trớ trêu thay điều này đang xảy ra dưới thời một Tổng thống Mỹ như Barack Obama, người nhận thấy từ trước rằng những tranh đấu về hệ tư tưởng hiện hành không thể dẹp bỏ nếu không chấp nhận một trật tự thế giới mới.

Giữa tình cảnh bế tắc đó, Đức đã tuyên bố ứng cử vào ghế thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an trong nhiệm kỳ 2 năm từ năm 2019. Liệu quốc gia đầu tàu châu Âu có giúp ích được gì không vẫn là một câu hỏi chờ tương lai trả lời, nhưng hy vọng vẫn có, bởi Berlin dù ít dù nhiều cũng đã chứng tỏ mình là một trung gian hòa giải tốt giữa các phe bất đồng quan điểm, chẳng hạn như trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Và dẫu sao đi nữa, người ta vẫn khẳng định rằng thà các chính trị gia la lối nhau còn tốt hơn việc họ từ chối đối thoại và quay sang “nói chuyện” bằng vũ lực.

Kinh tế toàn cầu: Viễn cảnh u ám

Ắt hẳn nhiều người vẫn còn nhớ sự kiện phố Wall sụp đổ 8 năm về trước, tiếp theo là cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng trên toàn cầu. Thiệt hại hàng nghìn tỷ USD sản lượng, hàng triệu nhân công rơi vào cảnh mất việc, và cùng với đó là hàng nghìn lời hứa hẹn xoay chuyển tình hình của giới chính khách và hoạch định chính sách - từ Barack Obama và Gordon Brown tới David Cameron và Christine Lagarde.

Thế nhưng, gần 1 thập kỷ trôi qua, gần như chẳng có lấy chút thay đổi nào. Tại Mỹ, Anh và các nước phát triển khác, giới hoạch định chính sách kháo nhau về nền kinh tế phát triển chậm chạp, “nhạt nhẽo”. Còn ở thế giới đang phát triển, sự tình thậm chí còn đáng buồn hơn!

Đây cũng chính là thông tin được 2 cơ quan nghiên cứu kinh tế hàng đầu thế giới là Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cùng Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đưa ra giữa tuần qua.

Triển vọng kinh tế trong thời gian tới không mấy sáng sủa ở cả các nước phát triển lẫn đang phát triển. Ảnh: EPA.
Triển vọng kinh tế trong thời gian tới không mấy sáng sủa ở cả các nước phát triển lẫn đang phát triển. Ảnh: EPA.

Theo tờ Guardian nhận xét, cả 2 bản báo cáo như dày đặc mây mù và thiếu vắng ánh sáng triển vọng. Thậm chí, UNCTAD còn đưa ra cảnh báo rằng hế giới đang ở bên bờ vực “bước bào giai đoạn khủng hoảng tài chính thứ 3”.

Hiện nay, phần lớn khoản vay lãi suất thấp từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Anh và Ngân hàng Trung ương châu Âu đều được những kẻ đầu cơ tài chính đẩy vào các thị trường sinh lời cao ở Nam Phi, Brazil, Ấn Độ,…

Theo ước tính, khoảng 7 nghìn tỷ USD đã được bơm sang các thị trường đang nổi lên dưới dạng các khoản vay ngân hàng và trái phiếu chỉ trong vòng 5 năm sau khi Lehman Brothers sụp đổ - vụ phá sản ngân hàng lớn nhất nước Mỹ. Dòng vốn ồ ạt đổ vào vô hình trung khiến các nước đang phát triển giờ đây ở trong tình cảnh ngập ngụa trong núi nợ tư khổng lồ.

Khu vực tư, phi tài chính ở nhiều nơi trong thế giới đang phát triển hiện có nghĩa vụ trả nợ trị giá gần 150% nguồn thu nhập. Trái lại, con số này khi so sánh ở các nước đang phát triển lại chỉ ngấp nghé ở ngưỡng 80%. Vì thế, trong bối cảnh giá hàng hóa trượt dốc, không hề khó hiểu khi các quốc gia đang phát triển giờ lại lúng túng bước đi tập tễnh thay vì bứt phá và tăng tốc.

Đó là chưa kể đến việc suốt hàng chục năm qua, tỷ lệ GDP chia cho người lao động ở các nước giàu cũng đang giảm xuống. Các nước này đã “lợi dụng ngược” quyền lợi xã hội và dịch vụ công để chi trả các khoản giảm trừ thuế. Mô hình tương tự cũng đang diễn ra tại các nước nghèo, và hệ quả là ở đâu người ta cũng nhìn thấy những khoản nợ “khủng” đi kèm tăng trưởng đáng thất vọng.

Trong ngắn hạn, các “ông lớn” như Mỹ và châu Âu sẽ cần hành động nhiều hơn để ổn định nền kinh tế toàn cầu, thông qua kích thích tài chính và tăng lương, kể cả khi vấp phải sự phản đối của những kẻ nắm hầu bao. Trong dài hạn, những thiếu sót trong tiến trình toàn cầu hóa cần được sửa chữa, để xây dựng một mô hình bền vững, toàn diện hơn, dựa trên mức lương cao hơn, hệ thống thuế và mạng lưới an ninh công công vững chắc hơn.

Phú Bình

TIN LIÊN QUAN