Quỳnh Lưu: Hàng chục tấn cá phải đổ bỏ

24/11/2011 20:34

(Baonghean) -Do thiếu vốn, đầu tư thiếu đồng bộ, không thuê được đất sản xuất, lại gặp thời tiết không ổn định, nhiều cơ sở chế biến thủy hải sản của Quỳnh Phương, Quỳnh Dị (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) phải đổ bỏ hàng chục tấn cá hấp.

Dọc đường về Quỳnh Dị, Đền Cờn, ra bến cá Quỳnh Phương, là sôi động cảnh phơi, đảo cá hấp, cá sấy. Nhưng vừa qua, chúng tôi thấy trời sậm sịt, lác đác mưa, hàng trăm vỉ cá của người dân không buồn thu về. Hóa ra lại gần mớibiết nhiều vỉ đã thối rữa, một số công nhân đang xúc cá đã nhão nhoét và bốc mùi để đổ bỏ. Một vài nơi tiếc của, đem hấp lại, những số cá ấy ăn vào sẽ rất độc hại.



Công nhân tích cực thu gom cá

Anh Thủy Hải ở xóm Tân Hải, xã Quỳnh Phương, cho biết: nhà tôi làm nghề chế biến cá đã gần 10 năm rồi, nhưng hai năm nay liên tục bị thua lỗ vì thời tiết xấu. Năm 2010, gặp bão cá bị hỏng hết, tháng 9 năm nay mưa nhiều quá, lạibị hỏng 5 tấn cá, một tấn thành phẩm 43 triệu đồng, vậy là mất đứt 215 triệu đồng, bây giờ trời vẫn mưa, tôi lại chưa có lò sấy nên cá mới hỏng như vậy. Cá hỏng bán không được, phải cho lợn hoặc đổ bỏ thôi, cá này thuê công nhân thu dọn càng thêm mất tiền công.

Gia đình anh Thủy Hải một tháng chế biến tới vài trăm tấn cá, nào cá cơm, cá nục cấp đông, anh đã đầu tư kho cấp đông, lò hấp nhưng chưa có lò sấy. Cơ sở sản xuất của anh hiện đã quá chật và anh làm đơn xin được thuê đất của xã để sản xuất nhưng lâu rồi chưa có kết quả. Hồ sơ đã gửi xã, gửi huyện nhưng còn phải đợi tỉnh. Cá của ngư dân về có hôm nhiều quá, mình mua cho bà con, rồi lại chịu lỗ vì trời cứ mưa mãi.



Nhiều vỉ cá bị hỏng phải bỏ đi

Không chỉ gia đình anh chịu cảnh thua lỗ do thời tiết, mà các cơ sở KimLiên, anh Hải Bình, anh Đạt, chị Yến Hậu, anh Sơn ở Quỳnh Phương và Quỳnh Dị cũng thường xuyên bị hỏng hàng chục tấn cá. Hiện mới chỉ có doanh nghiệp Phương Mai, Kim Liên đầu tư hệ thông hấp sấy đồng bộ, cá được chế biến đảm bảo vệ sinh, trời không có nắng lập tức cá được mang sấy khô. Nhưng ngay cả như doanh nghiệp Kim Liên cũng đã bị hỏng nhiều cá vì chạy mưa không kịp. Còn tất cả các hộ còn lại là chưa đầu tư đầy đủ nhà xưởng, lò sấy.

Anh Phạm Văn Đạt - xóm Phú Lợi 1, xã Quỳnh Dị chế biến cá khô, cá gai hai năm nay cho biết: năm ngoái anh bị thiệt hại 20 triệu đồng tiền cá vì mưa bão, năm nay bị hỏng gần 7 tấn. Gia đình đã thuê 20 lao động nhưng lúc mưa vẫn chạy cá không kịp. Một ngày trả tiền công cho họ 100 ngàn đồng, và một bữa ăn trưa. Thế nhưng trời càng mưa thì không những cá bị hỏng mà tiền công trả cho người làm càng nhiều vì cứ bưng ra bưng vào liên tục. Hỏi vì sao anh không đầu tư lò sấy, anh cho biết: còn thiếu vốn lắm, mới đầu tư gần 500 triệu nhà xưởng, rồi lò hấp, lại liên tục bị hỏng cá nên chưa đầu tư được. Tìm hiểu được biết, gia đình anh cũng chưa có đất sản xuất ổn định mà đang phải thuê lại của người khác.

Đến doanh nghiệp chị Phương Mai - một doanh nghiệp lớn nhất về chế biến hải sản ở đây, thấy chị và công nhân đang khẩn trương thu dọn các vỉ cá vì trời sắp mưa. Cả mấy chục con người hối hả chạy đua với thời tiết, mặt ai cũng căng thẳng. Chị cho biết: đã nhiều lần bị thất bại như nhiều người khác nên chị phải đầu tư đồng bộ các máy móc để hấp, sấy, bảo quản cá. Bà con bị hỏng cá nhiều cũng là do thiếu vốn, chưa được hỗ trợ trong sản xuất. Chị còn đầu tư cả máy phát điện đề phòng mất điện. 1 kg cá chế biến bằng điện máy phát, giá thành đội lên thêm 1.200 đồng, nhưng không có máy phát trong điều kiện điện phập phù càng nguy hiểm. Ở những doanh nghiệp chế biến cá, hầu hết mọi người đều không ngủ trưa, phải chạy đua với thời tiết, phải nhìn trời liên tục. Chị cũng phải thuê ổn địnhgần 100 ngườiđể "chạy cá". Vì thế phải trả lương đầy đủ cho họ để giữ người cả những lúc không có hàng.

Quỳnh Dị và Quỳnh Phương là một trong những trung tâm khai thác và chế biến hải sản của Quỳnh Lưu và của tỉnh Nghệ An. Nơi đây còn thu mua và chế biến cá cho nhiều xã khác, nhiều tỉnh khác Chế biến nâng cao giá trị con cá, con moi lên ít nhất là 3 lần, vì thế đời sống người đánh bắt cũng được nâng cao hơn, đồng thời tạo thêm việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động khác. Thế nhưng hiện này người chế biến thủy hải sản ở đây chưa được nhà nước hỗ trợ nguồn vốn nào, nhất là đối với các hộ gia đình, không tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng. Cơ chế chính sách cho hỗ trợ về hấp, sấy cũng chưa có. Khi được hỏi, bà con ở đây đều cho rằng chưa hề có chính sách nào hỗ trợ cho họ.

Chế biến bền vững là một trong 3 chân kiềng để ngành thủy sản phát triển và nâng cao đời sống của người dân vùng biển. Hiện nay bà con làmnghề đang gặp quá nhiều khó khăn, muốn vươn lên trong làm ăn xóa đói giảm nghèo và tạo việc làmcho người khác nhưng đất đai thiếu, vốn thiếu. Một lò sấy cá chỉ 400 triệu đồng nhưng với nhiều hộ đang là giấc mơ...


Châu Lan