Dũng sỹ đường Hồ Chí Minh trên biển ngày ấy - bây giờ.

23/10/2011 10:19

(Baonghean.vn) Nhà ông Nguyễn Văn Giáp xập xệ nằm cuối thôn Thọ Thành ( xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Lưu - Nghệ An). Ông Giáp vừa qua một trận ốm, sức khỏe chưa kịp phục hồi, nhưng vẫn hào hứng trong câu chuyện về một thời “huyền thoại” đã qua.

Một thời “mở đường” trên biển

Năm 1968, khi ấy ông Giáp đang là xã viên của HTX vận tải Quỳnh Thọ, thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao phó, Đảng bộ tỉnh Nghệ An tổ chức phát động chiến dịch vận chuyển lương thực vào Miền Nam phục vụ kháng chiến. Đồng chí Chu Mạnh, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Nghệ An cùng Đồng chí Lê Quang Hòa, Thiếu tướng Tư lệnh Quân khu 4 về huyện Quỳnh Lưu trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đảng bộ và nhân dân huyện Quỳnh Lưu thực hiện vận chuyển 2500 tấn lương thực vào chiến trường Miền Nam bằng đường biển .



Ông Nguyễn Văn Giáp với những giấy tờ đề nghị được xét trợ cấp



Những tấm bằng khen, huân chương, huy hiệu 30 năm tuổi đảng được treo trang trọng trên bức tường đã bong tróc

Đảng bộ và nhân dân xã Quỳnh Thọ lấy HTX Vận tải Quỳnh Thọ làm nòng cốt mở màn cho chiến dịch. Để dồn lực cho chiến dịch, ban lãnh đạo đã huy động thêm hai thuyền của HTX đánh cá. Tất cả có 17 thuyền thô sơ loại trọng tải 17 tấn. Ngày 25/3/1968, đoàn thuyền chở hàng ra Lạch Thơi ( xã Sơn Hải) chuẩn bị hành trình trên biển (gọi là đi B). Nhưng vào lúc đó, máy bay và tàu chiến của Mỹ thả thủy lôi dữ dội gây khó khăn cho đoàn thuyền. Nhận thấy tình hình có phần ác liệt, Ban Chỉ huy gồm các đồng chí Trần Quang Xán (Chủ tịch UBHC Quỳnh Lưu), Nguyễn Xuân Mai(Ty GTVT Nghệ An) và Trần Huy Vĩnh ( Bí thư Đảng ủy Quỳnh Thọ) ra quyết định cho 16 thuyền quay vào bờ ngụy trang ẩn náu. Còn lại một thuyền sẽ tiếp tục ra khơi, đó là chiếc thuyền do Nguyễn Văn Giáp làm thuyền trưởng.

Ông Giáp cho biết: Tình hình trên biển lúc đó ác liệt lắm, nếu như xuất phát cả đoàn thì quá mạo hiểm. Để bảo đảm an toàn cho hàng hóa và phương tiện, Ban Chỉ huy đã quyết đinh “hy sinh” một chiếc thuyền, mở "đường máu" đưa hàng tới đích. Nếu lúc đó, cả đoàn mà quay lại thì sẽ chiến dịch sẽ mất hết khí thế. Thuyền của ông lúc đó có thêm các ông Nguyễn Điện, Nguyễn Bính, Nguyễn Bảng, Lê Lai. Sau 3 ngày đêm lênh đênh trên biển, vượt qua bao làn đạn của kẻ thù, thuyền của ông đã tới đích an toàn và giao hàng đầy đủ. Sau đó, 16 chiếc thuyền còn lại tiếp tục hành trình vận chuyển lương thực vào tiền tuyến.

Đến những năm 1970 – 1971, ông Giáp tiếp tục tham gia TNXP đường mòn Hồ Chí Minh (Đoàn 559). Năm 1976, ông phục viên về quê làm chủ nhiệm HTX Quỳnh Thọ. Năm 1978, tại Sở GTVT Nghệ An, ông được phong tặng danh hiệu Dũng sỹ đường Hồ Chí Minh trên biển cùng với các ông Đàm Văn Luật, Trần Phú Khanh.

Đau đáu nỗi niềm

Rồi tuổi già ập đến, ông càng ngày càng yếu. Ông cho chúng tôi xem một loạt các giấy tờ khám chữa bệnh tại các bệnh viện. Năm 2009, ông bắt đầu bị bệnh thần kinh tọa cấp, thoái hóa đốt sống thắt lưng, gai đốt sống chẻ đôi. Cơn bạo bệnh khiến ông phải nằm liệt giường mấy tháng và hiện tại ông vẫn chưa đi vững trở lại.

Hai vợ chồng ông Giáp đã già yếu, bệnh tật

Gia đình ông có 4 người con. Hai người con gái lấy chồng xa, hai người con trai cũng đi làm ăn xa, điều kiện kinh tế khó khăn không trợ cấp nhiều cho ông bà. Hiện tại, ông bà vẫn sống trong một căn nhà cấp 4 cũ kĩ có tuổi đời trên 50 năm, nguy cơ sập rất lớn. Năm 2006, một cơn bão đã khiến căn nhà bếp bị sập và vợ ông là bà Phạm Thị Toản bị chấn thương ảnh hưởng đến sức khỏe. Hai ông bà, sống bằng sự hỗ trợ của con cái và chế độ của hộ nghèo (không nằm trong khung bảo trợ) 500nghìn/năm. Ngoài ra, hai ông bà không có một khoản trợ cấp nào khác. Theo ông Giáp cho biết, ông đã nhiều lần làm đơn lên các cấp các ngành nhưng vẫn chưa được giải quyết vì hồ sơ của ông thiếu những giấy tờ chứng nhận gốc quan trọng. Bà Phạm Thị Toản vợ ông nói: “Sau bao nhiêu năm, không ai nghĩ là có lúc cần phải lo chế độ nên giấy tờ thất thoát hết, bây giờ có muốn được trợ cấp một tháng vài trăm nghìn cũng không được. Cũng khó mà có thể sống đến tuổi 80 để hưởng trợ cấp người già”

Với nỗi lo nhà sập, ông kể, xã Quỳnh Thọ cũng hứa sẽ hỗ trợ 4 triệu đồng nếu ông sửa lại, và hỗ trợ 7 triệu đồng nếu ông xây mới . Ông chua chát: “Ở thời kì vật giá tăng cao, tôi không dám xây hay sửa chỉ với 4 hay 7 triệu đồng ”

Trao đổi với chúng tôi về trường hợp của ông Nguyễn Văn Giáp, ông Trần Huy Vinh- Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thọ cho biết : Ông Giáp trước kia là xã viên của HTX Vận tải Quỳnh Thọ, có tham gia vận chuyển hàng hóa bằng thuyền. Nhưng về việc HTX Vận tải Quỳnh Thọ có tham gia chiến dịch đường Hồ Chí Minh trên biển hay không thì chính quyền xã không dám khẳng định. Hiện xã cũng không có căn cứ để có thể đảm bảo chế độ cho những trường hợp này.

Chúng tôi cũng tìm gặp ông Nguyễn Văn Giáng ( 63 tuổi, thôn Thọ Thành), từng được UBND tỉnh Quảng Trị tặng kỷ niệm chương Chiến sĩ bảo vệ thành cổ Quảng Trị là một người cũng từng tham gia 3 chuyến vận chuyển hàng cùng đoàn thuyền của HTX Vận tải Quỳnh Thọ và một số người từng tham gia chiến dịch đường Hồ Chí Minh trên biển của HTX Vận tải Quỳnh Thọ hiện nay vẫn còn sống nhưng đã già và bệnh tật như ông Nguyễn Văn Đức, Phạm Văn Dậu, Lê Xuân Thăng… đều được nghe họ kể và chứng thực về việc này.

Vậy là sau 50 năm, khi con đường huyền thoại trên biển đã đi vào lịch sử thì chính quyền UBND xã Quỳnh Thọ vẫn không nắm được HTX mình có tham gia chiến dịch hay không và những người như ông Giáp, ông Giáng cũng vẫn lặng lẽ khuất lấp sau thời gian? Thiết nghĩ, không khó khăn để có thể chứng minh điều này, và cũng không khó lắm để làm một việc có ý nghĩa cho người từng được phong dũng sỹ trên con đường huyền thoại, khi mà cả nước đang hướng về ngày kỉ niệm trọng đại này, nếu cấp ủy, chính quyền quan tâm, trân trọng những công lao to lớn của những người một thời vào sinh ra tử vì Tổ quốc.


Nguyễn Thị Quỳnh- T.V