Do không có vắc xin?
(Baonghean) - Dịch cúm gia cầm tại xã Quỳnh Xuân (Quỳnh Lưu) đang diễn biến phức tạp. Mặc dù đã có sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp và người dân, song công tác dập dịch đang gặp rất nhiều khó khăn, do không có vắc xin cúm gia cầm.
Ông Vũ Văn Từ - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Xuân (Quỳnh Lưu), Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch xã Quỳnh Xuân cho biết: Toàn xã có tổng đàn gần 20.000 con gia cầm đang phát triển bình thường, thì từ ngày 20- 22/10/2011 xuất hiện một số ngan, gà, vịt bị chết tại hộ ông Vũ Văn Vịnh và hộ Lê Xuân Thanh ở xóm 2. Đàn vịt của hai hộ trên đồng loạt có biểu hiện ít ăn, đứng rù, bại chân và chết hàng loạt. Chiều ngày 26/10, có kết quả xét nghiệm của cơ quan Thú y vùng III kết luận đàn vịt bị bệnh dịch cúm gia cầm. Sáng ngày 27/10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch huyện, Phòng Nông nghiệp, Trạm Thú y đã chỉ đạo UBND xã Quỳnh Xuân triển khai các biện pháp chống dịch cúm gia cầm, và đã xử lý tiêu huỷ toàn bộ đàn vịt của hộ ông Vũ Văn Vịnh 272 con, hộ ông Lê Văn Thanh 174 con. Xã Quỳnh Xuân lập tức họp các xóm để thông báo tình hình dịch bệnh trong xã, đề nghị huyện cấp thuốc phun khử trùng tiêu độc cho các xóm chưa bị dịch bệnh. Tuy nhiên, từ ngày 30/10 đến nay, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, liên tục gia tăng số hộ có đàn gia cầm bị dịch bệnh, phải tiêu huỷ. Đến trưa ngày 6/11, dịch bệnh đã xảy ra trên phạm vi 4 xóm, gồm: xóm 2, 3, 6, 9, với tổng đàn gia cầm đã tiêu huỷ 1.853 con, ngoài ra, trước khi chưa có kết luận dịch bệnh của cơ quan Thú y, người dân đã tự tiêu huỷ hơn 1.000 con vịt, ngan chết. Hiện, xã đã vôi bột và tập trung phun thuốc khử trùng, khống chế lây lan, yêu cầu các chủ hộ chăn nuôi nhốt vịt tại nhà, không thả vịt ra đồng; giao các xóm trưởng theo dõi sát những đàn vịt chạy đồng, vịt nuôi tại nhà dân, nắm tình hình báo cáo cho xã kịp thời xử lý.
Chị Hoa (xóm 2 Quỳnh Xuân) rải vôi khử trùng sau khi đã tiêu hủy
toàn bộ đàn gia cầm.
Anh Lê Xuân Thanh- xóm 2, cho biết: Gia đình tôi nuôi 600 con vịt tơ, ngày 17/10/2011, đàn vịt có biểu hiện ăn ít, một ngày sau thấy vịt đứng rù, nóng sốt, tôi chạy vào Trạm Thú y huyện Quỳnh Lưu lấy thuốc dịch tả và tụ huyết trùng về tiêm cho đàn vịt. Sau khi tiêm, xảy ra hiện tượng vịt chết nhiều, mỗi ngày chết trên, dưới 100 con. Ngày 18/10, gia đình báo lên UBND xã Quỳnh Xuân. Xã báo lên huyện về kiểm tra tại đàn, lấy mẫu đưa đi xét nghiệm, đến ngày 26/10 có kết quả xét nghiệm dương tính H5N1. Lúc đó đàn vịt của gia đình đã chết cả 600 con. Trước đó, đàn vịt bị chết hơn 400 con, gia đình tự tiêu huỷ, đến khi xã và huyện tổ chức tiêu huỷ chỉ còn 170 con. Như vậy 430 con vịt chết mà gia đình phải tiêu huỷ không được hỗ trợ, rất thiệt thòi cho chúng tôi, đã khó lại càng khó thêm.
Chị Nguyễn Thị Hoa- xóm 2 thổ lộ: Tổng đàn gà, vịt, ngan của gia đình tôi có 355 con, trong đó đàn gà 80 con, cân nặng hơn 2 kg/con; đàn ngan 110 con, cân nặng trên 3 kg/con; đàn vịt đẻ có 80 con và 85 con vịt thịt. Bây giờ đã tiêu huỷ hết cả 355 con, nhưng đến khi xã và huyện về lập biên bản tiêu huỷ thì chỉ còn 255 con, trước đó hơn 100 con gà, vịt, ngan chết gia đình phải tự đi tiêu huỷ không được tính vào hỗ trợ. Giờ đây chuồng trại trống trơn, biết bao công sức và tiền của ngày ngày đổ vào chăm sóc giờ đây chỉ còn con số 0.
Hiện nay, người dân xã Quỳnh Xuân đang lo lắng vì môi trường chăn nuôi không đảm bảo, hàng ngày tiếp xúc với đàn gia cầm, sợ nguy cơ lây dịch bệnh sang người. Hơn nữa, những đàn gà, vịt khoẻ mạnh đến ngày xuất chuồng, thu hoạch nhưng bán không ai mua, rất khó khăn cho người chăn nuôi, nhất là những hộ nghèo đang phải vay nợ tiền giống, tiền thức ăn nay đang lao đao, túng quẫn. Mong Nhà nước sớm cấp tiền hỗ trợ tiêu huỷ cho người dân, giúp họ phần nào ổn định cuộc sống.
Ngày 31/10/2011, UBND huyện Quỳnh Lưu có Công điện số 12 về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm. Theo đó, chỉ đạo xã Quỳnh Xuân phải khoanh vùng nơi dịch xảy ra, giám sát chặt chẽ, không bán chạy gia cầm nghi bệnh và tiêu huỷ nhanh những đàn gia cầm phát bệnh theo sự hướng dẫn của Thú y. Tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ địa bàn xã. Dùng vôi bột rải trên các trục đường chính, khu vực xóm đang có dịch xảy ra. Tổ chức tiêm vắc xin cúm gia cầm quanh vùng dịch để khống chế dịch lây lan...
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Nghĩa Bính- Trạm trưởng Trạm Thú y Quỳnh Lưu, cho biết: Từ năm 2003 đến 2010, đều có thuốc tiêm phòng 2 lần/năm cho đàn gia cầm toàn huyện. Nhưng năm 2011, Cục Thú y chỉ đạo tạm ngừng không tiêm vắc xin cúm gia cầm vì hiệu lực của thuốc đã tiêm bấy lâu nay không cao. Do vậy, hiện nay dịch xảy ra trên địa bàn xã Quỳnh Xuân không có vắc xin để tiêm phòng nên dịch kéo dài, lây lan nhanh. Giải pháp khắc phục hiện nay cũng chỉ triển khai được ở các khâu như: tiêu huỷ những con bị bệnh, khử trùng tiêu độc, cấm lưu thông vận chuyển gia cầm trong vùng dịch, tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu về tình hình dịch cúm gia cầm đang xảy ra trên địa bàn... Theo ông Bính nếu có vắc xin tiêm phòng thì trong vòng 1 tuần sẽ khống chế được dịch bệnh. Như vậy, có nghĩa việc dập dịch cúm gia cầm tại Quỳnh Xuân như hiện nay chỉ còn biết hy vọng vào sự miễn dịch tự nhiên của đàn gia cầm(.!)
Quỳnh Lan