Lãi suất hạ kích thích đầu tư sản xuất

22/05/2013 12:29

(Baonghean) - Nền kinh tế tiếp tục suy yếu, hàng tồn kho ở mức cao. Trước thực tế đó, từ đầu năm đến nay lãi suất đã liên tục được điều chỉnh giảm tới mức thấp nhất trong những năm gần đây, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kích thích sản xuất, lưu thông hàng hoá, bước đầu đã tạo tín hiệu khả quan cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.

Lâu nay người ta thường nói tới hàng tồn kho của doanh nghiệp, song những tháng đầu năm 2013 đã xuất hiện thêm đối tượng có hàng tồn kho đó là nguồn vốn của ngân hàng. Sự ứ đọng vốn tại các nhà băng đã phản ánh chân thực nhất khả năng hấp thụ vốn và năng lực sản xuất của nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giải pháp hạ thấp lãi suất nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hối thúc sản xuất, kích thích lưu thông hàng hoá, giải phóng hàng tồn kho, được xem là động thái mạnh, tác động nhanh nhất tới nền kinh tế.

Tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Nghệ An, từ đầu tháng 3 đến nay đã đưa ra 9 gói lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Trong đó, gói dành cho khách hàng doanh nghiệp vay thời hạn dưới 3 tháng, lãi suất 7,5%/năm, chỉ trong thời gian ngắn ngay sau khi triển khai đã giải ngân hết nguồn. Gói dành cho khách hàng cá nhân vay sản xuất, kinh doanh, lãi suất 9%/năm trong 3 tháng đầu.

Đặc biệt, gói khách hàng doanh nghiệp vay thời hạn dưới 6 tháng, lãi suất 8,5%/năm, đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều khách hàng được tiếp cận nguồn vốn rẻ trong thời gian phù hợp để đầu tư sản xuất, kinh doanh và quay vòng vốn. Cùng với các gói lãi suất ưu đãi, kể từ ngày 13/5/2013, để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và hộ dân trong sản xuất kinh doanh, Chi nhánh đã thực hiện đánh giá, rà soát dư nợ các khoản vay cũ có mức lãi suất cao hơn 13%/năm điều chỉnh về tối đa 13%/năm. Với tổng dư nợ gần 1.000 tỷ đồng, lãi suất trên 13%/năm đã được điều chỉnh về mức cao nhất là 13%/năm.

Theo bà Lê Thị Lý - Trưởng phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Nghệ An: “Tác động của các gói hỗ trợ lãi suất rất lớn, tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong tháng 4. Ba tháng đầu năm Chi nhánh tăng trưởng tín dụng âm, thì trong tháng 4 dư nợ cho vay của Chi nhánh tăng 5% so với tháng 3. Đây là cơ hội để doanh nghiệp tranh thủ vay vốn lãi suất thấp, hỗ trợ tích cực vào sản xuất kinh doanh. Mặt khác, một số khách hàng đã cải thiện được tình hình tài chính nên đã tăng hạng xếp loại, dư nợ được vay tăng”.

Đối với Chi nhánh Agribank Nghệ An, việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đã thúc đẩy tăng trưởng tín dụng khá mạnh, đến đầu tháng 5, dư nợ cho vay tăng khoảng 6,7% so với đầu năm. Nguồn vốn chủ yếu được đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho nông dân vay phục vụ sản xuất, chi phí mùa vụ, vay sửa chữa nhà cửa… Lãnh đạo Agribank Nghệ An cho biết, Chi nhánh đang tích cực huy động các nguồn vốn nhàn rỗi nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng, đồng thời giảm lãi suất cho vay để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hộ dân. Tuy nhiên, điều kiện vay vốn không nới lỏng, thậm chí còn chặt chẽ hơn trước đây.

Giám đốc Ngân hàng Vietcombank Vinh cho biết: Việc điều chỉnh giảm mạnh lãi suất đã nhanh chóng có hiệu ứng tích cực, nhu cầu vay vốn tăng, nguồn vốn rẻ được chảy ra đầu tư cho nền kinh tế. Tại Vietcombank Vinh, tính đến giữa tháng 5/2013, dư nợ cho vay tăng 12% so với đầu năm, với lãi suất cho vay rẻ nhất là 7,5%/năm, cao nhất 13%/năm.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Sinh - Giám đốc Công ty CP Austdoor Nghệ An phấn khởi chia sẻ: “Những năm trước có thời điểm doanh nghiệp chúng tôi vay vốn với lãi suất xấp xỉ 22%/năm. Hiện nay chúng tôi được tiếp cận vốn với lãi suất 11%/năm, như vậy đã giảm được 1/2 chi phí lãi suất so với thời điểm lãi vay cao nhất, có điều kiện thuận lợi hơn để doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, sản phẩm cạnh tranh thị trường tốt hơn. Trong điều kiện khó khăn chung hiện nay, đơn vị chúng tôi vẫn duy trì sản xuất ổn định, đảm bảo việc làm và lương cho công nhân”.



Sản xuất cửa cuốn tại Công ty CP Austdoor Nghệ An.

Bà Nguyễn Thị Loan - Phó Giám đốc Công ty TNHH Việt Mỹ bộc bạch: Công ty chúng tôi chuyên sản xuất phân bón NPK và kinh doanh thương mại, sản phẩm chủ yếu phục vụ thị trường nông nghiệp nông thôn. Có thời điểm lãi suất vay ngân hàng cao trên 22%/năm, trong khi doanh nghiệp thường xuyên cho dân vay phân bón từ đầu vụ sản xuất, đến cuối vụ mới thanh toán tiền (không tính lãi) nên rất khó khăn cho đơn vị. Vừa qua, chúng tôi vay vốn 8,5 tỷ đồng tại Ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất 10%/năm. Có nguồn vốn tương đối rẻ, doanh nghiệp tập trung đầu tư sản xuất khoảng 1.000 tấn phân bón NPK để phục vụ sản xuất vụ hè thu. Hiện nay hàng hoá của đơn vị đã được lưu thông, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Qua tìm hiểu ở các doanh nghiệp được biết hiện nay vấn đề lãi suất không còn căng thẳng như các năm trước, mà điều mong mỏi nhất trong giai đoạn này là thị trường tiêu thụ. Làm sao để thúc đẩy sản phẩm lưu thông khi sức mua của thị trường vẫn cầm chừng? Đó là trăn trở lớn nhất hiện nay của khu vực doanh nghiệp sản xuất. Chính rào cản này là nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa đầu tư mạnh cho sản xuất...


Quỳnh Lan