Nhiều ngành học sẽ không được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước

25/09/2013 18:28

Đối với những ngành đào tạo có khả năng xã hội hóa cao, mức đóng học phí được quy định trên cơ sở tính đủ chi phí, tương ứng với chất lượng đào tạo, ngân sách nhà nước không hỗ trợ, trừ đối tượng chính sách.

Đây là một trong những giải pháp của Dự thảo Đề án cải cách giáo dục mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra.

Chuyển cơ chế cấp phát kinh phí bình quân sang đặt hàng

Ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT, thành viên Ban soạn thảo Đề án cho biết, một trong những nội dung dự thảo Đề án cải cách đưa ra là chuyển cơ chế cấp phát kinh phí bình quân sang đặt hàng trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng của một số loại hình dịch vụ đào tạo, không phân biệt cơ sở đào tạo công lập và ngoài công lập nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh và phát triển bình đẳng.

Bảo đảm mức chi cho mỗi người học tương ứng với chất lượng, phù hợp ngành nghề và trình độ đào tạo, nhất là đối với giáo dục nghề nghiệp. Minh bạch hóa các hoạt động liên danh, liên kết của các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo công; khắc phục tình trạng công tư lẫn lộn. Đổi mới cơ chế phân phối của các trường công theo hướng vừa bảo đảm quyền lợi của người lao động, người học, vừa có tích lũy tái đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất của trường.

Theo đó, có chính sách, cơ chế, quy định tỷ lệ đóng góp của người học, xã hội và Nhà nước trong chi phí giáo dục. Đối với những ngành đào tạo có khả năng xã hội hóa cao, mức đóng học phí được quy định trên cơ sở tính đủ chi phí, tương ứng với chất lượng đào tạo, ngân sách nhà nước không hỗ trợ, trừ đối tượng chính sách.

Xây dựng cơ chế học phí cao - chất lượng cao đối với một số chương trình đào tạo, có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước và xã hội. Tiếp tục hoàn thiện chính sách và cơ chế tín dụng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay để chi trả cho việc học. Khuyến khích việc hình thành các quỹ học bổng giúp cho học sinh nghèo và học sinh giỏi.

Xây dựng chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Có cơ chế quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động tham gia vào quá trình đào tạo và đầu tư cho đào tạo. Thực hiện chính sách tài chính khác nhau đối với trường không vìlợi nhuận và trường vì lợi nhuận. Tiến tới bảo đảm sự bình đẳng về quyền của người học ở trường công lập và người học ở trường ngoài công lập. Có cơ chế ưu đãi tín dụng cho các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Ông Bùi Mạnh Nhị khẳng định: “Ngân sách nhà nước đóng vai trò quyết định cho giáo dục phổ cập. Quan tâm đầu tư hơn nữa cho giáo dục vùng cóđồng bào dân tộc thiểu số, vùng cóđiều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, những ngành nghề cần thu hút người học. Theo đó, xóa bỏ phòng học tạm, thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật giáo dục, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin. Đảm bảo đến năm 2020 số học sinh/lớp không vượt quá quy định của từng cấp học. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ để có đủ "đất sạch" cho việc xây dựng trường, quản lý nghiêm ngặt không để đất quy hoạch cho xây trường sử dụng vào mục đích khác”.



Hiện nay, mức chi cho một sinh viên đại học/năm là 0,5 lần thu nhập quốc dân bình quân đầu người/năm.

Mức chi cho một sinh viên đại học/năm tối thiểu bằng 1,2 lần thu nhập quốc dân

Hiện nay, mức chi bình quân tối thiểu cho một sinh viên đại học/năm ở Việt Nam mới chỉ đạt 0,5 thu nhập quốc dân bình quân đầu người/năm. Các chuyên gia nghiên cứu giáo dục cho rằng phải tăng mức mức chi tối thiểu này lên bằng 1,2 lần thì mới có chất lượng.

Đó là một trong những nhiệm vụvà giải pháp của dự thảo Đề án cải cách giáo dục đưa ra.

Ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT, thành viên Ban soạn thảo Đề án cho biết: “Việc duy trì mức học phí thấp và cào bằng giữa các ngành học tồn tại nhiều năm (từ năm 1998 đến 2010) và chưa có chế tài quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng lao động qua đào tạo đóng góp đầu tư cho giáo dục, nên đã làm hạn chế nguồn tài chính giáo dục.

Do vậy, ngân sách chi cho giáo dục tối thiểu đạt 20% tổng chi ngân sách. Bảo đảm đủ kinh phí đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục. Tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, tỷ lệ chi cho lương và phụ cấp theo lương không quá 75% tổng kinh phí chi thường xuyên hàng năm. Mức chi (tất cả các nguồn) cho một sinh viên đại học/năm tiến tới tối thiểu bằng 1,2 lần thu nhập quốc dân bình quân đầu người/năm thì mới có chất lượng. Hiện nay, mức chi bình quân này ở Việt Nam mới chỉ đạt 0,5.

Được biết, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tăng lên đáng kể, từ 210.000 đồng (14 USD/người/năm) ở năm 2000 lên 1.939.310 đồng (92 USD/người/năm ở năm 2012.

Theo ông Nhị, quy định hiện hành, đối với các cơ sở giáo dục, cơ cấu chi ngân sách nhà nước là 80% cho lương và phụ cấp theo lương, 20% cho các hoạt động giáo dục (80/20). Nay quy định này không còn phù hợp vì các nhà trường đã được trang bị thêm các thiết bị phục vụ việc dạy, học và quản lý nhà trường. Mặc dù vậy, vẫn có không ít nhà trường không đủ 20% kinh phí đảm bảo hoạt động, tỷ lệ chi cho lương và phụ cấp theo lương vẫn chiếm tới 90 - 95%. Một số địa phương đã thay đổi tỷ lệ chi, ví dụ thành phố Hà Nội: 70/30 đối với trung học phổ thông, 75/25 đối với tiểu học và trung học cơ sở...

Hiện nay, tổng số nguồn vốn ngoài ngân sách chiếm khoảng 25 - 30% tổng vốn đầu tư cho giáo dục. Giáo dục ngoài công lập phát triển, đặc biệt là ở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Ở năm học 2011 - 2012, tỷ lệ học sinh, sinh viên theo học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập là: tiểu học 0,6%, trung học cơ sở 0,6%, trung học phổ thông 9,1%; trung cấp chuyên nghiệp 26,7%; cao đẳng 18,8% và đại học 13,1%.


Theo Dân trí-LH