Ghi ở vùng đất khó
(Baonghean) - Không phải bỗng dưng mà người ta gọi các xã phía Bắc huyện Nghĩa Đàn là vùng đất khó. Nơi đây cuộc sống còn kém xa nông thôn miền xuôi, rất nhiều hộ đứt bữa. Đất trồng trọt thì tốt, thì rộng đấy nhưng nhiều gia đình thiếu đất sản xuất. Được mùa mía thì mất mùa giá, phí vận chuyển đội cao.
Từ Thị trấn huyện Nghĩa Đàn, chúng tôi theo hướng Đông Bắc trên những con đường đất ngoằn nghèo dài hơn 10 km về xóm Tân Thọ, 1 trong 5 xóm của xã Nghĩa Thọ, giáp ranh tỉnh Thanh Hóa. Đường về Nghĩa Thọ xấu, lồi lõm ổ gà, ổ voi; nhiều đoạn đường bị lở nghiêm trọng. Nghĩa Thọ bạt ngàn màu xanh thẫm của mía, cao su, cây ăn trái, lúa và cây dại… song nơi đây không toát lên vẻ trù phú mà ngược lại trầm buồn, tĩnh lặng, ám ảnh cái sự đói nghèo. Những căn nhà nhỏ đủ loại tôn, gạch, gỗ, tranh tre nằm lác đác khắp núi đồi gợi nhớ về một miền Tây xứ Nghệ với Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong heo hút, bàng hoàng gió chứ không biểu hiện lên vẻ trù mật của những nông trường đất Phủ Quỳ. Những đôi mắt ngơ ngác của những đứa trẻ ngồi bên đường nhìn xe cộ đi qua thật trống trải… Cường – lái xe ôm chở chúng tôi vừa gồng mình điều khiển con xe Win vừa ngán ngẩm cho hay: Nói thật cánh xe ôm chúng tôi rất ngại đi vào vùng này, rất khó đi, mùa khô thì đỡ, mùa mưa thì bùn lầy; thêm nữa, vì ít khách vào đây nên xe ôm cũng chẳng thuộc đường.
Đường liên xã bị sạt lở do mưa lũ ở Nghĩa Thọ. |
Chúng tôi tìm đến nhà ông Hoàng Ngọc Kiên, Xóm trưởng xóm Tân Thọ, một trong những điển hình làm kinh tế ở xã. Nhà ông Kiên khang trang với những gian nhà gỗ kiên cố, sáng đẹp, đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt. Bên bát chè đâm xanh màu ngọc bích, ông Kiên kể về câu chuyện “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ” của mình: Ông vốn không phải người dân gốc mà lên khai hoang nơi đây chừng 30 năm trước. Vợ chồng, con cái siêng năng, khắc phục khó khăn, cần mẫn gieo trồng nên đất chẳng phụ người. Hiện gia đình có 6-7 ha mía, 5 ha cao su, cùng một số vườn tược khác, cho thu nhập mỗi năm 400-500 triệu đồng. Ông Kiên tâm sự: “Đất ở đây thì tốt thật nhưng đường giao thông lại khó khăn quá. Mía thì trồng nhiều nhưng nhiều khi không bán kịp, không vận chuyển ra được, nhìn mía trổ hoa mà chảy nước mắt. Muốn làm ăn được thì phải biết chắt chiu.”…
Xóm Tân Thọ có 95 hộ nhưng cũng chỉ có khoảng 7 -8 hộ “khấm khá” như gia đình ông xóm trưởng, còn phần lớn là hộ đói, hộ nghèo. Ông Kiên dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xóm đã thấy những ngôi nhà rách nát, người lớn, trẻ em nhếch nhác ngồi trong nhà ngóng ra. Hầu hết hộ nghèo, hộ đói đó đều rơi vào những hộ người dân tộc Thổ. Gia đình ông Lê Văn Hành là một hộ như vậy: Nhà 7 người, 2 cô con gái lớn đã đi lấy chồng, 2 đứa nhỏ còn đi học, người con giữa bỏ đi đâu từ mấy tháng nay gia đình cũng không rõ. Cái đói tháng giáp hạt (tháng 5, 6) đã qua từ lâu, có lẽ vì thế mà gia đình không đi làm và dường như nhà ông Hành vẫn đang đợi chờ một điều gì đó trong vô vọng. Hỏi chuyện “sao không đi làm”? – ông Hành buông thõng: “Đất trồng mía hết rồi. Làm việc khác không thích”.
Giao thông đi lại khó khăn, người dân thiếu đất, thiếu phương thức sản xuất, chuyển đổi cây trồng thiếu hiệu quả, nhận thức kém, lười lao động – Đây chính là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo không riêng gì của Tân Thọ mà cả xã Nghĩa Thọ. Toàn xã có 726 hộ thì có tới 33% là hộ nghèo, số hộ thiếu đói gay gắt vào giáp hạt còn khoảng 200 hộ, thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 7 triệu đồng/năm. 98% số hộ làm nông nghiệp, trồng cây công nghiệp chưa đáng là bao, dịch vụ thương mại chậm phát triển. Ngân sách của địa phương vào khoảng 3 tỷ đồng/năm – hoàn toàn do trên cấp… Ông Lê Ngọc Uyển, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thọ chỉ cho chúng tôi xem một quãng đường bê tông chừng 700m đường liên xã đi ngang qua làng Trống, xóm trung tâm của xã.
Quãng đường này chính là niềm tự hào duy nhất của xã, được làm trong năm 2013 từ nguồn ngân sách trên cấp và sự hiến đất của người dân. 13 km đường nội xã còn lại vẫn đang là đường đất. Ông Uyển cho biết: 85% dân số trong xã là người dân tộc thiểu số Thái, Thổ. Hiện xã đang thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ. Các nguồn vốn cấp về đều được xã dồn vào xây dựng Trường Mầm non, Tiểu học và Trạm Y tế. Trụ sở UBND xã hiện đang xuống cấp nặng nhưng vẫn chưa cải tạo vội bởi mối lo của xã hiện tập trung về một số hồ đập lớn nhỏ trên địa bàn. Trong cơn bão số 10 vừa rồi có cái đã suýt vỡ, may mà nhân dân trong xã xả tràn, đắp bao cát ứng cứu kịp thời.
Trăn trở lắm nhưng cán bộ xã Nghĩa Thọ dường như chẳng thể tìm ra được giải pháp để đưa địa phương phát triển đi lên. Ông Chủ tịch xã trầm ngâm thở dài: Dựa vào nội lực của địa phương là điều không thể. Để đưa vùng đất khó này sinh sôi thì dứt khoát phải có đường giao thông đi lại thuận tiện; Nhà nước, doanh nghiệp có cơ chế đầu tư cho bà con sản xuất; có chính sách bình ổn giá cả, đặc biệt là giá mía và cuối cùng là tu sửa hồ đập, xây dựng thêm tràn và làm tốt hệ thống thủy lợi. Không biết bao giờ mong ước này mới đạt được?…
Rời Nghĩa Thọ chúng tôi về xã Nghĩa Lợi theo Tỉnh lộ 531. Tỉnh lộ này nhiều đoạn vừa được làm mới, trơn mướt nhưng nhiều đoạn đã bị hư hỏng nghiêm trọng. Xã Nghĩa Lợi có 976 hộ với 4.496 nhân khẩu. Đời sống của người dân Nghĩa Lợi cũng chẳng khá hơn Nghĩa Thọ là bao nhiêu. Xã hiện có tới 32% hộ nghèo, trên dưới 10 hộ là hộ đói, thu nhập bình quân đầu người 8,5 triệu đồng/năm. Đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào cây mía, diện tích trồng cây công nghiệp chỉ vào khoảng 5-6 ha. Nghĩa Lợi đặt quyết tâm nâng tỷ trọng thương mai dịch vụ lên 117% nhưng nhiều năm nay chỉ tiêu này đều không thể đạt được. Hiện xã vẫn còn nợ Chi nhánh điện Thái Hòa – Nghĩa Đàn 400 triệu đồng tồn đọng kéo dài mà chưa thể trả được.
Ông Lô Văn Cường, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lợi chia sẻ: Vùng đất này những tưởng trồng cây công nghiệp sẽ ngon ăn nhưng ai ngờ thất bại, tay trắng. Chúng tôi đã đưa cây cao su về thì gặp phải gió bão, cà phê thì không hiệu quả, cây cảnh, rau xanh cũng vậy. Hiện tại ngoài cây mía có chăng nuôi dê là hiệu quả hơn cả. Cũng như các xã ở huyện Nghĩa Đàn thuộc Chương trình 135, Nghĩa Lợi chỉ có thể phát triển nếu nhận được sự giúp đỡ mạnh mẽ từ cấp trên, nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư làm đường giao thông, tập huấn khoa học kỹ thuật giúp người dân thay đổi cơ cấu cây, con phù hợp, tạo điều kiện thuận cho nhân dân dễ dàng tiếp cận vốn vay….
Thành Chung