Đoàn ĐBQH Nghệ An lấy ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực
(Baonghean.vn) - Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, dự kiến khai mạc vào ngày 22/10 tới, sáng nay 12/9, Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An đã tổ chức lấy ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.
Phát biểu đặt vấn đề tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Tấn – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An đã thông báo dự kiến chương trình nội dung kỳ họp thứ 4 của Quốc hội sắp tới với nhiều nôi dung quan trọng và sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật, trong đó có sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Đồng chí Phạm Văn Tấn cũng đã gợi mở một số điều đề nghị các ngành, cơ quan, đơn vị tập trung góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, bao gồm: chính sách phát triển điện lực; những vấn đề về quy hoạch phát triển điện lực; hình thành và phát triển thị trrường điện lực; giá điện và các loại phí; nội dung điều tiết hoạt động của điện lực
Quang cảnh cuộc họp
Luật Điện lực đã được Quốc hội khóa XI thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2005. Sau 7 năm, Luật Điện lực đã thực sự giải quyết được nhiều vấn đề trong quản lý, phát triển lĩnh vực điện lực. Tuy vậy, quá trình thực hiện cũng bộc lộ một số yếu kém, thậm chí chồng lấn, bất cập. Trên cơ sở thực tiễn đang đặt ra, tại hội nghị, các đại biểu cho rằng theo Luật thì tỉnh và cấp huyện đều làm quy hoạch phát triển điện lực đang gây sự chậm trễ và chồng chéo. Vì vậy không cần thiết phải có quy hoạch phát triển điện lực cấp huyện.
Mặt khác, nhìn vào tổng thể, hiện tại việc quy hoạch phát triển thủy điện đang có nhiều bất cập, cứ có sông, có suối là làm thủy điện, trong khi đó lại chưa có chế tài để giám sát. Vì vậy cần quy định thủ tục quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch để đảm bảo tính khoa học của quy hoạch. Luật Điện lực hiện hành cũng chưa quy định biện pháp, chế tài xử lý trong vi phạm lãng phí điện, dẫn đến tình trạng điện năng đã khó lại càng khó hơn. Về giá điện, hiện cơ chế giá điện còn một số bất cập, như cơ sở lập và ban hành giá điện chưa có tính thị trường dẫn đến một số doanh nghiệp lợi dụng kinh doanh vào các lĩnh vực tiêu hao điện năng rất lớn như sản xuất xi măng, sắt thép, vừa không khuyến kích các nhà đầu tư cung cấp nguồn điện.
Về biểu giá bán lẻ điện cũng chưa hợp lý, đặc biệt là giá điện cho người nghèo, vùng đồng bào dân tộc khó khăn. Do đó, cần phải quy định lập bảng giá cho cả giá mua và giá bán. Luật sửa đổi, bổ sung cũng cần quy định điều kiện để cấp phép kinh doanh điện lực; đồng thời cần đề cập đến việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động điện lực cho cán bộ, nhân viên ngành điện lực vận hành kinh doanh điện an toàn, hiệu quả cũng như đối với người dân trong việc sử dụng điện an toàn và tiết kiệm….
Cũng tại hội nghị, đại diện các ban, ngành, đơn vị cũng đã điều chỉnh một số từ ngữ trong dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, bổ sung cho súc tích và chặt chẽ hơn.
Mai Hoa