Bài cuối: Hệ lụy tiêu dùng

26/06/2013 16:22

>Bài 1: Sử dụng tràn lan thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản

Mỗi lần đi chợ, bác Nguyễn Thị Thảo (ở xóm 16, xã Hưng Lộc - TP Vinh) đều lòng vòng quanh chợ, cầm lên đặt xuống, phân vân thực phẩm này liệu có an toàn cho sức khỏe? "Thời gian gần đây, nghe báo đài đưa tin rau củ nhiễm khuẩn, trái cây chứa chất bảo quản gây ung thư mà sợ. Giờ đi chợ tôi chẳng biết loại thực phẩm nào là hàng sạch. Ăn thì ít mà lo thì nhiều"- bác Thảo chia sẻ.

Chị Lê Ngọc Dung, giáo viên Trường Tiểu học Hồng Sơn cũng cho hay: "Những mặt hàng nghe tin bị nhiễm độc có thể tránh mua, nhưng còn các mặt hàng chưa phát hiện được thì vẫn cứ phải mua cho bữa ăn gia đình đủ chất. Trước đây người dân tẩy chay hàng Trung Quốc vì sợ nhiễm độc, nhưng giờ ngay cả hàng hóa, thực phẩm trong nước cũng có hóa chất cấm được bày bán la liệt hỏi dân sao không hết lo? Nhiều khi tôi đi chợ thấy rau, củ quả dù đang trái vụ mà xanh tươi mơn mởn được bày bán nhưng không dám mua, chỉ chọn mấy loại rau củ người dân trồng thuận lợi như rau mùng tơi, rau ngót, rau dền. Có điều, ăn mãi rồi cũng chán"...

Sự hoang mang, lo lắng đã lan rộng ra nhiều gia đình khi gần đây liên tiếp có các thông tin về các loại rau củ, trái cây bị nhiễm độc được bày bán trên thị trường. Theo khảo sát của chúng tôi, giá cả các mặt hàng này tương đối ổn định, có một số mặt hàng giảm giá do đang vào chính vụ. Tuy nhiên, theo các tiểu thương, thì số lượng hàng bán ra sụt giảm đáng kể so với các năm do người dân có tâm lý dè chừng.

Anh Lê Văn Dũng, một tiểu thương kinh doanh rau củ tại chợ đầu mối Vinh cho biết: "Người tiêu dùng nay có tâm lý rau củ càng xanh tươi, to trái thì càng ngại vì sợ phun tẩm hóa chất nhiều. Chẳng hạn củ cải trắng, mướp đắng loại lớn thường bị chê có thuốc kích thích, loại củ nhỏ, cằn cỗi được "chuộng" hơn vì cho rằng được trồng tự nhiên. Với các loại rau củ nằm trong "vùng phủ sóng" thông tin có hóa chất ế ẩm hơn trước rất nhiều.

Trước đây, riêng hàng măng tươi cả bán buôn và bán lẻ cho khách, tôi bán được 5- 6 tạ/ngày, nhưng sau khi có thông tin măng bị phát hiện có ngâm hóa chất tẩy trắng và lưu huỳnh, một ngày nhập có 2 tạ măng tươi mà trầy trật mãi không hết". Chị Lưu Thị Vân, chủ cửa hàng kinh doanh hoa quả trên đường Hồ Tùng Mậu (TP Vinh ) cũng cho hay: Thời điểm này hàng bán ra chỉ bằng 1/3 so với các năm trước. Chỉ cần nghe thông tin loại quả nào có chứa hóa chất bảo quản người dân sẽ hạn chế mua ngay, thậm chí có khách vào cửa hàng chẳng cần biết hàng Trung Quốc hay Việt Nam, chỉ cần biết có tên trong "danh sách" hàng nhiễm độc là không chọn, mặc dù đó là hàng Việt chính hiệu".

Thời gian qua, liên tiếp những vụ việc thực phẩm có ngâm tẩm phụ gia, hóa chất được lôi ra ánh sáng. Đó là măng khô được xông tẩm lưu huỳnh chống ẩm mốc, măng tươi ngâm hóa chất Sodium suphite, Sodium hyposulfite giúp măng nhanh mềm, giòn và giữ được màu vàng tươi; sản xuất giá đỗ sử dụng hóa chất Trung Quốc để kích thích sinh trưởng, giúp giá nhanh nảy mầm, mập mạp và ít rễ; gà làm sẵn ngâm bột sắt để tạo màu béo vàng; tôm khô tẩm hóa chất để chống ẩm mốc, có màu sắc đỏ tươi; mực ươn nhờ "phù phép" của hóa chất ngâm tẩm trở nên cứng, trắng, tươi ngon hơn...

Và gần đây nhất (ngày 5/4/2013), là vụ việc Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An bắt giữ 3 thùng xốp đựng 2.000 con chim cút đã làm thịt và ướp đá đông lạnh trên địa phận xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên); bắt giữ 5 thùng đựng bò bắp với số lượng 100kg tại Hoàng Mai (Quỳnh Lưu). Cả 2 loại thực phẩm trên đều đã bốc mùi hôi thối và không rõ nguồn gốc. Trước đó không lâu, lực lượng quản lý thị trường cũng đã phát hiện hơn 3 tấn giò, chả "bẩn" tại phường Đông Vĩnh (TPVinh) ); 600 kg thịt lợn xay ướp lạnh ở địa phận xã Diễn Hồng (Diễn Châu), đang được vận chuyển từ Bắc Giang vào Đà Nẵng ...

Tại vùng trồng dưa lê xã Diễn Kỷ (Diễn Châu), tiếp xúc với bà con nông dân ở đây được biết, hầu hết bà con rất ít được tuyên truyền, tập huấn về sử dụng thuốc BVTV. Vì thế, nguồn thuốc BVTV và thuốc kích thích đều được bà con truyền tai nhau mua ở các cửa hàng, mà có nhiều loại ngay cả người bán cũng không biết rõ lai lịch, nguồn gốc.

Điều nguy hại là đa số các loại thuốc bà con sử dụng là thuốc BVTV cực độc dùng cho cây công nghiệp và lúa, nhưng lại được phun trực tiếp cho rau quả. Nhiều khi vừa phun hôm nay, ngày mai đã hái do thương lái có nhu cầu hoặc đã đến lúc phải thu hoạch.

Anh Lê Hồng Quyết, Trưởng ban Khuyến nông xã Diễn Kỷ cho biết: "Cây dưa lê được trồng tự phát từ năm 2010, trồng xen dưa hấu với diện tích cả 2 loại gần 40ha; riêng dưa lê năng suất trung bình từ 0,7- 1,2 tấn/sào. Các năm trước bà con vẫn mua thuốc kích thích có tên gọi "C sủi" do Trung Quốc sản xuất về phun cho dưa lê. thực tế là dùng loại thuốc đó chỉ dăm ngày sau quả dưa "phổng phao" trông thấy. Nhưng vì phát triển quá nhanh nên khi gặp một trận mưa quả sẽ nứt vỡ toác ra, thiệt hại kinh tế hơn nên bà con không dám phun nữa"...

Nhưng theo chị Nguyễn Thị Lam- một hộ trồng dưa tại xã Diễn Kỷ, đã trồng rau, củ quả là phải phun thuốc sâu, thuốc kích thích tăng trưởng mới cho năng suất cao, quả đẹp, được người tiêu dùng "chuộng" hơn. Riêng đối với cây dưa lê do hay mắc bệnh nấm, sương mai nên mỗi lứa trồng (trong vòng khoảng 2 tháng) nếu ít cũng phải phun 3 lần, gặp những năm thời tiết không thuận thì con số đó phải tăng lên nhiều hơn.



Dưa lê bày bán bên Quốc lộ 1 đoạn qua xã Diễn Kỷ
(Diễn Châu)

Chị Lan cũng khẳng định, không riêng gì gia đình chị mà ở tất cả các hộ trồng dưa ở đây đều phun thuốc như vậy. “Năm nay dưa sai quả, như gia đình tôi thu hoạch được gần 1 tấn/sào, nhưng không hiểu sao dưa lê nhạt, nhiều quả còn nhặng đắng nên ít khách hỏi mua " - Chị Lan cho biết.

Theo số liệu của Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, tuy được cảnh báo thường xuyên, nhưng tình trạng ngộ độc thực phẩm dẫn đến chết người vẫn liên tục xảy ra. Trong năm 2012, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ ngộ độc thực phẩm, gây ngộ độc cho 78 người, 3 người bị tử vong. Tính từ đầu năm 2013 đến nay đã xảy ra 3 vụ, gây ngộ độc cho 383 người, 1 người bị tử vong.



Cơ sở chế biến tôm khô tại phường Nghi Thủy
(Thị xã Cửa Lò).

Được biết trong dịp "Tháng hành động vì chất lượng VSATTP" năm 2013, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP do các sở, ban, ngành, tổ chức đã kiểm tra 6.222 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh và dịch vụ ăn uống, qua đó phát hiện 1.338 cơ sở vi phạm (trong đó có 1.021 cơ sở xử phạt hành chính, 231 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm với tổng số tiền khoảng 30 triệu đồng, 8 cơ sở bị đình chỉ lưu hành sản phẩm, 5 cơ sở đóng cửa...). Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở đó, vì trên thực tế có rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm dù đã qua kiểm tra nhưng vẫn che mắt được các cơ quan chức năng và tiếp tục hành vi chế biến thực phẩm "bẩn".

Kỹ nghệ chế biến thức ăn từ thực phẩm bẩn ngày một tinh vi, việc lạm dụng hóa chất trong bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất… cộng thêm sự quản lý thiếu chặt chẽ và hiệu quả đang làm cho thực phẩm nhiễm độc có “đất sống”.

Khi đề cập đến VSATTP, không ít ý kiến cho rằng, người dân đang bị đầu độc mỗi ngày bởi chính mình. Vì lợi nhuận, người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm không chỉ nhập lậu thực phẩm không có xuất xứ, không an toàn mà còn lạm dụng các loại hóa chất độc hại để nuôi, trồng, bảo quản, chế biến thực phẩm. Người tiêu dùng buộc phải chấp nhận sự "đầu độc " vì ít có lựa chọn khác. Hầu hết các bà nội trợ đều cho rằng, vì sức khỏe của gia đình và chính mình, họ luôn cố gắng lựa chọn thực phẩm an toàn nhưng thực tế rất khó để có sự lựa chọn đúng...

Năm nay, Tháng hành động vì chất lượng VSATTP với chủ đề "Bữa ăn an toàn", các đoàn thanh tra, kiểm tra đã ra quân kiểm soát từ khâu chế biến - vận chuyển đến kinh doanh thực phẩm. Người tiêu dùng mong mỏi Luật VSATTP được siết chặt, nghiêm minh ngay từ khâu sản xuất, chế biến để không còn nghịch lý "người trồng rau mà không dám ăn rau mình trồng ".

Đình chỉ 4 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV

Huyện Yên Thành vừa thành lập đoàn kiểm tra chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vụ hè thu - mùa năm 2013. Qua kiểm tra 11 cơ sở kinh doanh, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở 7 xã, thì có 4 cơ sở không có giấy phép kinh doanh: Cửa hàng Hoa Tứ ở xóm 9, xã Bảo Thành; cửa hàng Cường Sinh ở xóm 7, xã Nhân Thành và cửa hàng Hoàn Lam, cửa hàng Hải Phương cùng ở Cầu Bến Hàng, xã Văn Thành. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản đình chỉ việc kinh doanh của các cửa hàng trên.

Đăng Thiết

q Ông Đào Trọng Dũng - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Nghệ An cho biết: Nguồn gốc gây nên ngộ độc thực phẩm có thể xuất phát từ tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng sản phẩm từ sản xuất, vận chuyển, chế biến và cách sử dụng thực phẩm. Có 3 nhóm tác nhân chính gây ngộ độc thực phẩm: Ngộ độc vi sinh (chiếm 70% các vụ ngộ độc), thực phẩm có biểu hiện ôi thiu, mốc, gây nên các bệnh thương hàn, lỵ, ỉa chảy. Ngộ độc do hóa chất, chủ yếu từ nguồn phân bón, thuốc BVTV. Ngộ độc do vật lý học như mảnh xương thức ăn, nhiễm xạ... Ngộ độc do hóa chất dù chỉ chiếm 9- 10%, nhưng mức độ gây tổn thương, nguy hiểm cao hơn các nguyên nhân khác, có thể gây tổn thương thần kinh, dễ gây tử vong.

q Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 35% số bệnh nhân trên thế giới mắc bệnh ung thư liên quan đến yếu tố thực phẩm và cung cách ăn uống thường ngày. Còn theo số liệu thống kê của Bệnh viện Ung bướu Trung ương, mỗi năm Việt Nam có thêm 150.000 người mắc bệnh ung thư, trong đó có khoảng 50.000 người mắc bệnh do ăn phải thực phẩm nhiễm độc...


Nhóm PV