Làm gì để ngăn ngừa thảm họa hàng không?

26/07/2014 09:40

(Baonghean) - Khi người dân trên toàn thế giới còn chưa hết bàng hoàng sau vụ máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines rơi thì ở Đài Loan, một máy bay dân dụng của hãng TransAsia Airways trong khi cố hạ cánh xuống sân bay Mã Công (huyện đảo Bành Hồ) gặp nạn khiến 48 người thiệt mạng. Ngay sau đó, ngày 24/7, một máy bay của hãng hàng không Algeria (Air Algerie ) rơi khi mới chỉ cất cánh được 50 phút. Ba vụ tai nạn chỉ trong vòng một tuần đối với máy bay dân dụng là điều khiến dư luận hết sức nghi ngờ về sự an toàn của loại phương tiện được cho là an toàn nhất thế giới hiện nay.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay ở Đài Loan ngày 23/7. Ảnh: AP
Hiện trường vụ tai nạn máy bay ở Đài Loan ngày 23/7. Ảnh: AP

TIN LIÊN QUAN

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay trên thế giới có 763 hành khách và nhân viên phi hành đoàn thiệt mạng, so với 265 người của năm 2013. 2 vụ tai nạn của cùng hãng hanàng không Malaysia – gồm MH370 (ngày 8/3) và MH17 (ngày 17/7) làm chết và mất tích tới 517 người. Đặc biệt, riêng số người chết trong tháng 7/2014 nhiều hơn 396 người so với số người thiệt mạng trung bình của tháng 7 trong 10 năm qua (376 người). Những con số thống kê cho thấy mức độ rủi ro khi phải di chuyển trên những chuyến bay. Và điều này cũng khiến tháng 7 năm 2014 xếp hạng 5 trong số các tháng tồi tệ nhất của lịch sử hàng không, xét về số người thiệt mạng.

Còn nhớ, ngày 11/9/2001, một loạt vụ khủng bố cảm tử bằng máy bay khi một nhóm không tặc gần như cùng một lúc cướp bốn máy bay hành khách hiệu Boeing đang trên đường bay nội địa trong nước Mỹ. Nhóm không tặc lái hai phi cơ lao thẳng vào Tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại Manhattan (Thành phố New York) mỗi chiếc đâm vào một trong hai tòa tháp cao nhất, cách nhau khoảng 18 phút. Trong vòng hai tiếng đồng hồ, cả hai tòa tháp bị sụp đổ. Một nhóm không tặc khác lái chiếc phi cơ thứ ba đâm vào tổng hành dinh của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tại Lầu Năm Góc ở Quận Arlington, bang Virginia. Chiếc máy bay thứ tư rơi xuống một cánh đồng gần Shanksville thuộc Quận Somerset, Pennsylvania, cách Pittsburgh 129 km về phía Đông, sau khi hành khách trên máy bay chống cự lại nhóm không tặc này. Theo thống kê, tổng số người thiệt mạng trong những vụ tấn công trên lên tới gần 2.999 người (tính cả ở mặt đất và 19 không tặc) và làm hơn 6.200 người khác bị thương. Còn thiệt hại về kinh tế lên đến hàng chục tỷ đô la, nếu tính đến cả chi phí do Mỹ phát động chiến tranh chống khủng bố thì con số này lên đến khoảng 4.000 tỷ USD. Sau vụ khủng bố này, vấn đề an toàn cho các chuyến bay luôn là ưu tiên hàng đầu của tất cả các hãng hàng không trên toàn thế giới. Bất cứ một thông tin nào, dù là ít xảy ra nhất liên quan đến những nghi vấn về khủng bố đều bị hủy lịch trình bay và điều tra kỹ càng. Và thực tế, kể từ sau vụ tấn công ngày 11/9/2001 nhắm vào nước Mỹ, các nhà thống kê chưa ghi nhận được bất cứ vụ tấn công khủng bố nào bằng đường hàng không, chỉ đến khi vụ máy bay Boeing 777-200ER mang số hiệu MH 370 của hãng hàng không Malaysia - Malaysia Airlines mất tích một cách bí ẩn khi đang trên hành trình từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh, trên máy bay có 239 hành khách cùng 12 thành viên phi hành đoàn. Cho đến nay, sau nỗ lực tìm kiếm của rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam nhưng vẫn chưa phát hiện bất cứ dấu hiệu nào về chiếc máy bay xấu số này và hiện nay, công việc tìm kiếm vẫn đang tiếp tục. Sự mất tích bí ẩn của máy bay số hiệu MH370 một lần nữa làm dấy lên những hoài nghi về an toàn hàng không. Bởi trên hành trình bay, điều kiện thời tiết đẹp, không bay qua bất cứ vùng chiến sự nào và được đánh giá là một trong những đường bay an toàn nhất thế giới. Ngay sau sự việc này, các cuộc điều tra cho thấy công tác quản lý ở khâu xuất nhập cảnh ở các sân bay còn lỏng lẻo cụ thể là đã có 2 hành khách sử dụng hộ chiếu giả. Tuy nhiên, đến nay, các cuộc điều tra đều chưa thể đưa ra bất cứ kết luận gì.

Không giống như MH 370, chiếc máy bay MH 17 cũng của Malaysia Airlines bị trúng tên lửa, rơi ngày 17/7 tại Donetsk, miền Đông Ukraine khiến toàn bộ 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Đây là vụ rơi máy bay thứ 2 chỉ trong vòng 131 ngày của Malaysia Airlines. Tuy nhiên, câu chuyện MH17 lại hoàn toàn khác, ngay sau vụ tai nạn, các bên giao tranh tại Ukraine liên tục đổ lỗi cho nhau. Không những thế, nó lại được lợi dụng để gây ra cuộc chiến truyền thông nhằm quốc tế hóa vấn đề, đào sâu thêm căng thẳng vốn đã tồn tại từ lâu của không chỉ ở đất nước Ukraine mà còn cả giữa Nga và phương Tây. Câu hỏi đặt ra là tại sao dù đã biết đây là vùng chiến sự và đã được khuyến cáo nhưng rất nhiều hãng hàng không vẫn cho phép máy bay bay qua? Chẳng lẽ vì lợi nhuận (bởi đây là đường bay ngắn nhất từ Châu Âu về Đông Nam Á) mà có thể đánh đổi bằng sinh mạng của những người vô tội? Đến khi gặp nạn thì chuyện đã rồi, có đổ lỗi hay quy trách nhiệm cho bên nào đó thì cũng không thể thay đổi được số phận thường dân đã tử nạn.

Khi còn chưa hết bàng hoàng sau vụ rơi máy bay thảm khốc thì trong 2 ngày (23 và 24/7), liên tiếp có 2 vụ rơi máy bay dân sự. Ngày 23/7, ở Đài Loan, máy bay Airbus ATR72 mang số hiệu GE222 của hãng TransAsia (Đài Loan) từ Cao Hùng đến Bành Hồ thì gặp nạn. Trên chuyến bay có 54 hành khách và 4 thành viên phi hành đoàn, tuy nhiên, chỉ có 10 trong số đó may mắn thoát chết, 48 người còn lại thì không bao giờ có cơ hội trở về với gia đình. Theo những thông tin ban đầu thì có thể do thời tiết, tuy nhiên Cơ quan quản lý Hàng không Dân dụng Đài Loan cho hay, kiểm soát không lưu báo cáo rằng điều kiện thời tiết lúc đó không vượt quá giới hạn cho phép hạ cánh theo quy định quốc tế. Còn đối với trường hợp của Boeing MD83 số hiệu AH5017 của hãng hàng không Algeria - Air Algerie gặp nạn chỉ một ngày sau vụ rơi máy bay ở Đài Loan. Chuyến bay này có hành trình từ Burkina Faso lúc 1g17 giờ địa phương (8g17 sáng giờ Việt Nam) và dự kiến hạ cánh xuống Algiers sau đó 4 giờ, sau khi cất cánh được 50 phút thì gặp nạn, trên máy bay có 116 người nhưng không còn ai sống sót. Nguyên nhân được xác định do điều kiện thời tiết xấu (có thể là bão cát).

Theo các con số thống kê thì hàng không vẫn là phương tiện giao thông an toàn nhất, nhưng chỉ trong vòng 1 tuần qua đã có tới 3 vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết hàng trăm người. Nguyên nhân các vụ tai nạn nói trên hiện vẫn đang được điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, việc người dân trên toàn thế giới lo ngại cho việc đi lại bằng hàng không là điều không thể tránh khỏi. Bởi tuy ít về con số thống kê nhưng một khi đã có tai nạn thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Vẫn biết, các hãng hàng không đều rất cẩn trọng trước khi cho máy bay cất cánh, nhưng để an toàn cho mỗi chuyến bay, cần phải khảo sát kỹ điều kiện thời tiết cũng như tránh xa các điểm nóng về quân sự nhằm giảm thiểu những rủi ro, và để giao thông đường không luôn giữ được "danh hiệu" phương tiện đi lại an toàn nhất thế giới.

Cảnh Nam