Cấp cứu thành công bệnh nhi ngộ độc lá lộc mại

05/09/2013 17:26

(Baonghean.vn) - Sáng 4/9, Bệnh viện Sản – Nhi đã tiếp nhận và cấp cứu thành công bệnh nhi bị ngộ độc lá lộc mại. Đó là trường hợp cháu Nguyễn Thị Ngọc (10 tuổi), ở xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ.

Theo thông tin từ chị Nguyễn Thị Nhì, mẹ cháu Ngọc cho biết: Ngày 30/8, thấy cháu có hiện tượng bị táo bón lâu ngày không đi ngoài được, chị có hái lá lộc mại làm thuốc cho cháu Ngọc uống. Sau khi uống xong cháu đi ngoài được (6 lần/ngày) và có hiện tượng ra nhớt, phân có bọt vàng, sức khỏe vẫn bình thường. Tuy nhiên, ngày 1/9 cháu Ngọc có biểu hiện nôn nhiều lần, mệt, sốt cao, không ăn uống được. Gia đình thấy vậy đã đưa cháu đi cấp cứu ở trạm y tế xã và bệnh viện huyện nhưng bệnh tình cháu không thuyên giảm, vẫn nôn nhiều và có biểu hiện cứng đơ người. Sau đó cháu Ngọc được chuyển xuống và cấp cứu tại bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An.

Bác sỹ Nguyễn Thanh Khôi - Phó Trưởng khoa HSCC đang kiểm tra sức khoẻ cho bệnh nhi bị ngộ độc lá lộc mại.

Bác sỹ Nguyễn Thanh Khôi – Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Sản – Nhi cho biết: Lúc nhập viện cháu Ngọc có biểu hiện da xanh, niêm mạc nhợt nhạt (do vỡ hồng cầu nên mất máu quá nhiều), suy hô hấp, nước tiểu đỏ, trụy mạch và có nguy cơ suy thận. Sau khi được cấp cứu cho thở ô xy, bù dịch điện giải, truyền 250ml máu, tiêm kháng sinh chống bội nhiễm… cháu Ngọc đã qua cơn nguy kịch nhưng theo nhận định thì tình trạng sức khỏe của cháu vẫn đang diễn biến phức tạp và cần được theo dõi, điều trị tích cực. Đặc biệt, ở trường hợp cháu Ngọc có biểu hiện chậm phát triển về tâm thần, vận động, cơ thể suy nhược (cháu nặng có 24kg), sức khỏe kém nên quá trình điều trị sẽ kéo dài hơn so với những trường hợp bị ngộ độc lá lộc mại trước đây đã được cấp cứu tại khoa.

Đồng thời, bác sỹ Nguyễn Thanh Khôi khuyến cáo các bậc phụ huynh có con nhỏ (nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa) cần có sự hiểu biết và nâng cao nhận thức về vấn đề ngộ độc vì lá lộc mại. Đây là loại lá rất độc và gây tử vong rất nhanh nếu ăn với số lượng lớn. Người dân cũng không nên dùng để chữa bệnh đường ruột theo kinh nghiệm dân gian (còn gọi là chữa mẹo) cho trẻ em bị táo bón lâu ngày, gây nguy hiểm cho tính mạng của các cháu.


Thúy Hiền