"Làm kinh tế giỏi như Moong Phò Ngọc"

08/03/2015 09:32

(Baonghean) - Vừa làm cán bộ chủ chốt có uy tín cao của xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn), Moong Phò Ngọc còn phát triển kinh tế gia đình bằng chăn nuôi bò hàng hóa, trồng ngô lai, trồng chuối... Qua những mô hình thành công, anh đã lãnh đạo, vận động đồng bào làm theo.

Moong Phò Ngọc cùng vợ chăm sóc đàn bò.
Moong Phò Ngọc cùng vợ chăm sóc đàn bò.

Vượt dốc Noọng Dẻ, chúng tôi tới thăm trang trại nuôi bò, kết hợp nuôi gà của anh Moong Phò Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn. Trang trại được nằm sâu dưới tán rừng, phía dưới chân khe Cắn nên mất gần 2 giờ đường rừng chúng tôi mới tới nơi. Gọi là trang trại nhưng chỉ một lán dựng tạm trên vùng đất bằng làm nơi cất giữ thức ăn gia súc, gia cầm và là nơi che nắng mưa, trú ngụ của đàn gia cầm hàng trăm con. Dẫu cơ sở vật chất còn đơn sơ, nhưng quy mô trang trại của Moong Phò Ngọc lớn với gần 60 con bò, hàng trăm con gà, ngan.

Câu chuyện dựng lán lập trang trại của anh cũng bắt đầu khá sớm khi gia đình nhận 24ha đất rừng phòng hộ khoanh nuôi bảo vệ. Là người rất trăn trở bởi phải làm gì dưới tán rừng đó để phát huy hiệu quả mới là giải pháp bảo vệ tốt nhất, thế là anh nuôi dê, gà. Lúc đầu quy mô nhỏ nên chưa phát huy hiệu quả, anh chuyển sang nuôi bò với cách nhân đàn tự nhiên. Cũng nhiều lần mất trắng đàn, bởi dịch phát sinh tràn lan, nhưng rồi anh rút kinh nghiệm, để bảo vệ tổng đàn định kỳ anh mời cán bộ thú y vào tận trang trại tiêm phòng dịch cho trâu, bò, gia cầm theo quy định, đồng thời chuẩn bị mọi điều kiện để phòng, chống rét cho đàn bò mỗi khi mùa Đông đến, vì thế trang trại anh Ngọc đảm bảo được tổng đàn không xẩy ra dịch bệnh. Thời điểm nhiều nhất trang trại có đến hơn 80 con bò, bê, hiện tại duy trì từ 60 - 70 con.

Không chỉ làm trang trại tổng hợp, kết hợp phát triển kinh tế rừng và chăn nuôi, Moong Phò Ngọc còn tiên phong trong việc đưa cây ngô lai trồng trên đất Nậm Cắn. Cây ngô lai bắt đầu có mặt trên vùng đất rẻo cao này từ năm 2008 với 2 ha đầu tiên của anh, sản lượng đạt được từ vụ đầu trên 12 tấn. Sau đó mấy vụ, Moong Phò Ngọc tiếp tục tăng diện tích trồng lên gần 10 ha với sản lượng đạt được hơn 60 tấn. Thấy anh Ngọc trồng ngô lai cho thu nhập cao ổn định gấp nhiều lần lúa rẫy, không những các hộ người Khơ mú - (bản Khánh Thành) học tập làm theo mà các hộ người Thái, Mông tại các bản khác như Tiền Tiêu, Trường Sơn... có điều kiện đất đai rộng đều trông ngô lai thay thế lúa rẫy. Nhờ đó, phong trào trồng ngô lai ở Nậm Cắn phát triển mạnh và trở thành xã có diện tích ngô nhiều nhất huyện Kỳ Sơn với trên 280 ha. Cây ngô lai trở thành cây trồng chủ lực đưa lại nguồn thu rất lớn cho xã Nậm Cắn.

Sau nhiều vụ trồng thử nghiệm cho thấy giống ngô VN10 là phù hợp nhất, cho năng suất cao, chất lượng ngô hạt đảm bảo trên vùng đất Nậm Cắn, nhiều gia đình ở các bản đã đến thăm mô hình của anh Ngọc để học tập làm theo như hộ ông Nhung Phò Toàn, Cụt Phò Liệu, Ven Phò Đồng... nuôi bò, trồng ngô lai, bước đầu đã cho hiệu quả. Hiện nay, anh Ngọc đang trăn trở với việc đưa cây chuối cau, chuối ngự vào trồng trên vùng đất này, bởi theo anh chuối là loại cây dễ trồng, dễ tiêu thụ tương đối phù hợp trên vùng đất Nậm Cắn. Do vậy, từ 2 năm trước anh đã chủ động trồng 120 gốc và đã khẳng định thêm một hướng đi. Moong Phò Ngọc cho biết: Năm nay anh sẽ vận động thêm 30 hộ khác tham gia trồng chuối bằng cách anh hỗ trợ giống, phân bón, kính phí để bà con tập trung trồng. Bởi cần phải có diện tích lớn, quy mô thì mới có số lượng hàng hóa đảm bảo cho tiêu thụ sản phẩm.

Trên cương vị Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách kinh tế, với việc đi đầu thực hiện mô hình sản xuất, chăn nuôi và tiên phong khi đưa một số giống cây, con vào trồng, Moong Phò Ngọc đã trở thành mẫu hình người cán bộ “miệng nói tay làm” được Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã vùng biên Nậm Cắn nể phục. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất bằng chính những mô hình cụ thể đã giúp bản thân anh thuận lợi trên cương vị công tác chỉ đạo phát triển kinh tế và bà con tin tưởng làm theo. Đồng bào nơi vùng biên Nậm Cắn luôn nhắc nhở nhau “hãy làm kinh tế giỏi như Moong Phò Ngọc”.

Hữu Nghĩa