Ai Cập bất ổn sau án tử của cựu Tổng thống Morsi?
(Baonghean) - Sau khi một tòa án ở Ai Cập kết án tử hình cựu Tổng thống Mohamed Morsi và hơn 100 bị cáo liên quan tới các vụ vượt ngục và tấn công cảnh sát trong cuộc nổi dậy hồi năm 2011, những người ủng hộ ông Morsi và tổ chức Anh em Hồi giáo đã thực hiện các vụ tấn công vào các tòa án và sát hại một thẩm phán tại bán đảo Sinai. Theo giới phân tích, với phán quyết cứng rắn này, chính quyền Ai Cập đang muốn ngăn chặn triệt để nguy cơ trỗi dậy của phe Hồi giáo. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc dồn phe này đến bước đường cùng, báo hiệu các hành động cực đoan khiến Ai Cập trở nên bất ổn.
Cùng với cựu Tổng thống Mohamed Morsi, 106 người ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo đã bị toà án hình sự Cairo tuyên án từ hình. Tòa cáo buộc những bị cáo này tổ chức phá ngục, tấn công, bắt cóc lực lượng an ninh trong thời gian diễn ra “mùa xuân Ả Rập” lật đổ chính quyền Hosni Mubarak vào năm 2011. Phán quyết này của chính quyền Ai Cập không quá bất ngờ với dư luận quốc tế. Bởi nhìn lại từ thời điểm cuộc chính biến tháng 7 năm 2013, ông Morsi và tổ chức Anh em Hồi giáo cũng không ít lần bị cáo buộc và tuyên án với nhiều tội danh khác nhau.
Ngày 25/11/2013, phong trào Anh em Hồi giáo đã bị chính quyền Tổng thống al-Sisi liệt vào danh sách “tổ chức khủng bố”. Đến giữa tháng 4 vừa qua, cựu Tổng thống Morsi đã bị kết án 20 năm tù giam do các tội danh liên quan tới vụ sát hại những người biểu tình hồi năm 2012. Mới nhất và cũng được đánh giá là cứng rắn nhất, chính là tuyên án tử hình với ông Morsi và hơn 100 bị cáo phe Hồi giáo.
Cựu Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi. Nguồn: AFP |
Theo giới phân tích, tăng dần các mức án đối với cựu Tổng thống Morsi và các thành viên Tổ chức Anh em Hồi giáo thực chất là các bước đi thăm dò của chính quyền Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi trong mấy năm qua đối với dư luận trong nước và cộng đồng quốc tế. Bởi lựa chọn của đương kim Tổng thống al-Sisi là không nhiều. Một mặt, chính quyền này phải khẳng định cuộc chính biến hồi năm 2013 là con đường đúng đắn; nhưng mặt khác cũng phải thể hiện một chế độ xã hội dân chủ, thế tục, phi tôn giáo và không vấp phải những thất bại của chính quyền cũ. Trong bối cảnh xã hội Ai Cập vẫn chưa thực sự ổn định kể từ khi làn sóng Mùa xuân Ả rập tràn qua hồi năm 2011 cho đến cuộc chính biến năm 2013, từng động thái hay quyết định của chính quyền hiện nay đều được người dân theo dõi sát sao.
Thận trọng trong từng bước đi là thế nhưng Tổng thống al-Sisi dường như chưa lường hết được phản ứng của dư luận khi phán quyết nặng nhất được đưa ra với ông Morsi. Dư luận Ai Cập dù không ủng hộ phe Hồi giáo nhưng cũng cho rằng, án tử hình dành cho tội vượt ngục là quá cao. Còn với những người ủng hộ ông Morsi, sự giận dữ ngay lập tức đã bùng phát với ít nhất 3 tòa án trên toàn Ai Cập bị tấn công và đốt cháy. Nghiêm trọng nhất là vụ sát hại một thẩm phán tại bán đảo Sinai. Bộ Nội vụ Ai Cập đã ngay lập tức phải nâng mức cảnh báo tại các khu vực công cộng của đất nước. Theo quan sát của giới truyền thông, bạo lực dự báo sẽ còn gia tăng mạnh mẽ tại nhiều khu vực trong những ngày tới.
Bên ngoài lãnh thổ Ai Cập, dư luận quốc tế đã ngay lập tức có phản ứng gay gắt. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách An ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini nhấn mạnh, án tử hình này là không phù hợp với cam kết quốc tế của Ai Cập.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke cho rằng, án tử hình nhằm vào ông Morsi là “bất công và hủy hoại niềm tin vào pháp quyền”. Trước lời cảnh báo mạnh mẽ đến từ đồng minh thân thiết Mỹ, Bộ Ngoại giao Ai Cập cho rằng, đây là một sự can thiệp không thể chấp nhận vào vấn đề nội bộ của nước này. Nhưng với một chính quyền non trẻ trong bối cảnh bất ổn như hiện nay, xem ra động thái xem nhẹ những lời cảnh báo như trên không phải là quyết định khôn ngoan nhất. Đặc biệt là khi Ai Cập đang cần khẳng định lại vị thế, vai trò trong khu vực và các diễn đàn quốc tế.
Như vậy, dường như với án tử hình dành cho ông Morsi, Tổng thống al-Sisi đang lâm vào thế khó trước dư luận trong và ngoài nước. Theo luật pháp Ai Cập, bản án này sẽ còn được gửi đến Grand Mufti - một tổ chức tôn giáo tối cao ở Ai Cập để xem xét, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, những phán quyết của tổ chức này thường không mang tính ràng buộc đối với quyết định của toà án. Dự kiến, toà án sẽ công bố quyết định cuối cùng vào ngày 2/6 tới đây.
Từ nay đến thời điểm đó, dư luận sẽ chờ đợi các bước đi xoa dịu dư luận và xử lý các diễn biến xấu có thể xảy ra của Tổng thống al-Sisi. Một làn sóng phản kháng của phe Hồi giáo là không thể loại trừ. Nhưng, cũng có ý kiến cho rằng, quyết định của Tổng thống al-Sisi là cần thiết. Bởi vào lúc này, chỉ có quyết liệt và chấp nhận rủi ro trước mắt mới có thể hướng tới mục tiêu dài hạn, đó là duy trì một chế độ xã hội dân chủ, thế tục, phi tôn giáo mà thống tướng al-Sisi đã đề ra.
Phương Hoa